Thứ Tư, 21/12/2011 23:03

Doanh nghiệp lo ngại chi phí lao động tiếp tục tăng

Bên cạnh việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội trong năm 2012 theo lộ trình, một số doanh nghiệp lo ngại chi phí lao động có thể tiếp tục tăng trong năm tới khi trong năm nay Chính phủ đã tăng lương tối thiểu vùng sớm hơn một quí so với dự định.

Trong một hội thảo mới đây về chính sách lao động do Trung tâm xúc tiến thương mại TPHCM (ITPC) tổ chức, ông Huỳnh Minh Quân, Tổng giám đốc công ty Nhân Việt (chuyên tư vấn về nhân sự), cho biết, việc Chính phủ tăng lương tối thiểu vào ngày 1-10-2011 là sớm hơn một quí so với lộ trình (thay vì vào năm 2012), do lạm phát.

Do đó, theo ông Quân, nếu lạm phát không giảm trong năm 2012 thì có khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục tăng mức lương cơ bản. Theo đó, có thể tổng chi phí lao động của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng.

Đại diện của công ty Nhân Việt cũng cho biết thêm, từ tháng 1-2012, doanh nghiệp cũng tăng mức chi trả bảo hiểm xã hội thêm 1 điểm phần trăm (từ 16% lên 17% - pv) và người lao động chi trả thêm 1 điểm phần trăm (từ 6% lên 7% - pv).

Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù theo quy định của Chính phủ là tăng lương cơ bản, nhưng thực tế không ít người lao động đòi tăng lương vì không hiểu rõ quy định này. Bà Trần Thị Hà Bình, giám đốc nhân sự, môi trường và xã hội tại Công ty Pungkook Saigon III, cho biết, người lao động không hiểu đúng về mức lương tối thiểu, nên khi nghe có tăng lương là họ cũng muốn được điều chỉnh tăng lương. Do đó, đối với những lao động quan trọng, doanh nghiệp phải điều chỉnh để ổn định việc sản xuất.

Bà Trần Thị Hà Bình cũng cho biết, vì công ty Pungkook Saigon III chuyên làm gia công ba lô túi xách với lực lượng lao động khá đông, nên việc tăng mức lương cơ bản ảnh hưởng khá lớn đến công ty khi doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí trả cho bảo hiểm xã hội.

Thêm vào đó, theo quy định, vào đầu mỗi năm doanh nghiệp cũng xem xét nâng lương cho người lao động. Dù quy định là “xem xét” nâng lương hàng năm, chứ không phải là bắt buộc nâng lương hàng năm cho tất cả lao động, nhưng cũng khiến doanh nghiệp lo ngại chi phí lao động tiếp tục tăng trong năm tới.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Dân, trưởng phòng lao động – tiền lương – tiền công của Sở Lao động thương binh và xã hội TPHCM, theo khảo sát thì việc tăng mức lương cơ bản chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, không làm tăng đáng kể tổng quỹ lương của doanh nghiệp. Ngoài ra, tại thời điểm Chính phủ điều chỉnh lương cơ bản vào tháng 10-2012, doanh nghiệp đã trả trên mức này, nên không phải điều chỉnh tăng lương.

Bà Dân cũng khuyến cáo doanh nghiệp không nên bám sát tiền lương để trả cho người lao động cũng như đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương quá thấp so với thực tế. Qua thống kê và khảo sát, mức độ biến động lao động mạnh là 30-40%, chủ yếu do người lao động có thu nhập thấp và doanh nghiệp thực hiện không tốt các chế độ lao động.

Ngoài ra, bà Dân cũng khẳng định lượng lao động phổ thông hiện không thiếu, nhưng doanh nghiệp không tuyển được là do lương bổng không cao. Hiện nay, doanh nghiệp TPHCM chắc chắn không tuyển được lao động phổ thông nếu rao tuyển với mức lương ngang bằng với Đồng Nai, Long An và Tây Ninh.

Bà Dân cũng kể câu chuyện cho thấy việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội là quan trọng và tất yếu. Cụ thể, có một doanh nghiệp có 8.000 lao động nữ. Sau thời gian dài tăng ca, cuối cùng lao động đình công, đập nát khu nhà ăn có khả năng chứa 10.000 người và toàn bộ máy móc thiết bị trong khu vực hành chính. Theo bà Dân, đó là phản ứng của người lao động do mức lương đóng bảo hiểm xã hội quá thấp, nên những lao động nữ này bất bình khi nhận mức phụ cấp thai sản thấp.

Theo lộ trình quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, đến năm 2016, mức đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng người lao động là 18%, và của người lao động là 8%.

Trong một cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp Nhật Bản hôm 20-12, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, cho rằng, mức lương tối thiểu của Việt Nam hiện khoảng 90 đô la Mỹ, nếu cộng thêm các khoản khác, thì hiện chi trả của doanh nghiệp cho người lao động khoảng 150 đô la Mỹ/tháng. Mức 150 đô la Mỹ, theo ông Hoàng, là còn quá thấp so với mức 300 đô la Mỹ ở Trung Quốc và 500 đô la Mỹ ở Thái Lan.

Trần Thu

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Dính chiêu khuyến mãi “vàng” (21/12/2011)

>   Xuất khẩu thủy sản đạt 6 tỉ USD (21/12/2011)

>   Dệt may: Hàng Việt còn cách trở với người Việt (21/12/2011)

>   Khách quốc tế vượt trên 6 triệu lượt (21/12/2011)

>   EVN cần giảm giá sản xuất điện (21/12/2011)

>   Thoái vốn ngoài ngành: Mệnh lệnh không thể trì hoãn (21/12/2011)

>   Giá điện sinh hoạt cao nhất 2.068 đồng mỗi kWh (21/12/2011)

>   32% DN có kế hoạch mở rộng kinh doanh năm 2012 (21/12/2011)

>   Tranh cãi về giá xăng dầu (20/12/2011)

>   Ưu tiên phát triển mỏ mới cho dầu vào năm 2012 (20/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật