Dân đầu tư: Trĩu lòng đón Tết
Trước ngày nghỉ Tết, dân đầu tư đã bày tỏ sự trĩu nặng và thất vọng của mình về triển vọng kinh doanh 2012.
Trong những ngày đầu tiên của năm mới 2012, triển vọng của nền kinh tế nước nhà đã phần nào hé lộ, qua những chính sách điều hành và nhận định của chuyên gia. Trước ngày nghỉ tết, dân đầu tư đã bày tỏ sự trĩu nặng của mình.
Ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Trong 7 nhóm giải pháp lớn, đáng chú ý là nhóm 1 về kinh tế. Theo đó, chính phủ định hướng năm 2012 sẽ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả.
Có thể thấy, những định hướng chính sách đã có từ năm 2011 phần lớn được kiên định thực thi cho năm 2012. Trong năm 2011, chính phủ cũng chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và thận trọng; chú trọng các biện pháp giảm bội chi; kiên quyết cắt giảm đầu tư cho những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, sắp hoàn thành và các chương trình an sinh xã hội.
Với chủ trương đó, khả năng các kênh đầu tư chủ chốt vốn chịu ảnh hưởng trầm trọng từ chính sách thắt chặt của năm 2011 là bất động sản và chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động và chưa thể bùng phát được như mong đợi. Nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức có liên quan đã thể hiện cái nhìn khá dè dặt.
"Năm 2012 tiếp tục là năm ảm đạm cho thị trường bất động sản nhưng sẽ là năm của việc mua bán lại các dự án bất động sản đang gặp khó khăn. Thị trường bất động sản có thể tiếp tục phải đối mặt với tình trạng ế ẩm trong năm 2012 do tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất vẫn còn bị thắt chặt và lãi suất cho vay cao làm giảm dòng vốn chảy vào thị trường này", báo cáo đưa ra trong những ngày đầu năm của Công ty Chứng khoán Bản Việt nêu rõ.
Giá nhà đất tại Hà Nội đã sụt giảm khoảng 10-20% trong năm 2011 trong khi tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá nhà đất giảm khoảng 5%, theo dữ liệu của các công ty tư vấn bất động sản tại Việt Nam. Với đà này, các chuyên gia và giới trong ngành đều nhận xét rằng, thị trường nhà đất của cả hai thành phố lớn vẫn không nhiều thanh khoản hơn trong năm 2012 này, khi nhà đầu tư cũng như những người có nhu cầu nhà ở vẫn còn chờ đợi với tâm lý giá sẽ còn xuống nữa.
Còn với mặt trận chứng khoán, các khuyến nghị đầu tư mới cho năm mới mà các công ty chứng khoán đưa ra trong những ngày này hầu như vẫn y như cũ. "Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu của dòng tiền mới xuất hiện. Nhà đầu tư nên hạn chế các quyết định giải ngân", một báo cáo mới của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết.
Theo các chuyên gia, sở dĩ như vậy là do hiện nay, các yếu tố vĩ mô vẫn chưa tạo tiền đề cho sự hồi phục của thị trường: lạm phát vẫn còn cao do vậy lãi suất khó có thể hạ, tỷ giá tiếp tục biến động, dòng vốn ngoại đang chuyển dịch theo chiều hướng ngược lại (trở về với nước mẹ), kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phần lớn không khả quan...Các đề án tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn một thời gian khá dài để thảo luận, thông qua và thực hiện.
"Chúng tôi vẫn cho rằng quan điểm đứng ngoài thị trường tiếp tục có giá trị đến thời điểm này, NĐT nên gia tăng tỷ lệ nắm giữ tiền mặt và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, không nên lướt sóng vì chứa đựng nhiều rủi ro", các chuyên gia tới từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng không mấy lạc quan. Theo ông, thông điệp có thể nói là bất di bất dịch, một thông điệp mà không thể để thị trường lầm lẫn được, là năm tới chính sách vĩ mô của Việt Nam vẫn hết sức chặt chẽ, cả chính sách tài khóa và tiền tệ.
Bình luận là dù các chỉ tiêu kinh tế đã được đặt ra ở mức khiêm nhường, song theo ông Thành, tăng trưởng GDP 6% là mức mà rất nhiều nhà kinh tế không nghĩ là có thể đạt được.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng trong năm 2012, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ khó khăn, kể cả vốn đầu tư gián tiếp. Nguyên do là những khó khăn kinh tế toàn cầu, những đổ bể trên các thị trường tài chính châu Âu, rõ ràng sẽ tác động không nhỏ tới dòng vốn đầu tư trong đó có dòng vốn chảy tới Việt Nam.
Do vậy, có thể tiên lượng được, năm 2012, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải vật lộn với những khó khăn cả trong và ngoài nước.
Hồng Quý
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|