Thứ Hai, 16/01/2012 16:35

Bảo vệ tiền nhà đầu tư, cách nào?

Hai mô hình quản lý tiền gửi nhà đầu tư tại CTCK đều cho thấy những nhược điểm lớn...

Cần có quỹ bảo vệ NĐT tương tự quỹ bảo hiểm tiền gửi ngân hàng

Trước lo ngại của cộng đồng NĐT về vấn đề an toàn tiền gửi tại CTCK, cơ quan quản lý đang xem xét cải tiến các quy trình. Về vấn đề này, ĐTCK đã nhận được một số phản hồi từ các CTCK lớn trên thị trường.

Nhược điểm của 2 mô hình hiện nay

CTCK đang tách bạch tiền gửi của NĐT trong nước theo 2 mô hình: thứ nhất, khách hàng mở tiền gửi tại CTCK, CTCK mở một hoặc nhiều tài khoản tổng tiền gửi khách hàng tại ngân hàng và dùng riêng để thực hiện các thanh toán bù trù giao dịch hàng ngày của NĐT. Cách thứ hai, khách hàng mở một tài khoản cá nhân qua một ngân hàng và tổ chức trung gian này quản lý tài khoản dùng cho việc thanh toán các giao dịch mua bán phát sinh từ CTCK.

Tuy nhiên, cả 2 mô hình trên đều có nhược điểm. Chẳng hạn, khi quản lý tiền gửi cho khách hàng theo tài khoản tổng, thực tế vẫn không ngăn ngừa được hoàn toàn việc CTCK sử dụng tiền của khách hàng sai mục đích. Đơn cử, với tài khoản tổng, ngân hàng sẽ chỉ chấp thuận các lệnh thanh toán liên quan đến các giao dịch chứng khoán, nhưng CTCK có thể yêu cầu ngân hàng thanh toán cho giao dịch mua chứng khoán của NĐT A, trong khi thực tế, NĐT B mới là người mua thực sự, khiến số tiền trên tài khoản tổng thiếu hụt. Các NĐT khác vẫn đứng trước rủi ro tổn thất nếu CTCK không giữ được đạo đức nghề nghiệp.

Tương tự, mô hình thứ hai cũng bộc lộ hạn chế. Vì lý do bảo mật, các ngân hàng không cho phép CTCK bên ngoài tùy tiện kết nối theo dõi trực tuyến số dư tiền của khách hàng. Mặt khác, công nghệ của các ngân hàng là khác nhau, ngay cả khi yếu tố kỹ thuật này được giải quyết thì việc kết nối với quá nhiều ngân hàng làm CTCK gia tăng thời gian kiểm soát số dư. Với cả ngàn lệnh giao dịch một ngày, ngân hàng khó đảm bảo được việc trả lời cho CTCK được thông suốt, nhất là tại những thời điểm có nhiều lệnh đặt dồn. Hiện nay, trước mỗi giờ giao dịch, CTCK đều phải nhận thông tin số dư tài khoản của NĐT tại ngân hàng. CTCK phải “khóa” số dư phục vụ cho các giao dịch trong phiên, thế nên các hoạt động như rút tiền đột xuất thường chỉ có thể được thực hiện sau giờ giao dịch.

CTCK quản lý tiền: Điều kiện cần của margin

Tại Mỹ, TTCK nổi tiếng được quản lý chặt chẽ, nhưng vào tháng 10/2011 vừa qua cũng chấn động với thông tin MF Global làm thất thoát hơn 600 triệu USD của NĐT và xin bảo hộ phá sản. Việc quản lý tách bạch tiền gửi của NĐT hiện nay chưa có một mô hình chuẩn mực và cũng chưa thống nhất.

