Thứ Năm, 19/01/2012 11:42

Margin và những nỗi lo

Ngoài việc tìm cách xử lý margin “nhái” trước đây, nợ xấu phát sinh khi triển khai hoạt động margin “xịn” đang là nỗi lo của không ít CTCK.

Khi thị trường phục hồi, nhu cầu vay margin của NĐT sẽ tăng trở lại

Tình trạng này sẽ khó được giải tỏa chừng nào Bộ Tài chính, UBCK chưa ban hành hướng dẫn về trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu margin.

Tìm hiểu của ĐTCK tại các CTCK cho thấy, có ít nhất hai nỗi lo mà CTCK đang đối mặt liên quan đến triển khai margin.

Thứ nhất, tiếp tục tìm mọi cách tất toán các hợp đồng hợp tác đầu tư, một hình thức được coi là margin “nhái” mà các CTCK đã vượt rào triển khai trong những năm trước. Có nhiều cách “xóa” các hợp đồng này, trong đó có việc chuyển từ hợp đồng magin “nhái” sang magin “xịn”.

Thứ hai, việc triển khai cho vay margin đang đối mặt với nhiều rủi ro, bởi đến thời điểm này chưa có hướng dẫn trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu này.

Trong khi đó, theo các CTCK, cho vay margin tương tự như hoạt động cho vay của các ngân hàng, nên tất yếu phát sinh nợ xấu, thậm chí tỷ lệ nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong những giai đoạn thị trường bất ngờ suy giảm sâu, kéo dài. Khi các khoản cho vay rơi vào tình trạng nợ xấu, các ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro, trong khi nợ xấu margin thì chưa có cơ sở trích lập.

“Khoảng trống” hướng dẫn trên, theo tổng giám đốc một CTCK niêm yết, đang là nỗi lo của các CTCK, bởi phải đối mặt với rủi ro về an toàn tài chính. Mức độ rủi ro càng đáng ngại hơn khi giá trị khoản mục cho vay lớn trong bối cảnh thị trường biến động phức tạp, khiến NĐT mất khả năng trả nợ đúng hạn, thậm chí “bỏ của chạy lấy người” khi rơi vào tình trạng tài khoản bị… “cháy”.

Ở thời điểm thị trường èo uột kéo dài như hiện tại, hoạt động margin tại nhiều CTCK không mấy sôi động. Thế nhưng, khi thị trường phục hồi, nhu cầu vay margin của NĐT sẽ tăng trở lại. Một khi cho vay margin càng nhiều, thì rủi ro với CTCK càng lớn, nhất là trong bối cảnh không có hướng dẫn trích lập dự phòng nợ xấu phát sinh từ hoạt động cho vay margin.

Với cổ đông và NĐT, việc thiếu hướng dẫn trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu margin khiến họ khó nhận diện xác thực, cập nhật tình hình sức khỏe tài chính của các CTCK. Điều này khiến cho các khoản đầu tư của họ vào CTCK có nhiều rủi ro.

Bởi vậy, thị trường đang nóng lòng chờ đợi Bộ Tài chính, UBCK sớm lấp “khoảng trống” chính sách này, nhằm hạn chế mặt trái của cho vay margin. Qua đó, góp phần nâng cao an toàn tài chính cho các CTCK, giảm thiểu rủi ro cho không chỉ bản thân CTCK, mà cho NĐT, thị trường.

Việc ban hành hướng dẫn trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu margin, theo giám đốc môi giới một CTCK, cần bắt đầu từ việc làm rõ khái niệm thế nào là nợ xấu margin.

Thực tiễn cho vay margin cho thấy, nợ xấu biểu hiện cụ thể dưới nhiều hình thức. Đầu tiên, tạm gọi là nợ dưới chuẩn. Đây là các khoản margin có tài sản ròng (TSR) rơi về mức xử lý và NĐT chưa bổ sung tài sản đảm bảo, nhưng TSR vẫn dương.

Một biểu hiện khác là nợ có khả năng mất vốn. Đây là các khoản margin có TSR âm, nghĩa là có bán chứng khoán thì CTCK vẫn chịu thiệt hại. Hoặc margin có TSR là dương, nhưng CTCK có bán vẫn không thể thu đủ nợ do thị trường mất thanh khoản, giá giảm quá nhanh.

Để làm rõ hơn khái niệm nợ xấu margin, cơ quan quản lý nên tham khảo quy định về nợ xấu của ngân hàng. Cùng với đó, cần tính đến các yếu tố đặc thù của cho vay margin như kỳ hạn ngắn, tình trạng nợ được đánh giá lại hàng ngày, có thể cảnh báo và xử lý trước khi hết hạn… để phân loại nợ xấu margin, trên cơ sở đó đưa ra hướng dẫn trích lập dự phòng chi tiết.

Việc ban hành hướng dẫn trích lập dự phòng nợ xấu margin sẽ giúp các CTCK chủ động nhận diện, phân loại và quản lý hiệu quả các loại nợ xấu.

Trên cơ sở chuẩn nợ xấu sẽ tạo ra sự công bằng, minh bạch trong trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu tại các CTCK, qua đó giúp UBCK có thêm kênh giám sát an toàn tài chính của các CTCK.

Lãnh đạo UBCK đã nhiều lần khẳng định, việc triển khai margin luôn được duy trì theo hướng chặt chẽ, thận trọng nhằm phát huy tối đa mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực.

Theo định hướng này, Bộ Tài chính, UBCK cần khẩn trương ban hành hướng dẫn trích lập dự phòng rủi ro áp dụng đối với cho vay margin, nhất là trong bối cảnh UBCK đang triển khai nhiều biện pháp tái cơ cấu CTCK nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo Quyết định 62/QĐ-BTC phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Hữu Đạo

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Chiến lược giao dịch ngày 19/01/2012 (19/01/2012)

>   Thị trường chứng khoán để làm gì? (18/01/2012)

>   Cổ phiếu VCB có dư địa tăng giá (18/01/2012)

>   Chứng khoán ăn Tết: Mớ cổ phiếu không mua nổi cành đào còi (18/01/2012)

>   18/01: Bản tin 20 giờ qua (18/01/2012)

>   CTCK Trường Sơn thách NĐT kiện (17/01/2012)

>   Chứng khoán 2012: Minh bạch để vực dậy thị trường (17/01/2012)

>   Dự cảm 1% cho chứng khoán năm 2012! (17/01/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 17/01/2012 (17/01/2012)

>   17/01: Bản tin 20 giờ qua (17/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật