Dệt may mạo hiểm mở thêm điểm bán
Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may thu hẹp kinh doanh nội địa, do khó khăn chung của nền kinh tế, thì một số doanh nghiệp lại mở rộng hệ thống nhằm đón đầu thị trường trong trong thời gian tới.
Tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng, trong khi giá thuê mặt bằng bán lẻ đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải thu hẹp kinh doanh nội địa. Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp có tiềm lực đã nắm bắt cơ hội để mở rộng thị phần, đồng thời đón đầu nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc được dự báo tăng cao trong những năm tới.
Chỉ riêng trong tháng 12/2011, Công ty TNHH một thành viên Thương mại thời trang Việt Nam (Vinatex Mart) đã khai trương 2 siêu thị lớn tại Bàu Cát (TP.HCM) và Hòa Bình, nâng tổng số siêu thị trong hệ thống lên con số 60. Với tổng mức đầu tư cho hai điểm bán lẻ này xấp xỉ 50 tỷ đồng, Vinatex Mart đang nỗ lực để cán đích 150 điểm bán lẻ vào năm 2015 và tăng lên 200 điểm vào năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc Hệ thống Vinatex Mart cho rằng, chủ trương siết chặt tín dụng và lãi suất cao là những trở ngại lớn đối với doanh nghiệp khi muốn đầu tư mở rộng hệ thống bán lẻ. Dù vậy, khi thị trường khó khăn, nếu tổ chức tốt, doanh nghiệp có thể tận dụng được chính sách hỗ trợ từ nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa.
Trong tháng này, 2 doanh nghiệp dệt may khác cũng có động thái tương tự: Tổng công ty cổ phần May 10 khai trương gian hàng May 10 tại Trung tâm Thương mại Savico Mega Mall (Hà Nội) và Tổng công ty cổ phần Hanosimex khai trương Trung tâm Thương mại Hanosimex tại Hà Đông (Hà Nội).
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, lạm phát tăng cao, chi tiêu đắt đỏ, nên tổng cầu tiêu dùng hàng dệt may nội địa trong năm qua đã giảm mạnh. Bởi vậy, những cố gắng đầu tư thêm các điểm bán lẻ của các doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận mạo hiểm.
Với 20 năm thâm niên gắn bó với thị trường nội địa, phát triển được hệ thống phân phối trên 100 điểm bán trên toàn quốc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc nhiều doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh nội địa là đương nhiên. Do phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng khó, nên dồn sức cho xuất khẩu sẽ an toàn hơn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp chưa có nhiều thâm niên làm hàng nội địa.
“Nếu làm đơn hàng xuất khẩu, mẫu mã khách hàng đưa đến, doanh nghiệp chỉ việc chọn các nhà cung cấp nguyên vật liệu, rồi tổ chức sản xuất cho tốt, giao hàng đúng tiến độ. Nhưng với hàng nội địa, doanh nghiệp phải thực hiện từ A đến Z. Thậm chí, hàng có chất lượng, nhưng tổ chức bán hàng, tiếp thị không tốt thì cũng chưa chắc có lãi”, bà Huyền nói.
Trong cơ cấu hàng dệt may nước ta, hàng xuất khẩu hiện chiếm 80% và 20% là tiêu dùng nội địa. Mục tiêu của ngành là xuất khẩu chiếm 70% và 30% phục vụ nội địa vào năm 2020. Rõ ràng, những doanh nghiệp đang đầu tư thêm các điểm bán lẻ, gian hàng mới đã tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược phát triển hàng nội địa.
Để mở một siêu thị như Vinatex Mart hoặc Hanosimex, doanh nghiệp phải đầu tư 15 – 20 tỷ đồng. Tại những điểm bán lẻ đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM, chi phí còn cao hơn nhiều. Như vậy, để mở thêm 100 siêu thị bán lẻ dệt may, từ nay đến năm 2015, Vinatex Mart phải đầu tư ít nhất 1.500 tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Ân, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, chấp nhận mạo hiểm để mở thêm các điểm bán lẻ trong bối cảnh sức mua thị trường yếu là rất cần thiết cho việc mở rộng kinh doanh hàng may mặc nội địa trong những năm tới.
Hải Yến
Đầu tư
|