Thứ Tư, 18/01/2012 14:12

Thị trường chứng khoán để làm gì?

Thị trường chứng khoán hầu như không còn thực hiện được chức năng kênh huy động vốn khi cả người bán lẫn người mua đều dè chừng.

Ngày 16.12.2011, chị Thu nhận được tin nhắn SMS qua điện thoại di động từ phía tổng đài tự động của Công ty Chứng khoán Hòa Bình. Nội dung của tin nhắn là chị sẽ được mua thêm 1.200 cổ phiếu PVX của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và hạn cuối cùng là ngày 13.1.2012. Những lần trước, khi nhận được thông tin như vậy, chị đã không ngần ngại nộp tiền để mua thêm cổ phiếu. Thế nhưng, lần này, chị rất đắn đo liệu có nên bỏ ra 10.000 đồng để đổi lấy 1 cổ phiếu đang được giao dịch chỉ với 7.500 đồng (giá tham chiếu ngày 16.12.2011) và phải chờ 3-4 tháng sau cổ phiếu mới được niêm yết bổ sung và có thể giao dịch.

Sau khi cân nhắc, chị Thu không mua số cổ phiếu ưu đãi. Và chị đã quyết định đúng vì chỉ vài tuần sau đó, chị có thể đặt lệnh mua cổ phiếu PVX với giá chỉ 6.400 đồng/cổ phiếu (giá tham chiếu ngày 10.1.2012). Chị Thu chỉ là nhà đầu tư cá nhân, nên việc chị từ chối quyền mua cổ phiếu ưu đãi cũng không ảnh hưởng lớn đến đợt phát hành tăng vốn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Bởi lẽ, đích nhắm của Công ty là các nhà đầu tư tổ chức, bạn hàng, đối tác. Nhưng ngay cả những nhóm này giờ cũng không dễ bị thuyết phục.

Trước đó, không ít cổ đông đã bức xúc với trường hợp cố tăng vốn của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG). Ngày 22.11.2011 là ngày giao dịch không hưởng quyền để cổ đông mua cổ phiếu với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá ưu đãi này bằng thị giá của phiên giao dịch trước ngày chốt quyền. Như vậy, trên thực tế, cổ đông không được ưu đãi gì nếu không muốn nói là bị ngược đãi, bởi đồng vốn đã bị neo lại trong phần phát hành thêm cho đến khi Công ty niêm yết cổ phiếu bổ sung.

Thị trường chứng khoán èo uột đã đẩy nhiều cổ phiếu rớt xuống dưới mệnh giá. Và đây là bước cản lớn nhất cho kế hoạch tăng vốn của các doanh nghiệp. Trong năm 2011, nhiều doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu có tỉ lệ chào bán không thành công khá cao. Thậm chí có những đợt chào bán không huy động được vốn. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2011, tỉ lệ chào bán thành công chỉ đạt 28,12% trên tổng giá trị đăng ký chào bán, trong khi năm 2009, tỉ lệ này là 63% và năm 2010 là 33,35%.

Nguyên nhân phát hành không thành công cũng không có gì mới. Đó là tình hình thị trường không thuận lợi, giá phát hành cổ phiếu vào lúc chốt danh sách cổ đông cao hơn giá thị trường, khối lượng chào bán quá lớn so với khối lượng chứng khoán lưu hành (điều này có thể gây pha loãng giá cổ phiếu), nhà đầu tư không mặn mà với việc mua cổ phiếu phát hành thêm... Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là việc sử dụng vốn sau khi phát hành của các doanh nghiệp không hiệu quả.

Trên thực tế, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng vốn của các doanh nghiệp niêm yết, đã phát hiện những sai phạm như tiến độ sử dụng vốn không đúng như khi công bố với cổ đông, sử dụng vốn không đúng với mục đích ban đầu... Những điều này khiến cho nhà đầu tư thêm chán nản.

Mặt khác, một số doanh nghiệp xây dựng phương án chào bán không dựa trên lợi ích của cổ đông khi chào bán với giá ưu đãi (thường là bằng mệnh giá) cho cán bộ công nhân viên và đối tác chiến lược, từ đó làm pha loãng giá cổ phiếu và làm giảm thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong tương lai. Vì lý do kỹ thuật, khi chào bán cho cán bộ công nhân viên và đối tác chiến lược, giá cổ phiếu trên sàn lại không được điều chỉnh giá tham chiếu. Do vậy, các cổ đông trong ngắn hạn không thấy bị ảnh hưởng bởi việc phát hành này. Nhưng về lâu dài, khi số cổ phiếu phát hành cho cán bộ công nhân viên và đối tác chiến lược được đưa vào giao dịch thì sẽ tạo áp lực giảm giá cổ phiếu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông.

Trong năm 2011, nhiều doanh nghiệp đã hoãn các đợt phát hành chờ cho thị trường ấm lên như Công ty Cổ phần Việt An (AVF) hủy bỏ kế hoạch tăng vốn thêm 7,5 triệu cổ phiếu; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (THG) hủy bỏ phát hành thêm 12 triệu cổ phiếu… Có lẽ các doanh nghiệp cũng thấm thía bài học của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) khi ế gần 92,42% lượng cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên (cuối tháng 11.2011). Sự trả giá cho đợt tăng vốn không thành công của PVA là giá cổ phiếu đã rớt xuống còn 4.900 đồng/cổ phiếu (12.1.2012), giảm 44% so với cuối tháng 11.2011.

Với những gì đang diễn ra, thị trường chứng khoán hầu như không còn thực hiện được chức năng là kênh huy động vốn nữa.

Khánh Hạ

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu VCB có dư địa tăng giá (18/01/2012)

>   Chứng khoán ăn Tết: Mớ cổ phiếu không mua nổi cành đào còi (18/01/2012)

>   18/01: Bản tin 20 giờ qua (18/01/2012)

>   CTCK Trường Sơn thách NĐT kiện (17/01/2012)

>   Chứng khoán 2012: Minh bạch để vực dậy thị trường (17/01/2012)

>   Dự cảm 1% cho chứng khoán năm 2012! (17/01/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 17/01/2012 (17/01/2012)

>   17/01: Bản tin 20 giờ qua (17/01/2012)

>   Bảo vệ tiền nhà đầu tư, cách nào? (16/01/2012)

>   Thoái vốn chạy lỗ (16/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật