Thứ Bảy, 21/01/2012 11:05

Phục hồi chứng khoán: Hy vọng gì từ những hứa hẹn?

(Vietstock) - Sau một năm trời thắt ruột, nhà đầu tư lại chờ đón năm 2012 với những lời hứa hẹn sẽ phục hồi TTCK. Cũng như giới đầu tư BĐS phía Nam đã phải chờ đợi trong 4 năm qua, các nhà đầu tư chứng khoán sẽ cần đến đức tính kiên nhẫn để những lời hứa hẹn trở thành hiện thực.

Từ Ủy ban chứng khoán nhà nước

Cũng như thời điểm cuối năm 2010, sự hứa hẹn được phát ra một cách điềm tĩnh, dù rằng hoàn cảnh của thị trường hiện nay tệ hơn lúc đó rất nhiều.

Tuy nhiên, khác với không khí mùa Xuân năm 2011, thời gian giáp Tết năm 2012 còn có thêm hương sắc từ Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước.

“Nhà nước sẽ không bỏ rơi thị trường nào cả”, tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội vào cuối tháng 11/2011 đã khởi phát tín hiệu đầu tiên đối với TTCK.

Ít nhất cũng là tín hiệu “hồi phục về quan điểm”.

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã có được tín hiệu phục hồi về chính sách với độ trễ pha khoảng 4 tháng sau thị trường bất động sản (BĐS). Cần nhắc lại, từ đầu tháng 8/2011, trước tình cảnh đóng băng toàn diện, thị trường nhà đất Việt Nam đã được khơi mào về chính sách và quan điểm bằng hàng loạt cuộc hội thảo về hiện trạng bong bóng bất động sản, tìm giải pháp về nguồn vốn, mục tiêu hướng tới an sinh xã hội…, và tất nhiên không quên làm rõ một khái niệm rất quan yếu: bất động sản thuộc khu vực phi sản xuất hay sản xuất.

Một cách tương ứng, chứng khoán cũng đang được hứa hẹn về xem xét lại “tư cách” phi sản xuất của nó. Lời hứa này được nêu ra bởi chính chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCK) Vũ Bằng.

Tiếp theo một số công việc có tính trung hạn như xây dựng Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán, thiết lập cơ chế T+2, hay dự kiến áp dụng bộ chỉ số mới cho thị trường vào đầu tháng 2/2012, UBCK thừa hiểu rằng tất cả những động tác điều chỉnh về cơ chế trong ngắn hạn và trung hạn sẽ chẳng có ý nghĩa gì lớn nếu TTCK không có được giải pháp “khơi thông nguồn vốn”.

Điều quá đỗi quan trọng đối với mặt hàng cổ phiếu là những người đầu tư vào nó sẽ phải vay mượn ngân hàng với lãi suất trên 20%/năm hay chỉ khoảng 15-16%/năm. Những tỷ lệ lãi suất như thế lại phụ thuộc vào cách thức quan niệm về chứng khoán có phải là ngành tạo ra sản phẩm “gốc” cho xã hội hay không.

Một tiền lệ mang tính khuyến khích cho đề xuất của ông Vũ Bằng chính là việc bất động sản, sau một thời gian dài được Bộ Xây dựng và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia kiên trì kiến nghị, vào tháng 9/2011 đã được Thủ tướng chấp thuận xếp vào dạng sản xuất, và vào giữa tháng 11/2011 đã chính thức được Ngân hàng nhà nước cụ thể hóa quan điểm này bằng một văn bản loại trừ 4 nhóm đối tượng bất động sản khỏi khu vực phi sản xuất.

Đến Bộ Tài chính

Nếu vấn đề “triết học” được giải tỏa thì có thể nghĩ đến những câu chuyện thiết thực hơn. Bộ Tài chính - cấp trên trực tiếp của UBCK - đã lần đầu tiên xuất hiện vào thời điểm cuối năm 2011, với sự “định hướng” sẽ phục hồi TTCK trong năm 2012.

Dĩ nhiên vai trò của Bộ Tài chính còn quan trọng hơn nhiều so với những kế hoạch trung và dài hạn của UBCK. Ít nhất, Bộ này cũng có quyền quyết định về chuyện giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư chứng khoán đến hết năm 2012, trong bối cảnh thị trường đã lấy đi gần hết tài sản của những nhà đầu tư này.

Mặt khác, cũng cần để ý về vai trò và cách làm việc mới mẻ của Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ. Giới phân tích đã bình luận rằng từ nhiều năm nay, nửa cuối năm 2011 là thời gian đầu tiên mà ngành tài chính xây dựng được kế hoạch khoa học và chi tiết cho năm 2012 và đến cả năm 2015. Trong đó, những hạng mục công việc của UBCK cũng nằm trong cái “lần đầu tiên” như thế.

