Tranh cãi về giá xăng dầu
Các doanh nghiệp đầu mối phản ứng với cách tính của Bộ Tài chính khi cho rằng họ có lãi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính công bố sau gần 3 tháng tưởng chừng đã giải mã được “ẩn số” về bài toán giá xăng dầu, thế nhưng hiện nay bài toán này lại tiếp tục gây tranh cãi.
Mỗi nơi tính một kiểu
Một vấn đề quan trọng được đặt ra sau đợt kiểm tra này là những bất cập trong định mức chi phí kinh doanh. Hiện nay, các doanh nghiệp được tính định mức chung là 600 đồng/lít (ma dút là 400 đồng/kg).
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa thừa nhận cách tính định mức chi phí kinh doanh hiện nay không còn phù hợp vì con số này rất khác nhau ở mỗi doanh nghiệp, căn cứ vào quy mô lớn hay nhỏ, thị trường gần hay xa. Chi phí này phải được áp dụng linh hoạt hơn theo từng khu vực. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa có đủ cơ sở khảo sát, tính toán xem định mức bao nhiêu là hợp lý nên chưa công bố.
Về phía các doanh nghiệp đã tự động nâng định mức chi phí kinh doanh vào giá cơ sở để… tránh lãi. Tất nhiên, Bộ Tài chính đã gạt bỏ phần chênh lệch này và chỉ chấp nhận mức quy định là 600 đồng/lít.
Mặc dù Bộ Tài chính đã quy định công thức tính giá cơ sở chuẩn để làm căn cứ hình thành bán lẻ xăng dầu trong nước nhưng giá xăng dầu vẫn rối vì một bài toán lại cho ra nhiều đáp số. Ngay cả Bộ Công Thương – cơ quan quản lý về lưu thông và Bộ Tài chính – cơ quan quản lý về giá - cũng nhiều lần không thống nhất với nhau về đáp số giá xăng. Nguyên nhân do thời điểm tính giá cơ sở của chu kỳ tính giá giữa hai bộ khác nhau, tỉ giá khác nhau.
Không biết lãi từ đâu?
Trái lại, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối rất bức xúc vì họ không được tranh luận về việc… họ có lãi với Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, cho biết các số liệu cung cấp cho Bộ Tài chính là sự thật, công khai đều chứng minh doanh nghiệp lỗ. Thế nhưng không hiểu Bộ Tài chính tính cách gì mà chuyển từ lỗ thành lãi.
Còn ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết các vướng mắc đều đã được Petrolimex giải trình. Các khoản lỗ đều được thể hiện trên sổ sách, kể cả số liệu kiểm toán. Công thức để tính lời lỗ đều rõ ràng, gồm giá nhập khẩu, các khoản thuế, chi phí, quỹ bình ổn… chỉ cần áp vào là tính được ngay lời hay lỗ. Cũng theo ông Vương Thái Dũng, do giá thế giới lên xuống liên tục nên phải tính lãi hay lỗ cho cả quý mới chính xác. Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro, cho biết nguyên nhân là do điều hành giá của cơ quan chức năng không đúng, không theo thị trường, không theo giá thế giới.
Việc Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp báo cáo lỗ là do họ đẩy mức thù lao cho đại lý lên quá cao. Các doanh nghiệp cũng thừa nhận cách tính của Bộ Tài chính là áp chi phí kinh doanh 600 đồng/lít (trong đó có cả thù lao cho đại lý) nên cho đầu mối lãi là không có gì sai. Tuy nhiên, trên thực tế chi phí kinh doanh theo mức trên không còn hợp lý, có thời điểm chỉ riêng khoản thù lao cho đại lý phải tăng lên đến 700 đồng - 900 đồng/lít.
Ông Đặng Vinh Sang cho biết chi phí kinh doanh quy định chỉ 600 đồng/lít từ năm 2009 đã không còn phù hợp, chỉ đủ cho việc khấu hao, quản lý kho hết 200 đồng/lít, hao hụt 200 đồng/lít, chi phí vận chuyển 200 đồng/lít. Ông Vương Thái Dũng cũng thừa nhận nếu chi thù lao cho đại lý thấp thì họ sẽ lấy hàng của doanh nghiệp khác nên buộc phải tăng mức thù lao để cạnh tranh.
Quá nhiều vấn đề phức tạp
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), nhận định: “Giá xăng dầu mặc dù đã được công khai, minh bạch nhưng vẫn còn quá nhiều ẩn số, không phải cứ lấy giá của thị trường thế giới trên internet “lắp” vào công thức tính giá cơ sở là ra kết quả đúng. “Giá xăng có quá nhiều vấn đề phức tạp mà để làm rõ mỗi vấn đề phải thực hiện một công trình nghiên cứu cấp Nhà nước”. |
TÔ HÀ - NGUYỄN HẢI
người lao động
|