Trong vận hành thực tế, các CTCK cho biết, nếu không trực tiếp quản lý tiền của khách hàng sẽ gặp nhiều bất tiện trong triển khai các dịch vụ gia tăng. Ví dụ, nếu không nắm vững số dư tài khoản của khách hàng theo thời gian thực (realtime), CTCK gặp khó trong việc cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) cho NĐT. Việc kiểm số dư tiền của khách hàng giữa CTCK và ngân hàng đã được thử nghiệm bằng nhiều biện pháp, nhưng nút thắt lớn nhất chưa có biện pháp giải quyết triệt để đã làm chậm quá trình chuyển lệnh vào sàn. Chậm trễ trong việc chuyển lệnh vào sàn khiến NĐT đánh mất cơ hội khi diễn biến giá cổ phiếu biến động từng giây. Thực tế không phải NĐT nào cũng muốn việc tách bạch tiền gửi tận chân, vì các khách hàng sử dụng margin muốn CTCK hỗ trợ đòn bẩy được chủ động và nhanh chóng hơn.

Bảo vệ NĐT thế nào?

Giải pháp để NĐT mở tài khoản tại ngân hàng thay vì tại CTCK như hiện nay không phải là giải pháp triệt để và không hiệu quả. Giải pháp an toàn nhất là để cho ngân hàng hoạt động với vai trò là một ngân hàng lưu ký, có đối chiếu số dư với VSD như đang áp dụng với NĐT nước ngoài. Nhưng giải pháp này chậm và hạn chế việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng của CTCK.

Phải khẳng định, chủ trương quản lý tách bạch tiền gửi của khách hàng tại CTCK là một chủ trương đúng đắn. Nhưng khi triển khai trong thực tế, quy định này có tính khả thi chưa cao, bởi một số lý do đã nêu. Việc một số CTCK nhỏ mất thanh khoản gần đây cho thấy, lo ngại của NĐT là có lý. Trong năm 2011, UBCK đã yêu cầu các CTCK báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính định kỳ, được các thành viên thị trường đánh giá là một giải pháp kịp thời. Tuy nhiên, vẫn cần triển khai nhiều giải pháp khác, vừa giúp NĐT ổn định tâm lý, vừa giúp các CTCK hoạt động an toàn, vừa đảm bảo được các giải pháp kỹ thuật tăng thanh khoản cho thị trường.

Thứ nhất, vấn đề quản lý an toàn tiền gửi hiện nay nên theo hướng tiếp cận mềm mại và thị trường hơn. Chẳng hạn, cơ quan quản lý nên cho phép NĐT được lựa chọn hình thức hoặc để CTCK tự quản lý tiền gửi hoặc tách bạch tận chân tiền gửi tại ngân hàng.

Thứ hai, về công tác giám sát, các CTCK cần báo cáo số dư tiền gửi hàng ngày, thay vì báo cáo tháng. Các biểu mẫu cải tiến đơn giản và rõ ràng hơn theo hướng tăng cường hiệu quả của việc giám sát. Cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế và hệ thống giám sát đủ mạnh, tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất và định kỳ với CTCK.

Thứ ba, về nguyên tắc, không thể loại trừ các CTCK “làm bậy” như MF Global, nên cần có biện pháp bảo vệ NĐT trong trường hợp CTCK phá sản. Đó là việc lập một quỹ bảo vệ NĐT, với nguồn tài chính đóng góp của các CTCK, tương tự như quỹ bảo hiểm tiền gửi ngân hàng hiện nay.

Giang Thanh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Thoái vốn chạy lỗ (16/01/2012)

>   Áp lực lớn từ phát hành cổ phiếu (16/01/2012)

>   Tín hiệu gợi lại không khí đầu năm 2009 (16/01/2012)

>   Các ông lớn run tay (16/01/2012)

>   TTCK: Lại chờ đề án tái cấu trúc (16/01/2012)

>   Sự kiện DNNY tuần 16-20/01: Nhiều DN chốt quyền dự đại hội (15/01/2012)

>   16/01: Bản tin đầu tuần (16/01/2012)

>   “Kinh nghiệm đã tăng nhiều so với năm ngoái” (15/01/2012)

>   Chứng khoán: Vì sao có sóng Tết Nguyên đán? (14/01/2012)

>   AGR bị phạt vì không lưu giữ tài liệu đặt lệnh của khách hàng (13/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật