“Không có khủng hoảng hệ thống ngân hàng”
* Nợ xấu vẫn ở mức an toàn
(Vietstock) – Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không phải do ngân hàng yếu kém đến mức không tái cấu trúc thì đổ vỡ ngay lập tức mà do nhu cầu của đất nước và sẽ không có chuyện khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng.
* Thống đốc: Có khoảng 10% tổ chức tín dụng khó khăn
Đó là một trong những nội dung đối thoại trực tuyến của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Cụ thể, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết nhu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng xuất phát từ nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển từ kinh tế phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng. Đấy là nhu cầu cấp bách và để đáp ứng nhu cầu đó, phải giải quyết những yếu kém đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng.
Ông Bình cho rằng hệ thống ngân hàng của Việt Nam về cơ bản vẫn đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống đặt ra. Những năm vừa qua, như năm 2008, lạm phát cao, rất nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn đứng vững. Thậm chí đến năm 2009, khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng, kinh tế thế giới chao đảo, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn vững. Do vậy, Thống đốc khẳng định không có khủng hoảng hệ thống ngân hàng.
Còn về câu hỏi có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng hay không, nếu trên góc độ vĩ mô toàn hệ thống, Thống đốc khẳng định là không. Tuy nhiên dưới góc độ một vài ngân hàng thì có. Bởi theo Thống đốc hiện nay có một số tổ chức tín dụng yếu, quy mô nhỏ, tình hình tài chính không lành mạnh. Các tổ chức này phục vụ lợi ích một số cổ đông chiếm tỷ trọng chi phối tổ chức. Lợi ích nhóm ở đây là lợi ích của các cổ đông lớn của ngân hàng đó, mà đúng ra, ngân hàng phải phục vụ lợi ích đại chúng.
Trên góc độ vĩ mô toàn bộ hệ thống ngân hàng, không có chuyện vì lợi ích nhóm nào đó mà phải cho vay bất động sản....
Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc cho biết việc mất thanh khoản không phải chỉ do nợ xấu. Hệ thống ngân hàng hơi khác so với các doanh nghiệp. Nợ xấu có thể cao nhưng cuối năm ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro để chi trả cho nợ xấu đó. Tức là, ngân hàng phải dùng lợi nhuận của mình để bù đắp nợ xấu. Trong thực tiễn, đầu năm có thể nợ xấu cao nhưng cuối năm khi ngân hàng trích lập quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp thì nợ xấu giảm đi. Đó mới là kết quả chung của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng cần xét tới quy định, khái niệm thế nào là nợ xấu. Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, ngành ngân hàng có bước tiến lớn trong xếp loại nợ (theo 5 nhóm), khá phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, khi xếp loại, do đánh giá chủ quan, có tổ chức, cá nhân xếp loại nợ của một ngân hàng nào đó vào nhóm 5 nhưng tổ chức, cá nhân khác cho rằng không đến mức độ như vậy. Do chuẩn mực kế toán của Việt Nam và quốc tế cũng chưa đồng nhất, khi đánh giá của kiểm toán trong nước so với quốc tế có độ vênh nhất định nên tạo ra dư luận có thể nợ xấu cao hơn.
Thống đốc nói thêm rằng, nợ xấu của ngân hàng so với trước có tăng lên nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và ở mức an toàn.
Như Ý
|