Cần tái cấu trúc giá xăng dầu
Các chuyên gia đề nghị thay công thức tính giá cơ sở bằng công bố trần giá bán lẻ xăng dầu; đồng thời bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì thất thu lớn, không quản lý được.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và giá cả thị trường, tranh luận về giá xăng dầu thời gian qua sẽ khó chấm dứt khi những bất cập trong cơ chế quản lý, điều hành hiện nay không được tháo gỡ.
Nên có trần giá bán lẻ
Tranh cãi trong cơ chế điều hành giá xăng hiện nay tập trung chủ yếu ở 3 vấn đề lớn: cơ cấu giá; việc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn; nguồn nhập khẩu và thời điểm tính giá cơ sở.
Về cơ cấu giá, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần điều chỉnh chi phí kinh doanh trong công thức tính giá cơ sở, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu và không bị lạc hậu so với sự biến động của nền kinh tế.
|
Khách hàng mua xăng tại một cửa hàng ở TPHCM. Việc tính giá xăng dầu theo giá trần bán lẻ sẽ giúp quản lý thuận lợi hơn. |
Tuy nhiên, cũng có nhóm ý kiến cho rằng với cấu trúc thị trường vẫn do một DN chi phối (Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex) như hiện nay, DN vẫn có thể tìm kiếm đặc lợi ngay cả khi cơ quan nhà nước quy định công thức tính giá cơ sở, thông qua việc tác động lên 2 yếu tố: chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức. PGS - TS Phan Duy Minh, Học viện Tài chính, phân tích: Việc xác định các định mức này vẫn còn nhiều vấn đề. Ví dụ cơ sở tính toán định mức thế nào, có phản ánh đúng mức bình quân của ngành hay chưa, có sự chồng lấn giữa giá CIF (giao hàng theo phương thức bên bán phải mua bảo hiểm và thuê tàu) hay không…
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã nhiều lần đề xuất không quy định công thức giá cơ sở. Thay vào đó, Chính phủ công bố trần giá bán lẻ xăng dầu. Như vậy, vừa có tác dụng xóa bỏ cơ chế xin cho vừa tạo sức ép buộc DN phải tự giảm chi phí sản xuất, nâng cao cạnh tranh, dựa vào doanh thu để tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải dựa vào đề xuất tăng giá. Cũng theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, căn cứ vào dự trữ lưu thông, hằng tháng, cơ quan quản lý sẽ công bố giá trần bán lẻ xăng dầu, cũng như chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu công bố.
Chỉ cần một đầu mối nhập khẩu
Dựa trên tình hình thực tiễn, nhiều chuyên gia kiến nghị cần tổ chức một đầu mối nhập khẩu xăng dầu để phân bổ lại cho các DN, thay vì để DN tự đứng ra nhập khẩu. Có như vậy mới tận dụng được lợi thế tìm nguồn nhập khẩu giá cạnh tranh, tạo cơ hội cho giá xăng dầu trong nước theo sát thị trường. Để DN đứng ra nhập khẩu, giá nhập khẩu sẽ được tính toán đúng theo giá công bố tại thị trường Singapore, trong khi đối với hoạt động kinh doanh, rất có thể khách hàng “ruột” như Petrolimex sẽ được hưởng giá tốt hơn.
Giới chuyên môn cho rằng việc tổ chức một đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quản lý Nhà nước, nếu việc điều hành thị trường xăng dầu thực hiện bằng công bố trần giá bán lẻ cũng như xác định điểm đầu của kỳ tính giá cơ sở.
Vấn đề trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đang gây nhiều tranh cãi. DN cho rằng đây là quỹ “gió”, quỹ “ảo” vì theo quy định, dù kinh doanh lỗ hay lãi vẫn phải trích một khoản cố định nhưng khi kêu lỗ, DN đã tự động dừng trích quỹ. Hệ quả là sau các đợt xả quỹ, người dân vẫn phải chấp nhận tăng giá xăng dầu ở mức kỷ lục (tăng tổng cộng 4.900 đồng trong 2 đợt điều chỉnh ngày 24-2 và 29-3-2011).
Bên cạnh đó, chưa có quy định tính lãi đối với tiền gửi của quỹ tại ngân hàng và cũng chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra đối chiếu, công khai quỹ này. Những hạn chế đó khiến dư luận hoài nghi về tác dụng của quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đừng để mạnh ai nấy tính
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho rằng giá cơ sở xăng dầu thời gian qua, mạnh ai nấy tính, tạo kẽ hở để DN kinh doanh xăng dầu kiếm lợi. Ngoài ra, các khoản thu của Nhà nước; các khoản lỗ, lãi của DN cũng tù mù, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành.
Do đó, theo TS Nguyễn Minh Phong, cần phải nhanh chóng tái cấu trúc tổ hợp giá này với chi phí tất yếu không phụ thuộc vào DN, không phụ thuộc vào nhà nước mà theo thị trường. Các khoản liên quan đến giá mua, chi phí vận chuyển… cho ra giá bán phải tính toán hợp lý để DN không bị lỗ và Nhà nước, người dân không bị thiệt. Ngoài ra, các khoản mà Nhà nước cần thu, lợi nhuận định mức phải được đưa ra cụ thể trong thời gian nhất định. Riêng quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước nên bỏ vì thất thoát lớn, không quản lý được. |
N.Hải
Tô Hà
Người lao động
|