Thứ Năm, 22/12/2011 08:06

Xuất khẩu da giày 2012: Chất lượng bù số lượng

Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng da giày trong năm 2012 được dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn do những bất ổn kinh tế tại các quốc gia nhập khẩu, đơn hàng giảm sút và sự cạnh tranh từ các đối thủ...

Theo dự báo của Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng da giày VN sẽ tăng chậm tại nhiều thị trường, đặc biệt là khu vực châu Âu.

Đơn hàng giảm

Nhiều doanh nghiệp cho biết đơn hàng của những tháng đầu năm 2012 có dấu hiệu suy giảm trung bình 10-20% so với năm 2011. “Chúng tôi đã có hợp đồng đến quý 1-2012, thậm chí có những thỏa thuận đến cả quý 2-2012, nhưng đơn hàng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ” - ông H.T., giám đốc Công ty cổ phần sản xuất giày KH (TP.HCM), nói.

Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Công ty giày Gia Định (TP.HCM), cũng cho biết doanh nghiệp này chỉ mới nhận được hợp đồng đơn hàng xuất khẩu giày nữ thời trang sang EU cho đến hết tháng 1-2012 với lượng đơn hàng chỉ bằng 70% so với cùng thời điểm năm ngoái. “Dù đã có tâm lý chuẩn bị về việc suy giảm đơn hàng từ các nhà nhập khẩu nhưng tôi không nghĩ nó đến sớm như vậy” - ông Trung lo lắng.

Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Lefaso, sau khi khảo sát một số doanh nghiệp giày lớn, Lefaso ghi nhận hiện có trên 50% số tham khảo đã ký hợp đồng đến hết quý 1-2012, khoảng 25% có khả năng ký đến hết quý 2-2012 và số còn lại đang chờ xác nhận.

Ông H.T. cho rằng nguyên nhân của hiện tượng sụt giảm đơn hàng này là do các thị trường xuất khẩu giày chính của VN, tập trung chủ yếu ở châu Âu, đều thu hẹp chi tiêu. Nhiều doanh nghiệp da giày dự báo năm 2012 sẽ là một năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, do nền kinh tế tại các quốc gia nhập khẩu lớn vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.

Nâng chất cho hàng xuất

Bên cạnh sự giảm sút của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là từ EU, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước còn phải đối mặt với nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh như Brazil, Mexico, Argentina kiện tụng. Brazil vừa chính thức khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế đối với giày dép nhập khẩu từ VN kể từ tháng 10-2011 là một ví dụ. Theo một số doanh nghiệp, các quốc gia này vẫn đang “theo dõi” chặt chẽ các mặt hàng giày dép xuất khẩu từ VN, nếu có cơ hội, họ sẵn sàng đưa vào diện kiện tụng.

Theo dự báo của Lefaso, xuất khẩu giày dép của VN trong năm 2012 đạt khoảng 7 tỉ USD, tăng khoảng 12% so với năm nay. Trong đó, thị trường EU sẽ tăng nhẹ hoặc giữ nguyên; các thị trường khác như Đài Loan, Úc, Mexico... sẽ có mức tăng bình quân 12-15%. Riêng thị trường Mỹ được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao hơn các thị trường khác.

Ngoài khó khăn khách quan nêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu giày đều thừa nhận chưa thể khắc phục được thực trạng: không ít doanh nghiệp giày VN vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ, lệ thuộc vào các công ty thương mại trung gian, thực hiện kinh doanh theo phương thức gia công, cũng như chưa làm chủ được công nghệ sản xuất dẫn đến giá trị gia tăng tạo ra thấp.

“Tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày, túi xách tuy có nhỉnh hơn các năm trước nhưng vẫn còn thấp hơn mức kỳ vọng nên vẫn phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là điều dễ hiểu” - ông Kiệt nhận xét.

Tuy nhiên, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu không nên quá lo lắng về chuyện sụt giảm đơn hàng nếu tập trung cho việc nâng giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, như đã từng thành công trong năm 2011. “Một khi chủ động nhận các hợp đồng có giá trị cao thay vì các hợp đồng có giá trị thấp, doanh nghiệp không những nâng được giá trị gia tăng của sản phẩm mà còn tránh được hệ lụy từ việc chống bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu chính của VN...” - ông Kiệt nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng cuối tháng 3-2012, việc giám sát của EU đối với giày mũ da nhập khẩu từ VN sẽ chấm dứt, mở cơ hội trở lại cho nhiều doanh nghiệp giày da vào thị trường này, dù khả năng tạo đột biến ở thị trường EU được dự báo là không nhiều.

Trần Vũ Nghi

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Khu công nghệ cao TPHCM thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI (22/12/2011)

>   Dệt may mạo hiểm mở thêm điểm bán (22/12/2011)

>   Giá điện: Vị thế độc quyền và nghệ thuật "lobby" của EVN (22/12/2011)

>   Kinh doanh xăng dầu: Tiền người tiêu dùng vào túi ai? (22/12/2011)

>   Ế ẩm thị trường xe máy cuối năm (22/12/2011)

>   Cần tái cấu trúc giá xăng dầu (22/12/2011)

>   Doanh nghiệp lo ngại chi phí lao động tiếp tục tăng (21/12/2011)

>   Dính chiêu khuyến mãi “vàng” (21/12/2011)

>   Xuất khẩu thủy sản đạt 6 tỉ USD (21/12/2011)

>   Dệt may: Hàng Việt còn cách trở với người Việt (21/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật