Thứ Năm, 05/01/2012 08:30

Ngành dệt may: Dấu hiệu khó từ đầu năm

Năm 2012, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 sẽ chỉ còn khoảng 10%, trong khi năm 2011 là 30%. Chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý 3 và 4, trong khi cùng thời điểm năm ngoái hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến quý 2.

“Mới có khoảng 70% doanh nghiệp ký được đơn hàng cho quý 1. Họ vẫn đang lo kiếm đơn hàng cho quý 2. Có khoảng 20% doanh nghiệp vẫn phải lo ăn đong từng bữa”, ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Vitas cho biết.

Theo ông Hồng, tiêu thụ sản phẩm may mặc của thị trường toàn cầu năm 2012 sẽ không tốt như năm 2011, nên ngành dệt may Việt Nam khó mà tăng trưởng như năm vừa qua. Các đơn hàng xuất khẩu đang bị giảm ở ba thị trường chính là Mỹ, Nhật và châu Âu.

“Cho đến thời điểm này, tôi chỉ mới ký được hợp đồng xuất khẩu cho đến giữa tháng 3, mà phải vất vả đi tìm khách. Khác hẳn các năm trước khách tự tìm tới, đầu năm là ký được hợp đồng cho sáu tháng tới…”, bà Đinh Thị Phương Phi, chủ tịch hội đồng quản trị công ty dệt may Thế Hoà cho biết. Theo bà, lượng hàng xuất sang Mỹ và Nhật của Thế Hoà đầu năm nay sẽ giảm 30% so với cùng kỳ.

Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Garmex Sài Gòn cho biết: “Tình hình chung của ngành hiện nay là khó tìm được các đơn hàng sản xuất lớn (cả triệu sản phẩm)”. Các đơn hàng được điều chỉnh theo hướng giảm số lượng xuống 20 – 30%. Những mặt hàng và thương hiệu giá trị trung bình có mức giảm ít, trong khi những mặt hàng và thương hiệu cao cấp có mức giảm mạnh về số lượng.

Xuất khẩu sang thị trường Nga cũng đang gặp phải vấn đề về hệ thống thanh toán không được theo tiêu chuẩn quốc tế, và doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc vì Nga gần với Trung Quốc nên chi phí vận chuyển rẻ hơn.

Theo Vitas, giải pháp của ngành dệt may trong năm tới là giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước...

Năm 2011, xuất khẩu theo phương thức ODM của toàn ngành mới đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến tỷ lệ này sẽ được nâng lên 15% vào năm 2015 và 20% năm 2020.

Năm 2011 vừa qua là mùa gặt bội thu của ngành dệt may. Theo bộ Công thương, dệt may tiếp tục là ngành xuất khẩu mạnh nhất, đạt kim ngạch gần 14 tỉ đôla, tăng 30% so với năm 2010. Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm đều tăng khá tốt: Mỹ tăng 14%, châu Âu tăng 41%, Nhật Bản tăng 52%... Mục tiêu của ngành dệt may xuất khẩu năm 2012 là chinh phục mốc 15 tỉ USD, tăng 10 – 12% so với năm 2011.

Tổng công ty May Nhà Bè, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 350 triệu USD trong năm 2011, tỷ lệ hàng xuất khẩu theo phương thức FOB chiếm tới 65%, đang thu xếp nguồn lực để làm hàng xuất khẩu ODM.

Trong nỗ lực thay thế việc nhập khẩu bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu (lên đến 11 tỉ đôla năm 2011), tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã hợp tác với tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đưa sản phẩm của nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) vào vận hành từ cuối năm 2011, dự kiến sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xơ sợi của cả nước, góp phần giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bích Thủy

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Điện lực TPHCM thoái vốn hàng ngàn tỉ đồng khỏi một dự án (05/01/2012)

>   Vẫn còn tình trạng DN bán giấy phép khai khoáng kiếm lời (05/01/2012)

>   Xăng kém chất lượng: Dân chịu thiệt, nhà quản lý im tiếng (05/01/2012)

>   Nhiều nhà đầu tư tư nhân muốn xây khách sạn ở TPHCM (04/01/2012)

>   Cấm kháng sinh trong thủy sản: Nửa muốn nửa không (04/01/2012)

>   Dệt may và da giày: Vượt khó về đích ấn tượng (04/01/2012)

>   Doanh nghiệp đôn đáo thu hồi công nợ (04/01/2012)

>   Giải mã tăng trưởng doanh nghiệp Việt 2012 (04/01/2012)

>   PetroVietnam có thu nhập khủng nhất trong các 'ông lớn' (04/01/2012)

>   Triển vọng của công nghiệp dược Việt Nam (04/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật