Thứ Ba, 20/12/2011 07:26

Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của Nike

Tập đoàn Nike (Mỹ) tiếp tục khẳng định, Việt Nam là địa điểm sản xuất vô cùng quan trọng của Hãng.

Khẳng định trên được chính ông Nick Athanasakos, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách toàn cầu về sản xuất của Tập đoàn Nike đưa ra nhân chuyến thăm Việt Nam tuần trước. Vị Phó chủ tịch này, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đã không ngần ngại nhấn mạnh rằng, Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thị trường sản xuất của Nike.

Theo thông tin của ông Athanasakos, hàng năm, khoảng 158 triệu đôi giày mang thương hiệu Nike và Converse của Tập đoàn Nike được xuất khẩu từ Việt Nam đi khắp thế giới. “Khoảng 50% giày dép xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của Nike, trong đó chỉ tính riêng giá trị giày dép của Nike sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là hơn 2 tỷ USD”, ông Athanasakos nói và cho biết, các sản phẩm này được sản xuất tại 40 nhà máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam và đã tạo ra khoảng 300.000 việc làm cho người lao động Việt.

Những con số trên đã cho thấy sức ảnh hưởng rất lớn của hãng sản xuất giày thể thao hàng đầu của Mỹ đối với ngành da giày Việt Nam nói riêng, sự phát triển của xuất khẩu Việt Nam nói chung. Ở chiều ngược lại, điều đó cũng góp phần khẳng định, Việt Nam là một địa điểm sản xuất được ưu tiên lựa chọn hàng đầu của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Trên thực tế, vào khoảng tháng 7/2011, trích lời một tờ báo của Trung Quốc, nhiều tờ báo trong nước đưa tin, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành cơ sở sản xuất giày Nike lớn nhất thế giới. Thông tin cho biết, năm 2000, Trung Quốc là nước sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của Nike, với tỷ lệ lên tới 40%, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ là 13%. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, năm 2005, Việt Nam đã vươn lên hàng thứ hai, với tỷ lệ 26%; Trung Quốc tuy vẫn dẫn đầu, nhưng giảm xuống còn 36%. Năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc đồng hạng nhất, với cùng tỷ lệ 36%. Tuy nhiên, năm 2010, tỷ lệ sản phẩm của Nike sản xuất tại Việt Nam lên tới 37%, còn Trung Quốc chỉ là 34%.

Có rất nhiều lý do khiến Nike chọn Việt Nam, trong đó chi phí lao động đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Athanasakos, tập đoàn này đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU.

“TPP và FTA là hai hiệp định rất quan trọng đối với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, Việt Nam có thể đàm phán thành công hai hiệp định này. EU không chỉ là thị trường quan trọng đối với Việt Nam, mà còn đối với Tập đoàn Nike. Các sản phẩm giày dép, dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi xuất khẩu sang thị trường này”, ông Athanasakos khẳng định.

Có một điểm rất khác biệt là Nike không đầu tư nhà máy sản xuất trực tiếp, mà chọn thuê các nhà máy sẵn có gia công các sản phẩm của mình. Câu hỏi đặt ra trong trường hợp này là giá trị gia tăng trong các hợp đồng gia công mà Việt Nam nhận được là bao nhiêu, nhất là khi phần lớn các nguyên, nhiên liệu cho hai ngành dệt may, da giày của Việt Nam đều phải nhập khẩu?

Theo ông Athanasakos, Nike đang rất nỗ lực để có thể nội địa hóa nguyên liệu sản xuất, nhằm giảm chi phí sản xuất. “Khi mới bước chân vào Việt Nam, Nike phải nhập khẩu 98% nguyên liệu để sản xuất một đôi giày, nhưng hiện nay, con số này đã giảm xuống còn 56%. Trong tương lai, các nguyên liệu sản xuất trong nước sẽ dần thay thế hoàn toàn nguyên, liệu nhập khẩu”, ông Athanasakos nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng chia sẻ, trong thời gian tới, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam là sẽ giảm dần các dự án gia công lắp ráp, phụ thuộc nguyên nhiên liệu nhập khẩu, tạo ra giá trị thặng dư không cao. Song song đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để đảm bảo cung ứng nguyên liệu sản xuất tại chỗ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo thuận lợi và hỗ trợ các kế hoạch đầu tư của Nike tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết.

Nguyên Đức

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Sau minh bạch giá điện là gì? (20/12/2011)

>   "Hội chứng" lập khu kinh tế, cuộc đua lãng phí (20/12/2011)

>   Tăng giá điện: Cú sốc giá trên đỉnh lạm phát 18% (20/12/2011)

>   Doanh nghiệp lại kêu cứu (19/12/2011)

>   Tàu container trọng tải lớn đầu tiên cập cảng Cái Mép (19/12/2011)

>   Ấn Độ: Cánh cửa để hàng Việt Nam vươn ra Nam Á (19/12/2011)

>   Bộ Tài chính nói gì về kết quả kiểm tra doanh nghiệp xăng dầu? (19/12/2011)

>   Giá điện tăng thêm 5% vào thời điểm hiện nay: Tại sao? (19/12/2011)

>   Lương bình quân cán bộ EVN là 13,7 triệu một tháng (19/12/2011)

>   Sản xuất, kinh doanh cá tra: Vẫn bấp bênh, chao đảo (19/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật