Thứ Ba, 31/01/2012 17:43

Chưa cần hỗ trợ giá cho nông sản 

Trong thời gian qua, giá một số mặt hàng nông sản như điều, cà phê liên tục giảm giá, những người trong ngành giải thích là do cung cầu, người thì cho là đầu cơ, còn cơ quan chức năng khẳng định khi nào giá thấp hơn giá thành sản xuất mới có đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để mua vào.

Khác với mọi năm thì năm nay người trồng cà phê đã tự xây kho dự trữ để chờ giá lên mới bán thay vì bán hết vào đầu vụ.

Giải thích về việc giá cà phê liên tục giảm giá kể từ trước Tết nguyên đán đến nay, ông Nguyễn Việt Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, giá cà phê lên đỉnh điểm trong năm 2011 và nay giá giảm xuống cũng là chuyện bình thường.

“Thời gian qua, giá cà phê trên thị trường Việt Nam biến động không phải do quan hệ cung cầu, mà do sự đầu cơ của các nhà giao dịch nước ngoài trên sàn giao dịch hàng hóa”, ông Vinh cho hay.

Theo Vicofa, hiện Việt Nam xuất khoảng 100.000 tấn/tháng. Đây là số lượng cà phê mà phía Việt Nam chủ động bán ra để phần nào cố gắng điều tiết giá cà phê trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ý định đó chưa được như mong muốn thì giá cà phê lại có xu hướng giảm thay vì tăng giá như dự định.

Ông Nguyễn Văn Tân phụ trách mảng cà phê, chè của Công ty cổ phần Giám định Cà phê và Hàng hóa xuất nhập khẩu (Cafecontrol) cho biết, những năm trước người dân thường bán hết cà phê sau khi thu hoạch xong nhưng năm nay nhà nào cũng xây dựng một kho dự trữ cà phê nhân tại nhà và chỉ bán khi thấy giá ở mức cao.

“Hiện người dân đang ứng dụng lý thuyết cung cầu để cố gắng đẩy giá cà phê lên, họ làm trong khả năng của họ. Còn nếu ai đó nói giá cà phê hiện nay đang bị đầu cơ thao túng và giá không phụ thuộc vào cung cầu, thì việc này ngoài tầm kiểm soát của người dân”, ông Tân nói.

Đối với mặt hàng điều nhân, tình hình cũng không khá hơn, khi từ cuối năm 2011 đến nay giá liên tục giảm và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng chẳng biết phải làm gì để vực giá lên.

Theo Vinacas, do ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ công ở châu Âu, nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điều trên thị trường thế giới giảm từ cuối năm 2011 nên ảnh hưởng đến khả năng mua điều thô của doanh nghiệp.

Trước tình hình này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cho biết, giá cà phê hiện giảm so với thời kỳ giá đạt mức kỷ lục (hơn 50.000 đồng/ kg), nhưng ở mức giá này người trồng cà phê đã có lời.

Còn với mặt hàng hạt điều nhân, giá cũng đang giảm nên gây khó khăn cho những doanh nghiệp nào nhập khẩu điều thô với giá cao. Nhưng nhìn chung thì chưa có doanh nghiệp xuất khẩu điều nào của Việt Nam kêu khó cả.

“Chúng tôi chỉ đưa ra những chính sách hỗ trợ nếu giá mặt hàng điều, cà phê hay bất cứ mặt hàng nông sản nào của Việt Nam khi có giá bán trên thị trường thấp hơn giá thành sản xuất, nhằm đảo bảo an sinh xã hội và phù hợp với những cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới”, ông Hòa nói.

Trước khả năng không được hỗ trợ lãi suất để mua cà phê, nhiều doanh nghiệp đã đồng ý với đề xuất của Vicofa là trích ra 2 đô la Mỹ trên một tấn cà phê xuất khẩu để cùng thành lập quỹ bảo hiểm xuất khẩu. Số tiền này, Vicofa sẽ dùng vào việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp khi vay tiền từ ngân hàng để mua cà phê tạm trữ.

Đối với điều, Vinacas cho biết hiện lượng điều nhân tồn kho của các thị trường đang ở mức thấp và bắt buộc những nước này phải đẩy mạnh mua vào từ quí 2/2012, do đó, giá điều sẽ tăng trở lại từ thời điểm này.

Tuy nhiên, Vinacas cũng cảnh báo là do yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng cao, nên doanh nghiệp cần chú ý nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm khi xuất đi vì nơi nào có yêu cầu cao thì giá mua cũng cao hơn.

Ngày 31-1, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang ở mức 36.700- 37.000 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg so với ngày 30-1, giảm khoảng 1.400 đồng/kg so với trước tết.

Theo chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình, g iá cà phê giảm là do sức ép từ Brazil khi Bộ Nông nghiệp nước này cho biết từ  tháng 2-2012, sẽ bán ra 1,4 triệu bao arabica (loại 60kg) tồn kho của năm 2009. Theo đó, mỗi tuần quốc gia đứng đầu về sản xuất cà phê này sẽ bán ra khoảng 50.000 bao.

Theo ông Bình, những tín hiệu trên xảy ra cho thị trường arabica, song cà phê robusta chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng vì mối liên thông “anh em” của hai thị trường; giá arabica thường là đầu tàu kéo giá robusta. Như vậy, thời gian tới thị trường cà phê sẽ tiềm ẩn những bất ổn về giá.

Ngọc Hùng

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Thị trường cà phê đầu năm con rồng: giá xuống (30/01/2012)

>   Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Hồng Kông (29/01/2012)

>   Giá đường tiếp tục giảm (28/01/2012)

>   Năm con mèo: Thị trường cà phê chưa hết lận đận (21/01/2012)

>   Cao su Tokyo đạt giá cao nhất 2 tháng (20/01/2012)

>   Xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể giảm 1/3 (19/01/2012)

>   Cơ hội mới với cacao (18/01/2012)

>   Giá sàn xuất khẩu gạo giảm 50 USD từ 18/01 (18/01/2012)

>   Xuất khẩu cao su khó giữ đà tăng trưởng (17/01/2012)

>   Nguồn lương thực thế giới trông chờ vào châu Á (17/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật