Khô “ruộng” vốn: Đổi tập quán trước, bơm nước sau?
“Ruộng” vốn một số ngân hàng khô hạn, nhưng nước chưa được bơm mạnh ngay, mà trước hết phải thay đổi tập quán gieo trồng.
Những ngày cuối năm, theo chân những người đi rút tiền, mới thấy sự chật vật của một số nhà băng khan vốn. Lần lữa, tránh né nhưng cũng có sự thực lòng: “Chúng tôi đang khó khăn thanh khoản, chưa cân đối được nguồn, biết sao bây giờ!”.
“Biết sao bây giờ!” - đến cả phía ngân hàng còn nói vậy thì… biết làm sao!
Oái ăm hơn, tại nhà băng nọ, có lẽ những người đi rút tiền khó mà quên được hình ảnh một lãnh đạo chi nhánh tay đút túi quần, ngang qua nhóm người đang sốt ruột chờ được tiếp để hỏi chuyện rút tiền đến hạn, khoản tiền khá lớn. Rồi thì vị lãnh đạo này cũng rút tay khỏi túi, trỏ gọn một trong số họ: “Anh vào tôi gặp”. Kết quả, ngân hàng lần khất…
“Khó khăn thanh khoản thì có thể thông cảm được, nhưng thái độ đó thì không thể chấp nhận. Không lẽ họ khó đến mức không còn gì để bất cần như vậy?”, một người trong nhóm nói với VnEconomy.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Với những khoản tiền cỡ vài trăm tỷ đồng, ngân hàng khó chi trả tại một thời điểm là có thể gặp, nhất là ở mùa cao điểm thanh toán cuối năm. Vấn đề là yêu cầu cân đối vốn, bởi khoản tiền cần trả đó không phải là bất chợt trên trời rơi xuống.
Về những tình huống trên, hay cả những món nợ đồng lần xuất hiện trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng lý giải rằng: vấn đề thanh khoản tại một số ngân hàng hiện nay là do lỗi cơ cấu nguồn.
Trong cách nói hình ảnh của ông, ruộng vốn của những ngân hàng đó đang khô hạn, bơm tiền ra ồ ạt là chống hạn được ngay. Nhưng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước lúc này là ưu tiên điều chỉnh lại tập quán gieo trồng của các chủ ruộng trước. Ở đây, mối liên hệ giữa bơm tiền và lạm phát tạm gác một bên.
“Nhiều học giả cho rằng Ngân hàng Nhà nước bơm ào ạt ra. Cũng đúng thôi, không có gì là quá ghê gớm, hạn thì bơm nước. Nhưng còn nhiều góc độ khác nữa. Nếu bơm mà không thay đổi được tập quán thì bơm bao nhiêu cho đủ, rồi nó lại tích tụ. Trước khi bơm ra thì phải thay đổi tập quán”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu quan điểm.
Tập quán cần thay đổi đó là cơ cấu sử dụng vốn trong thời gian qua.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, một thời gian dài vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Cho đến lúc này việc một người dân gửi tiền kỳ hạn 3 - 5 năm thực là hiếm. Thế nhưng một số nhà băng lạm dụng quá mức nguồn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Trước đây, quy định đặt ra là ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, tỷ lệ này hiện đã được rút xuống còn 30%. Nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận là trong một thời gian dài việc tuân thủ còn yếu, trong khi việc xử lý lại chưa mạnh. Có những tổ chức tỷ lệ này lên tới 60 - 70%, thậm chí đến cả 100%.
Nguồn vốn cho vay chủ yếu lệ thuộc vào huy động, huy động được bao nhiêu cho vay bấy nhiêu tạo sự thụ động trước rủi ro khi xuất hiện những khoảng trống (gap), hay khi khó huy động tiếp. “Trước đây thị trường tương đối “hồng hào” thì có thể huy động các kênh khác để bù đắp, nay chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn thì sự bù đắp đó hụt đi và dẫn tới thiếu thanh khoản”, Thống đốc Bình nói.
Do mất cân đối cơ cấu kỳ hạn như vậy, tích tụ trong thời gian dài dẫn đến rủi ro thanh khoản gần như thường trực trong hệ thống suốt thời gian qua.
Thống đốc cũng lưu ý thêm rằng: “Đứng giữa tổng dư nợ và tổng tài sản ngân hàng nhận thế chấp thì có vẻ yên tâm, ví dụ chỉ cho vay 40% giá trị tài sản thế chấp, cao thì 70%, phù hợp với quy định, nhưng về cơ cấu thời hạn thì không phù hợp”.
Từ những phân tích trên, quan điểm mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra lúc này trước hết là phải thay đổi được tập quán gây rủi ro đó, sau đó mới xem xét bơm nước để các chủ ruộng tiếp tục gieo trồng một cách hợp lý.
“Phải thay đổi, chặn đứng được thực tiễn đó thì mới bơm ra, dòng vốn ra mới hiệu quả hơn, giúp tăng trưởng kinh tế phù hợp, không làm tăng áp lực lạm phát. Tiền đưa ra không phải để lấp vào những chỗ làm ăn không đúng trước đây”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Ngoài quan điểm và cách thức giải quyết trên, một hướng khác cũng có thể suy luận: Ngân hàng Nhà nước không vội bơm tiền mạnh ra hỗ trợ những trường hợp thường xuyên khó khăn thanh khoản như vậy cũng là một cách cho “tự xử”. Nếu không thay đổi được tập quán, không tự khắc phục được khó khăn kéo dài thì cần tính tới sáp nhập, hợp nhất.
Thực tế, quá trình tái cấu trúc hệ thống đã được triển khai, và dường như nó còn nhanh hơn cả những hoài nghi trong dư luận trước đó…
Minh Đức
tbktvn
|