Kinh tế Indonesia giữa ngã ba đường
Trong khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với thâm hụt ngân sách và thất nghiệp nghiêm trọng, nợ công chất chồng khu vực châu Âu thì nền kinh tế Indonesia nổi lên như một điển hình phục hồi kỳ diệu. Tuy nhiên, Indonesia đang đứng trước sự chọn lựa giữa phát triển nhanh hay phát triển bền vững.
Điểm sáng trong bóng tối
Không ai có thể phủ nhận sự lột xác của Indonesia gần 15 năm sau khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và sự sụp đổ của Suharto.
Giữa tháng 12.2011, tổ chức đánh giá xếp hạng tín dụng Fitch lần đầu tiên nâng cấp tín nhiệm quốc gia của Indonesia từ BBB- lên BB+ với dự đoán tích cực do có tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đặn, tỷ lệ nợ công thấp, khuôn khổ ổn định chính sách vĩ mô thận trọng. Động thái này đánh dấu sự quay trở lại của các nhà đầu tư, mở đường cho dòng vốn lớn hơn chảy vào thị trường Indonesia khi nước này thu hút được số lượng đơn đặt hàng gấp đôi nhờ vào 1,75 tỉ USD trái phiếu bán ra. Theo danh sách “Các quốc gia thuận lợi nhất cho kinh doanh” của tạp chí Forbes năm 2011, Indonesia vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ chú trọng vào thị trường trong nước, tăng cường đầu tư cả trong và ngoài nước để hỗ trợ tăng trưởng.
Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người đã vượt qua con số 3.000 USD. Tốc độ tăng trưởng là 6,5% năm 2011, dự kiến đạt 6,2% trong năm 2012 khi nền kinh tế thế giới mang màu sắc ảm đạm. Năm 2010, con số này là 6,1%, ít hơn Ấn Độ (11,1%) và Trung Quốc (10,3%).
Để có được sự phát triển vượt bậc như thế, không thể không kể đến sự góp sức của một nền chính trị ổn định ở đất nước 240 triệu dân này. Chủ tịch đảng Dân chủ Indonesia, ông Anas Urbaningrum từng nói: “Một nền chính trị dân chủ ổn định sẽ là sự hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đó là loại chính trị nhấn mạnh vào nhu cầu của nhân dân”.
Indonesia vẫn được công nhận là một thị trường có sức tăng trưởng mạnh, một mảnh đất nhiều cơ hội, mạng lưới kinh doanh mạnh mẽ và số lượng lớn những người liên tục thăng tiến trong nghề nghiệp. Năm 2012, được chính phủ nước này xác định là năm quan tâm nâng cấp các tiêu chuẩn giáo dục, cải thiện sức khoẻ và quan trọng nhất là đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện cơ sở hạ tầng, yếu tố quan trọng quyết định tương lai của Indonesia.
Ngã ba đường
Trước những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi, nền kinh tế Indonesia còn chưa có công thức cho sự bền vững. Do vậy, thành công hiện tại chưa bảo đảm cho sự thịnh vượng trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo Indonesia đang phải lựa chọn giữa phát triển bền vững hay chỉ tạo ra một bong bóng của sự tăng trưởng. Làm thế nào để đảm bảo lợi ích cho người dân với 29% dân số dưới 14 tuổi, cân bằng khai thác tài nguyên thiên nhiên tại thời điểm nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cao?
Nền kinh tế Indonesia giai đoạn này phải đối mặt với hai trở ngại lớn. Một là nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Chi phí cho môi trường có thể sẽ là quá đắt. Tăng trưởng của Indonesia có thể không được duy trì nếu không đa dạng các mặt hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nước này lại đang xem xét hạn chế xuất khẩu than đá và khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong nước và thúc đẩy các ngành công nghiệp ở hạ nguồn.
Thứ hai, Indonesia có nhiều thuận lợi về thị trường rộng lớn, tuy nhiên đây cũng chính là cái khó cho chính quốc gia này. Thách thức đặt ra là phải phát triển một lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh toàn cầu trước các con rồng Đông Á. Trong vấn đề này, Indonesia đã có bước đi khá tốt khi bộ Thương mại Indonesia năm 2009 tung ra chiến dịch “100% Cinta Indonesia” (100% tình yêu dành cho Indonesia), giúp các nhà sản xuất vừa và nhỏ phần nào cạnh tranh lại hàng dệt may nước ngoài.
Ngọc Khanh (Asia Sentinal, The Jakarta Globe, Bloomberg, Financial Times)
sài gòn tiếp thị
|