Chứng khoán sau Tết âm lịch qua góc nhìn chu kỳ
(Vietstock) – Thị trường tăng điểm trước Tết âm lịch là chuyện bình thường, nhưng giai đoạn sau Tết âm lịch thì dường như “lành ít dữ nhiều”.
Trước Tết âm lịch: Tăng là chuyện bình thường!
Khép lại ngày giao dịch cuối tuần trước Tết nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 tuần giao dịch thành công ngoài sức mong đợi.
Đóng góp chính cho chuỗi tăng điểm ấn tượng này là nhóm cổ phiếu chủ chốt, đứng đầu là BVH. Việc các chỉ số đứng vững nhờ vào những trụ cột này ở một số phiên giao dịch nhạy cảm đã giúp giải tỏa bớt sự e ngại của dòng tiền đầu cơ.
Thị trường bất ngờ tăng điểm trở lại trong khi các thông tin vĩ mô chưa có nhiều thay đổi đã khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ. Đặc biệt trong bối cảnh những bất ổn về thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang bùng phát trở lại khi thị trường bước vào những tuần giáp Tết.
Mặc dù vậy, nếu nhìn lại diễn biến thị trường trong những năm gần đây thì có lẽ việc thị trường tăng điểm là điều không quá bất ngờ.
Trong 5 năm (2008-2012), mặc dù mức độ và thời gian có khác nhau nhưng có thể nhận thấy, thị trường luôn tăng điểm vào thời điểm cận Tết (Đường gạch nối trong biểu đồ bên dưới diễn tả các phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết âm lịch).
Sau Tết âm lịch: “Lành ít dữ nhiều”
Thống kê cho thấy, các tuần sau Tết âm lịch thị trường thường có thanh khoản thấp. Một trong những lý do được nhắc đến là do tâm lý thận trong của giới đầu tư tăng cao sau kỳ nghỉ lễ dài.
Điều này xảy ra không chỉ ở nhà đầu tư trong nước mà còn ở cả nhà đầu tư nước ngoài. Sự thận trọng này ảnh hưởng đến thanh khoản và tác động nhiều đến điểm số.
Nhìn vào diễn biến thị trường sau Tết của các năm gần đây có thể thấy, thị trường dường như “lành ít dữ nhiều” (Đường gạch nối ở biểu đồ bên dưới diễn tả diễn biến thị trường sau Tết âm lịch đến hết quý 1 của các năm).
Ngoại trừ năm 2010, thị trường được nâng đỡ từ các gói kích cầu nên sau Tết Âm lịch thị trường có sự tăng trưởng nhẹ nhưng dần thoái lui vào cuối quý 1. Những năm còn lại thị trường thường sụt giảm giảm khá mạnh vào khoảng thời gian này.
Bối cảnh hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam
Thông tin xấu vẫn tràn ngập. Thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu và thanh khoản hệ thống ngân hàng, thanh khoản CTCK căng thẳng... cũng như các nguy cơ của nền kinh tế thế giới như khủng hoảng nợ công... vẫn đang tồn tại.
Giá chứng khoán liện tục sụt giảm mạnh. Thị trường chứng khoán liên tục đi sụt giảm mạnh từ năm 2011 đến nay.
Tâm lý giới đầu tư chán nản và đầy hoài nghi. Có thể dễ dàng nhận thấy thông qua diễn biến trên thị trường khi thanh khoản sụt giảm mạnh, hoạt động trading cực ngắn được ưa chuộng.
Diễn biến vĩ mô đã bớt xấu đi. Lạm phát được kiềm chế, tạo điều kiện cho việc kéo giảm lãi suất, tỷ giá cũng được cam kết giữ ổn định. Chính phủ đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Xét về bối cảnh chung, thị trường thời điểm hiện tại có nhiều điểm tương đồng với thị trường năm 2009 khi diễn biến cho thấy nhiếu khả năng các chỉ số thị trường đang đi vào vùng đáy.
Mặc dù quan điểm của các chuyên gia lạc quan nhất vẫn hướng đến nửa cuối năm nay cho sự tăng trưởng trở lại của thị trường. Tuy vậy, dựa vào góc nhìn chu kỳ từ diễn biến thị trường của năm 2009, có thể hy vọng thị trường sẽ sớm trở lại vào thời điểm cuối quý 1.
Đức Nguyễn
|