Hạ bậc tín nhiệm 9 nước EU: Phép đo giải quyết khủng hoảng
Các nhà lãnh đạo châu Âu tìm cách hạn chế thiệt hại từ việc hạ bậc tín nhiệm chín nước ở châu Âu của tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P.
Cuối tuần trước, cơ quan này giảm hai bậc tín nhiệm của Cyprus, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, và hạ một bậc các nước Áo, Pháp, Malta, Slovakia và Slovenia. Chỉ bốn nước khu vực euro trụ lại hạng tín nhiệm AAA là Đức, Hà Lan, Phần Lan và Luxembourg.
Bảo vệ cho hành động của mình, S&P nói quyết định hạ bậc tín nhiệm được đưa ra sau khi xem xét cách các nhà lãnh đạo châu Âu đối phó với khủng hoảng. “Chính sách phản ứng ở cấp độ châu Âu không bắt kịp với những thử thách ngày càng tăng ở khu vực đồng euro”, giám đốc điều hành S&P khu vực châu Âu Mortiz Kraemer nói.
Trong một bản nghiên cứu thị trường đưa ra ngày 14.1, ngân hàng UBS đã khuyên khách hàng nên tạm tránh dùng đồng euro trong ngắn hạn vì hạ cấp ngày trước đó đã làm đồng tiền này rơi xuống mức thấp trong suốt 17 tháng qua, chỉ ở khoảng 1,2623 USD/euro, mức thấp nhất từ cuối tháng 8.2010. Đồng bảng Anh cũng rơi xuống mức thấp nhất 17 tháng, giảm 0,9%, giữ ở mức 1,5290 USD sau khi tụt đến 1,5235 USD, mức thấp nhất từ ngày 22.7.2010.
Đường dài gập ghềnh
Sau quyết định của S&P, hôm thứ bảy, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu đang đứng trước một con đường rất dài để khôi phục lòng tin của nhà đầu tư. Bà Merkel nói: “Chúng ta giờ đây phải cương quyết thực hiện nhanh chóng hiệp ước tài chính”. Theo người đứng đầu Chính phủ Đức, con đường phải đi là duy trì một đồng tiền ổn định, với các nền kinh tế của các thành viên có thể bảo đảm tăng trưởng bền vững. Với tuyên bố này, Merkel đề cập thoả thuận của 26 nước thành viên EU hồi tháng 12, không tính nước Anh, là tham gia một hiệp ước tài chính nhằm xây dựng luật lệ thống nhất về ngân sách cho tất cả các nước và biện pháp trừng phạt đối với những nước vi phạm.
Việc hạ bậc chín nước sẽ tăng áp lực giải quyết ngân sách và khó khăn nợ công lên tất cả các nước khu vực euro. Hành động này cũng giúp củng cố lập trường của Đức rằng các nhà lãnh đạo châu Âu phải tăng thêm nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ trong khi các chính phủ chuẩn bị cho các đợt đấu giá trái phiếu vào tuần sau.
Trước các ý kiến lo ngại hậu quả của hạ bậc tín nhiệm có thể phá huỷ những nỗ lực tài trợ cho các nước thành viên đang mắc nợ, cũng như ngăn cản việc mở rộng quỹ cứu giúp châu Âu (EFSF), bà Merkel khẳng định EFSF vẫn đủ khả năng. Bà Merkel cũng không quên nhấn mạnh sự cấp thiết phải thành lập công cụ tài chính thường xuyên là cơ chế ổn định châu Âu để thay thế EFSF, dự kiến có hiệu lực vào tháng 7.2012, với khả năng tài trợ 500 tỉ euro.
Việc hạ bậc tín nhiệm hàng loạt, trong đó Pháp và Áo rơi khỏi hạng AAA và 14 trong số 17 nước euro có triển vọng tiêu cực trong tương lai, có nghĩa là Đức giờ đây là thành viên duy nhất của đồng tiền chung vừa có hạng tín nhiệm đầu AAA vừa có triển vọng “ổn định”. Tuy nhiên, bà Merkel cho rằng quyết định của S&P sẽ không buộc Đức tăng tài trợ cho EFSF.
Cùng với ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Đức cảnh báo các nước thành viên khu vực euro không giảm bớt các quy định nợ, được cho là khá cứng rắn, và đã được xuất hiện trong phác thảo về hiệp ước tài chính đề xuất cho hội nghị ngày 30.1.
Chất xúc tác
Với Áo, việc bị hạ một bậc lần này được xem là hồi chuông “đánh thức” những nước đang thực hiện cắt giảm nợ và thâm hụt, và là lời cảnh tỉnh cho châu Âu phải cải cách nhanh hơn. Nhà hoạch định chính sách của ECB, ông Ewald Nowotny, cho rằng Ý, bị hạ hai bậc tín nhiệm, đang đối mặt với các vấn đề về tái cấp vốn lớn cho quốc gia và cho các ngân hàng trong nước năm 2012.
Cùng với lời kêu gọi kiểm tra ngân sách các nước của Merkel, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cam kết cắt giảm chi tiêu và kiểm tra hệ thống ngân hàng. Vị này thừa nhận: “Chúng ta sống trong một thời điểm khó khăn. Chính phủ mà tôi lãnh đạo biết chính xác điều gì cần phải làm để cải thiện hình ảnh Tây Ban Nha, giúp kinh tế tăng trưởng và tạo việc làm”.
Ở Ý, Thủ tướng Mario Monti sử dụng động thái hạ bậc để bảo vệ lập luận rằng chỉ thắt chặt kinh tế sẽ không giải quyết được khủng hoảng. Theo vị này, châu Âu cần hỗ trợ tăng trưởng và thêm việc làm.
Một số nhà lãnh đạo khác tìm cách giảm bớt tác động của việc hạ bậc. Thủ tướng Pháp Francois Fillon nói: “Quyết định này là một lời cảnh báo, không nên đánh giá thấp nhưng quan trọng hơn là không nên biến nó thành bi kịch”. Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin thừa nhận Pháp bị hạ bậc tín nhiệm nhưng cho biết Chính phủ Pháp không có kế hoạch thắt chặt thêm nữa. Một số lãnh đạo phe đối lập tìm cách khai thác việc hạ bậc. Francois Hollande, ứng viên tổng thống Pháp thuộc đảng Xã hội, nói rằng tổng thống sắp mãn nhiệm Nikolais Sarkozy đã bảo vệ mức tín nhiệm của Pháp như “một nghĩa vụ cho chính phủ của mình,” nhưng đã “thua trận” và “chính chính sách của Sarkozy, không phải của nước Pháp, mới bị hạ bậc”.
Trên thực tế, động thái hạ bậc của S&P lần này không gây ngạc nhiên và ít nghiêm trọng hơn dự kiến, bởi vì đã có một vài dấu hiệu lạc quan ở châu Âu trong những tuần gần đây, bao gồm những chỉ số kinh tế tốt hơn mong đợi, đấu giá trái phiếu thành công ở một số nước như Ý và Tây Ban Nha và đáp ứng mạnh mẽ hơn với khủng hoảng euro của ECB khi đổ tiền cho các ngân hàng vay rẻ.
Ông Sony Kapoor, người đứng đầu các chuyên gia kinh tế cao cấp trong tổ chức Re-Define, nhận định: “Lần hạ cấp này là hạ cấp với chu trình quản lý khủng hoảng của EU”. Hội nghị thượng đỉnh ngày 30.1 sắp tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về phương cách thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, nhưng hiệp ước tài chính mới thì cũng chỉ nằm trên bàn nghị sự.
Tuy nhiên, việc hạ bậc không phải tin tốt, nhất là bởi vì những động thái của một tổ chức đánh giá tín nhiệm thường được theo sau bởi những quyết định tương tự của các tổ chức đánh giá khác. Hành động của S&P tăng thêm áp lực để các nhà lãnh đạo châu Âu phải làm việc tích cực để loại bỏ tình trạng bấp bênh của châu Âu.
Võ Phương – Ngọc Khanh – Cảnh Toàn (New York Times, Spiegel, Bloomberg)
sài gòn tiếp thị
|