Tuy nhiên, mối lo âu mơ hồ vẫn còn đó. Sẽ là tốt hơn nhiều nếu Bộ trưởng tài chính chi tiết hóa về những giải pháp giúp cho TTCK phục hồi, như những chi tiết cụ thể đã được xây dựng đối với việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Liệu trong đề án tái cấu trúc TTCK của Bộ Tài chính, có giải pháp nào liên quan trực tiếp đến việc tạo ra dòng tiền cho kênh cổ phiếu?

Vì thế, có lẽ trong chiến lược hành động của mình trong năm 2012, các nhà đầu tư cần lưu tâm đến nhất cử nhất động của Bộ tài chính liên quan đến TTCK.

Và Ngân hàng nhà nước

Trong thời gian chờ đợi tín hiệu từ Bộ Tài chính, nhà đầu tư lại có dịp để quan tâm đến một sự hứa hẹn khác: Ngân hàng nhà nước (NHNN).

Cũng khác rất nhiều với năm 2010, thời điểm cuối năm 2011 đã chứng kiến gương mặt của Thống đốc ngành ngân hàng trong một vài tuyên bố có liên hệ đến số phận của TTCK.

Cần nhớ rằng trong bản nghị quyết của phiên họp thường kỳ tháng 11/2011, Chính phủ đã cụ thể hóa những trình bày trước Quốc hội bằng việc giao cho NHNN điều hành vấn đề lãi suất, trong đó có mục tiêu giúp phục hồi TTCK.

Cũng tương tự với vấn đề thị trường bất động sản, vai trò của NHNN đang trở nên nổi bật hơn cả.

Cho đến giờ, ai cũng biết rằng cả hai thị trường bất động sản và TTCK sẽ khó có thể hồi sinh nếu lãi suất không được kéo giảm một cách thực chất.

Đặc biệt đối với kênh chứng khoán, cần phải có sự xuất hiện và hội tụ của các dòng tiền từ tiết kiệm, cho vay, kể cả từ thị trường vàng.

Do vậy, những quyết sách của NHNN trong năm 2012 sẽ có tính tác động mạnh mẽ, hoặc tích cực hoặc tiêu cực, đến TTCK.

Nếu lãi suất huy động được kéo giảm mạnh, chưa cần đến các dòng tiền khác, nhà đầu tư chứng khoán sẽ bắt đầu có thể yên tâm với vùng đáy dài hạn của thị trường. Thậm chí, thị trường còn có thể phục hồi nhẹ.

Còn nếu cả lãi suất cho vay cũng được hạ về vùng 15-16%/năm, có thể nói triển vọng cho TTCK là không nhỏ. Chỉ cần thị trường này có vài ba dấu hiệu phục hồi, một số trong lớp nhà đầu tư cũ và không ít trong lớp nhà đầu tư mới sẽ tiếp tục cơ chế vay mượn ngân hàng để đầu tư. Cùng với việc nới lỏng tín dụng cho khu vực phi sản xuất trong điều kiện lạm phát giảm, dòng tiền từ ngân hàng sẽ tuôn chảy dồi dào hơn vào cổ phiếu, nâng mặt bằng giá chứng khoán lên cao hơn vùng đáy của nó.

Còn vào tháng 5/2012, nếu theo đúng kế hoạch của NHNN về “tái cấu trúc” các cơ sở kinh doanh vàng, thanh khoản của thị trường vàng sẽ vì thế mà bị co hẹp rất đáng kể. Nguồn tiền từ việc bán vàng miếng các thương hiệu “ngoài quốc doanh”, và kể cả từ vàng miếng SJC, có thể sẽ tìm đến chứng khoán như một kênh đầu tư sinh lợi nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng quốc tế khó lặp lại đỉnh cao 1,923 USD/oz của nó từ tháng 8/2011…

Những cơ sở cho sự phục hồi của TTCK là có, thậm chí có thể được xác thực vào quý 2/2012.

Còn giờ đây, tất cả vẫn “trừu tượng” trong những hứa hẹn chưa được xác định về thời điểm.

Cũng như giới đầu tư bất động sản khu vực phía Nam đã phải chờ đợi hơn 4 năm trời qua, các nhà đầu tư chứng khoán sẽ cần đến đức tính kiên nhẫn.

Hạ Xuyên

Các tin tức khác

>   “Cơ hội đầu tư tốt nhất 2012 nằm ở Việt Nam” (20/01/2012)

>   Chuyện làm ăn năm rồng: Phòng thủ và tấn công (20/01/2012)

>   Dân đầu tư: Trĩu lòng đón Tết (20/01/2012)

>   20/01: Bản tin cuối năm Tân Mão (20/01/2012)

>   Nhiều sàn chứng khoán nghỉ Tết sớm (19/01/2012)

>   Margin và những nỗi lo (19/01/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 19/01/2012 (19/01/2012)

>   Thị trường chứng khoán để làm gì? (18/01/2012)

>   Cổ phiếu VCB có dư địa tăng giá (18/01/2012)

>   Chứng khoán ăn Tết: Mớ cổ phiếu không mua nổi cành đào còi (18/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật