Thứ Năm, 22/12/2011 21:36

Doanh nghiệp cần hợp tác bộ ngành thúc đẩy XK

Các bộ ngành và doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường hợp tác, liên kết để đối phó với những khó khăn, thách thức, nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong năm 2012.

Đây là nhận định chung của đa số đại biểu dự Hội nghị Tham tán Thương mại 2011, do Bộ Công Thương tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/12.

Năm 2011, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thông qua đại diện các Đại sứ quán, Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài với việc cung cấp nhiều thông tin về diễn biến tình hình kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn, đã giúp hoạt động thương mại của Việt Nam đạt kết quả khả quan, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,3 tỷ USD (tăng hơn 33% so với năm 2010), nhập khẩu đạt 108 tỷ USD (tăng 24%).

Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Trần Đình Toàn cho biết, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm gần đây đều tăng trưởng trên mức 10 tỷ USD/năm, riêng năm 2011 đạt 18,1 tỷ USD (tăng 36% so với năm 2010) và dự đoán sẽ đạt được 20 tỷ USD trước năm 2015. Trong năm 2011, một số mặt hàng nông sản, rau củ quả của Việt Nam đã lần đầu tiên xuất khẩu thành công vào thị trường Hàn Quốc như gạo, thanh long…

Cũng từ sự phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và nhận được sự cung cấp thông tin, hỗ trợ tìm đối tác tin cậy, nhiều doanh nghiệp đã đạt thành công như Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinh Phát năm qua đã thành công bước đầu từ thương hiệu gạo đồ, mang lại sản lượng xuất khẩu 50.000 tấn sang các thị trường Liên bang Nga, Nam Phi, Bỉ, Italy, Dubai… và giá bán tăng từ 10-20% so với gạo trắng thường.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, những dấu hiệu biến động của nền kinh tế thế giới đặt ra nhiều thử thách cho doanh nghiệp Việt Nam như cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu dẫn đến sự thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm; xu hướng bảo hộ thương mại của các nước và các khó khăn về tài chính, thuế, hải quan, rào cản kỹ thuật…

Ông Biên cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội và tổ chức thương mại tại tỉnh, thành cần nỗ lực hơn trong liên kết, phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được hỗ trợ và cung cấp thông tin cần thiết, thông qua đó tăng khả năng xâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam.

Ở góc độ các địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng các cơ quan đại diện ở nước ngoài và tỉnh, thành trong nước phải thiết lập cơ chế thông tin, cập nhật thông tin hai chiều để có nhiều thông tin kịp thời và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

Bà Hồng khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh cam kết cung cấp định kỳ tình hình đầu tư, lĩnh vực kêu gọi đầu tư, ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu...

Còn theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thông tin về thị trường khá chậm; doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có điều kiện tiếp cận; phối hợp chặt chẽ với Thương vụ để nắm bắt thị trường. Do vậy, ngoài việc nắm bắt tình hình hoạt động, nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp trong nước để đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng cần cung cấp thêm những đầu mối thông tin cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Trung, Tham tán tại Nhật Bản, nhận định Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2012, do quan hệ thương mại Việt-Nhật đã phát triển theo chiều sâu tạo nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tận dụng, đồng thời đang có nhu cầu lớn về hàng hóa nhập khẩu để tái thiết đất nước và phục vụ tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar… cũng đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản nên tính cạnh tranh về thương hiệu, chất lượng hàng hóa, dịch vụ rất cao.

Còn theo Đại sứ Trần Đình Toàn, Việt Nam cần thu hẹp thâm hụt thương mại song phương với Hàn Quốc bằng cách đa dạng ngành hàng xuất khẩu; tăng cường đưa hàng hóa xâm nhập vào hệ thống phân phối nội địa, tận dụng các lợi thế về thuế quan và thu hút đầu tư từ nước bạn.

Riêng đối với thị trường EU, ông Trần Trung Thực, Tham tán tại EU, cho biết EU sẽ xây dựng chính sách mới đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước đang phát triển và có thể áp dụng chính thức vào năm 2014. Theo đó, một số quy định sẽ được sửa đổi như: thị phần đối với các mặt hàng nhập khẩu, phân chia lại các nhóm ngành hàng nhỏ hơn… và các quy định này sẽ được công khai trên nhiều phương tiện thông tin.

Ông Thực đề nghị doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi thông tin, tham khảo các dự thảo chính sách mới của EU để có định hướng hoạt động phù hợp, hạn chế rủi ro và thiệt hại khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này trong thời gian tới.

Theo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, hiện nay các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang phát triển theo xu hướng tăng trưởng xanh, đặc biệt chú trọng yếu tố thân thiện với môi trường trong sản phẩm, do vậy hàng hóa nhập khẩu vào các thị trường này phải đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm..../.

Mỹ Phương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   EVN: 'Tăng giá điện vì sợ ngân hàng ngừng cấp vốn' (22/12/2011)

>   Lãnh đạo EVN trần tình về lương khủng (22/12/2011)

>   Kiểm tra kinh doanh xăng dầu: Không lẽ làm cho biết? (22/12/2011)

>   Xuất khẩu da giày 2012: Chất lượng bù số lượng (22/12/2011)

>   Khu công nghệ cao TPHCM thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI (22/12/2011)

>   Dệt may mạo hiểm mở thêm điểm bán (22/12/2011)

>   Giá điện: Vị thế độc quyền và nghệ thuật "lobby" của EVN (22/12/2011)

>   Kinh doanh xăng dầu: Tiền người tiêu dùng vào túi ai? (22/12/2011)

>   Ế ẩm thị trường xe máy cuối năm (22/12/2011)

>   Cần tái cấu trúc giá xăng dầu (22/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật