Xuất khẩu 2012: Tăng trong hồi hộp
Hiện giờ, nhiều DN mới có đơn hàng xuất khẩu cho quý I-2012, đang đàm phán đơn hàng cho quý II-2012.
Thị trường xuất khẩu 2012 có nhiều khó khăn, sức mua giảm. Tuy nhiên, các ngành xuất khẩu chủ lực khẳng định rằng vẫn có thể tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2012.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Xuất khẩu dệt may có thể đạt 15 tỉ USD
Xuất khẩu dệt may 2011 ước đạt 13,7 tỉ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010. Mức tăng trưởng này rất cao. Tuy nhiên, trong đó chỉ có một phần tăng thật là tăng sản lượng. Phần còn lại tăng là do tăng giá. Giá tăng là do nguyên phụ liệu, chi phí đầu vào tăng khiến ta phải tăng giá bán.
Dự báo xuất khẩu dệt may 2012 có thể tăng trưởng khoảng 10% so với 2011, có thể đạt khoảng 15 tỉ USD.
Lý do tăng trưởng 2012 không cao là vì vào thời điểm này năm ngoái thì đơn hàng cho sáu tháng 2011 đã ổn. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay, nhiều DN chỉ có đơn hàng cho hết quý I-2012, đang phải đàm phán đơn hàng cho quý II-2012. Điều này cho thấy sức mua ở các thị trường có giảm sút. Việc có đơn hàng hay không còn phụ thuộc vào sức mua của tình hình thị trường nước ngoài, các DN cũng đang theo dõi diễn biến.
Ngoài các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thì hàng dệt may có thể lấn sang các thị trường châu Phi, Nam Mỹ, Nga… Trong đó, thị trường Nga đặc biệt rất lớn, nhiều tiềm năng. Thế nhưng khó khăn lớn nhất ở thị trường Nga là hệ thống thanh toán chưa vào chuẩn nào, hơn nữa về địa lý thì Trung Quốc gần hơn, đưa hàng sang Nga đỡ tốn chi phí vận chuyển hơn hàng Việt Nam, vì vậy ta khó cạnh tranh.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam:
Châu Âu hồi phục thì xuất khẩu da giày tăng trưởng
Xuất khẩu da giày 2011 khả quan, kim ngạch ước đạt 6,2 tỉ USD, vượt xa kế hoạch 5,5 tỉ USD đặt ra cho năm 2011. Đấy là chưa kể kim ngạch xuất khẩu túi xách có thêm khoảng 1,3 tỉ USD nữa.
Tuy nhiên, năm 2012 chỉ có thể tăng trưởng độ 10% mà thôi.
Thuận lợi của ngành da giày là cơ sở vật chất ổn định, năng lực cạnh tranh ngày càng cao. Thế nhưng khó khăn nhất trong năm 2012 là tín hiệu từ thị trường châu Âu. Thị trường này chiếm khoảng 49% thị trường xuất khẩu da giày Việt Nam. Nếu thị trường này có dấu hiệu hồi phục về kinh tế thì xuất khẩu da giày mới tăng trưởng được.
Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam:
Cần xây dựng vùng nguyên liệu rau quả
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2011 đạt khoảng 600 triệu USD, vượt xa kế hoạch 470 triệu USD đặt ra hồi đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu 2012 sẽ tăng khoảng 12%-13%.
Con số trên là chưa kể phần xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan và xuất khẩu “tại chỗ” do thương lái vào tận vườn của nông dân để thu mua, hiệp hội không tổng kết được.
Khó khăn hiện nay là DN xuất khẩu rau quả không có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn. Mặc dù thị trường có nhu cầu, DN có thừa năng lực chế biến nhưng lại thiếu nguồn nguyên liệu. Do đó, ngành rau quả cần được Nhà nước hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung như vùng thanh long Bình Thuận, vải thiều Bắc Giang, rau Đà Lạt…
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao:
Tiêu thì vững, cà phê thì còn tùy
Xuất khẩu tiêu của ta rất vững, ta đã làm chủ được thị trường thế giới bốn năm liên tục. Kim ngạch xuất khẩu tiêu liên tục tăng, có lúc tăng 80% và dự báo năm 2012 vẫn tăng.
Tuy nhiên, thị trường cà phê thì rất khó đoán trước. Thuận lợi của năm 2012 là nông dân, DN tích lũy nguồn lực từ năm 2010, 2011 và họ giữ nguồn lực này lại để đầu tư, giữ hàng, giữ và đẩy giá cà phê lên cao. Do đó, hiện nay nông dân đang găm cà phê chờ giá lên chứ không bán đổ bán tháo làm giá giảm. Năm 2012 nếu có cơ hội giá lên thì kim ngạch sẽ tăng cao.
Quỳnh Như
PHÁP LUẬT TPHCM
|