Không có gì phải hoảng loạn!
(Vietstock) - Nếu thị trường sau Tết Nhâm Thìn có bị rơi vào kịch bản lao dốc, thiết nghĩ nhà đầu tư nhỏ lẻ chẳng cần phải hoảng loạn một cách không cần thiết. Dù HNX có phá cả đáy cũ 55 điểm thì cũng chẳng phải dốc lực mà bán tháo mọi thứ…
Kịch bản nào sau Tết âm lịch?
Phiên giao dịch đầu năm âm lịch 2012 có thể rất có ý nghĩa theo những cách hiểu và suy luận khác nhau. Và những phiên giao dịch đón chào năm mới cũng có thể hàm ý một chỉ báo nào đó cho xu hướng thị trường trong suốt năm nay.
Với đại đa số nhà đầu tư, thật không mong gì hơn là điểm “xanh” cho phiên giao dịch đầu năm. Cần nhắc lại là tại phiên giao dịch đầu năm dương lịch 2012, cả hai sàn đều đã bị cho điểm “đỏ”. Đặc biệt với những nhà đầu tư buộc phải thiên về thuật “phong thủy chứng khoán” như một cơ sở cuối cùng để vớt vát niềm tin, nếu phiên giao dịch đầu năm âm lịch bị “đèn đỏ” thì điều đó cũng gần đồng nghĩa với vận hạn xui cho cả năm nay.
Lại nhớ về giai đoạn sát Tết và sau Tết năm 2011, thị trường đặc trưng bởi một sự phản cảm của hai chiều hướng hoàn toàn đối nghịch: tăng mạnh trước Tết và lao dốc sau Tết.
Giai đoạn sát Tết năm nay cũng khá tương tự như Tết trước, có nghĩa là các cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn như BVH, MSN, VIC tái diễn tình trạng làm mưa làm gió. Và về bản chất, ai cũng biết rõ là chỉ số VNI được nâng đỡ không phải bởi nguyên cớ nào khác ngoài sự làm mưa làm gió đó.
Tất nhiên, kịch bản tiếp tục tăng trưởng của thị trường sau Tết năm 2012 vẫn có thể lặp lại, để dù không xanh nhiều thì xanh ít, nhà đầu tư vẫn có thể thở phào nhẹ nhõm để tạm gác qua nỗi âu lo dị đoan mơ hồ.
Nhưng có lẽ việc thị trường đã lập đáy và kịch bản phục hồi bền vững sẽ diễn ra là không có mấy cơ sở. Trong suốt hành trình khoảng một chục phiên trước Tết âm lịch, trong khi chỉ số VNI tăng vọt đến 11% thì chỉ số HNX lại chỉ đứng ngang hông VNI, hay nói cách khác là chỉ tăng được có khoảng 5.5%.
Mối quan hệ hoàn toàn không đồng điệu trên cho thấy cái gì?
Cùng với hình ảnh làm giá tái diễn của bộ ba cổ phiếu siêu lớn, việc HNX vẫn biểu hiện hình ảnh của một nạn nhân bất đắc dĩ đã cho thấy mối hoài nghi của nhiều nhà đầu tư là có căn cứ.
Vẫn chưa thể xác định là thị trường đã vận hành một cách “tự nhiên” theo đúng quy luật cung cầu của nó. Vẫn chưa có mối tương quan đồng điệu, đồng pha và cả đồng cảm giữa các nhóm cổ phiếu nhỏ, siêu nhỏ với nhóm cổ phiếu vừa và siêu lớn.
Hiện tượng thanh khoản tiếp tục giảm sút trong tuần lễ giao dịch cuối cùng trước Tết Nhâm Thìn cũng là một dấu hiệu chưa xác nhận sự khả quan. Không phải toàn bộ các nhà đầu tư đã nghỉ ngơi hoặc đi sắm đồ Tết, mà đơn giản là phần lớn nhà đầu tư đã vẫn tiếp tục chọn cách đứng ngoài như một phương thức bảo toàn vốn.
Chính vì thế, thật khó cho kịch bản thị trường tiếp tục tăng trưởng, hơn nữa lại là một kiểu tăng “khống” - điều đã hành hạ nhà đầu tư suốt năm 2011. Kịch bản này, nếu có xảy ra với một xác suất nhỏ nhoi, cũng không khác mấy với điều được gọi là “tai họa”.
Nhưng nếu không tiếp tục tăng, lẽ nào thị trường lại giảm?
Vùng đáy đã rất gần
Dù không mong muốn, nhưng nhiều người trong chúng ta đã gần như tin chắc là thị trường không thể kéo ngang.
Mà đã không kéo ngang thì chỉ còn lại hai cách giảm: giảm từ từ- gặm nhấm; và lao dốc.
Trong suốt năm 2011, nhà đầu tư đã quá nhàm chán với cách giảm gặm nhấm, bào mòn - một quá trình mà hệ quả cuối cùng của nó chắc chắn phải dẫn đến tâm lý bán đổ bán tháo cổ phiếu. Do vậy, nếu sau Tết mà thị trường vẫn tái diễn cách giảm này, thật khó có thể hy vọng cho một năm Con Rồng cất cánh.
“Hy vọng” duy nhất chỉ còn đặt vào khả năng giảm mạnh - lao dốc. Cú “bứt phá” này cần được giải quyết bởi cả hai chỉ số, chứ không chỉ một mình HNX là nạn nhân. Thậm chí, ứng với kiểu giảm này, phiên giao dịch đầu tiên sau Tết âm lịch 2012, cũng tương tự như phiên giao dịch đầu tiên sau Tết âm lịch 2009, sẽ có thể tràn sắc đỏ trên cả hai sàn. Lẽ tất nhiên, điều này sẽ mang lại một cảm giác cực kỳ bất an cho các nhà đầu tư.
Nhưng cái được gọi là “hy vọng” lại có một hàm ý khác. Không đơn thuần lao dốc là nhằm giải quyết tình trạng giằng co bất định của chỉ số, mà lao dốc còn có thể phản ánh mặt tối của vấn đề: đánh xuống nhằm gom hàng.
Nhưng gom hàng để làm gì?
Trong cách nhìn của người viết, những thay đổi vừa lộ liễu vừa kín đáo của chính sách đối với TTCK trong thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2012 đến nay, đã có liên đới khá mật thiết với động thái của các nhóm đầu cơ lớn trong thị trường.
Nhưng khác với hai con sóng “phục hồi kỹ thuật” diễn ra vào tháng 6 và tháng 9 năm 2011, lần này thị trường lại đang ở rất gần vùng đáy. Không phải “vô tình” mà lâu lắm rồi mới có một thông tin đáng chú ý phát xuất từ Tổng công ty vốn nhà nước (SCIC): nếu trong năm 2011 SCIC gần như không mua một cổ phiếu nào, thì tổng công ty này đang lên kế hoạch sẽ đầu tư đến 4,000 tỷ đồng trong năm 2012, trong đó đương nhiên có mục đầu tư chứng khoán.
Bởi thế, việc đánh xuống và gom hàng không thể nhắm đến mục tiêu nào khác ngoài mục đích đánh lên sau đó.
Cũng bởi thế, nếu thị trường sau Tết Nhâm Thìn có bị rơi vào kịch bản lao dốc, thiết nghĩ nhà đầu tư nhỏ lẻ chẳng cần phải tỏ thái độ hoảng loạn một cách không cần thiết. Hãy cứ để mặc nhóm chi phối tung hết các chiêu đánh khống cùng với một chi phí vốn không nhỏ nhằm đè thị trường xuống. Và dù HNX có phá cả đáy cũ 55 điểm thì cũng chẳng phải tận tâm tận lực mà bán tháo mọi thứ…
Mọi sự có lẽ sẽ sáng tỏ chỉ trong tháng 2/2012.
Hạ Xuyên
|