Thứ Sáu, 30/12/2011 19:24

Tương lai châu Âu và 9 ngày cần theo dõi trong tháng 1/2012

(Vietstock) – Năm 2011 sắp khép lại nhưng rõ ràng là đối với nhà đầu tư, khủng hoảng nợ châu Âu còn lâu mới kết thúc.

Sau hành động củng cố thanh khoản ngân hàng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần trước, tâm lý nhà đầu tư ngày càng trở nên tồi tệ. Lượng tiền gửi của các ngân hàng tại ECB đang ở mức cao kỷ lục, Hy Lạp vẫn đang thất thế và dù lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý và Tây Ban Nha suy yếu nhưng các nhà phân tích vẫn hoài nghi rằng những khó khăn này không biết khi nào mới chấm dứt.

Thị trường vẫn đang bị điều khiển bởi tâm lý lo sợ và sau đây là 10 sự kiện quan trọng của châu Âu mà nhà đầu tư cần quan tâm, trong đó 9 sự kiện tập trung trong tháng 1. Sau tất cả những sự kiện này, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể thành công hoặc thất bại trong việc tìm ra một giải pháp toàn diện đối với cuộc khủng hoảng.

1. Thứ Sáu (30/12/2011)

Chính phủ Tây Ban Nha và Đảng trung hữu mới lên cầm quyền sẽ công bố các biện pháp ngân sách khẩn cấp để đảm bảo rằng nước này sẽ đáp ứng được mục tiêu thâm hụt ngân sách năm tới. Dự kiến, kế hoạch ngân sách cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tháng 3/2012.

Hôm 29/12, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha (BoS) tuyên bố kinh tế nước này đã bắt đầu suy giảm cách đây vài tháng. Dù nợ công của Tây Ban Nha hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng mức tăng trưởng tiêu cực có thể khiến nước này khó hoàn thành được các mục tiêu ngân sách và tác động đến tâm lý thị trường. Được biết, chính tâm lý bất an của nhà đầu tư đã làm gia tăng chi phí vay mượn của Chính phủ Tây Ban Nha.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể nắm bắt được các tín hiệu về kế hoạch giảm bớt khó khăn đối với các ngân hàng trong nước của Chính phủ Tây Ban Nha.

2. Thứ Tư (04/01/2012)

Ước tính nhanh về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone có thể ảnh hưởng đến quyết định chính sách tiền tệ của ECB trong tuần sau đó. Và số liệu này cũng sẽ cho thấy cuộc khủng hoảng nợ đã tác động đến nền kinh tế nhanh như thế nào.

Theo số liệu của Bloomberg, các nhà phân tích dự báo lạm phát sẽ giảm từ mức 3% trong tháng 11 xuống 2.8% trong tháng 12. Nếu lạm phát bất ngờ giảm mạnh thì điều này cho thấy ECB có thể đang chuẩn bị áp dụng thêm các biện pháp triệt để hơn.

3. Thứ Bảy (07/01)

Các liên đoàn và giới lãnh đạo doanh nghiệp Tây Ban Nha phải đạt được thỏa thuận về kế hoạch cải cách lao động vào ngày này. Thỏa thuận sẽ xoáy vào các vấn đề như giáo dục, các ngày nghỉ lễ, các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài nơi làm việc và các quy định chuyên cần.

Theo tờ ABC của Tây Ban Nha, các liên đoàn và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã sẵn sàng để đạt được những tiến triển đáng kể trong thỏa thuận trên. Tuy nhiên, cùng với các điều khoản sửa đổi ngân sách, thỏa thuận này có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình nếu đe dọa đến tiền lương hoặc công việc người lao động.

4. Thứ Hai (ngày 09/01)

Trong một thông tin chưa được xác nhận, một quan chức châu Âu cho Dow Jones biết Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có thể gặp tại Berlin vào ngày 09/01 để thảo luận về cách tiếp cận của hai nước đối với các chính sách kinh tế tại Eurozone.

Trước đây, Thủ tướng Merkel thường chiếm ưu thế tại những cuộc họp như vậy. Dù sau cuộc họp, hai quan chức luôn cho rằng họ đã đạt được một “thỏa thuận toàn diện” nhưng những thông báo sau đó của các quan chức Pháp thường cho thấy căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo cao hơn so với những gì họ thừa nhận. Nếu tình thế thay đổi, tức Pháp chiếm ưu thế hơn trong các quan điểm của mình, thì đây là dấu hiệu cho thấy hai nước sẵn sàng theo đuổi các chính sách triệt để hơn để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng.

Khả năng tiến hành cuộc họp này có thể được xác nhận trong tuần tới.

5. Thứ Năm (12/01)

Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào 12/01 tại Frankfurt để đưa ra quyết định chính sách tiền tệ vào lúc 19h45 (giờ Việt Nam). Tiếp đó, Chủ tịch Mario Draghi sẽ có cuộc họp báo về quyết định của ECB vào lúc 20h30.

Sự đồng thuận dường như đang nghiên về việc giảm lãi suất tiếp 0.25% và số liệu lạm phát suy yếu của Đức công bố hôm 29/12 có thể củng cố cho điều này.

Số liệu CPI của Eurozone cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định chính sách của ECB và nhà đầu tư có thể tìm kiếm các nhận định về những rủi ro đối với sự ổn định của giá cả hay thông báo về việc áp dụng thêm các biện pháp bất thường khác.

6. Thứ Sáu (20/01)

20/01 có thể là ngày chấm dứt cuộc đàm phán mới nhất của bộ ba Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Hy Lạp. Mục đích của cuộc đàm phán này là quyết định các điều kiện mà Hy Lạp phải đáp ứng để nhân được khoản giải ngân tiếp theo từ gói giải cứu thứ hai.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán này cũng có thể kéo dài hoặc các quan chức có thể tiến hành một cuộc đàm phán mới vì giới nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa có kế hoạch đi đến thỏa thuận về việc hoán đổi trái phiếu vào cuối tháng. Sự thất bại trong việc đạt được thỏa thuận này có thể đe dọa đến khoản đóng góp của IMF và khó có thể ngăn chặn được  nguy cơ vỡ nợ.

7. Thứ Hai (23/01)

Các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhóm họp trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh châu Âu trong tuần tiếp theo. Chắc chắn vào ngày này nhà đầu tư sẽ dõi theo kế hoạch mới nhất của các nhà lãnh đạo khu vực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Eurozone.

8. Thứ Ba (24/01)

Bộ trưởng tài chính từ 27 quốc gia EU sẽ nhóm họp để thảo luận về các chính sách kinh tế.

Chủ đề chính của cuộc họp sẽ xoay quanh mối quan hệ giữa Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne và các bộ trưởng Eurozone. Thủ tướng David Cameron từng bất đồng với các nhà lãnh đạo Eurozone mà mới đây là Thủ tướng Merkel và Tổng thống Sarkozy. Gần đây nhất, ông Cameron đã từ chối cung cấp 50 triệu USD cho IMF để hỗ trợ các nỗ lực giải quyết khủng hoảng.

Căng thẳng ngày càng leo thang giữa Eurozone và các quốc gia ngoài Eurozone có thể thay đổi cơ cấu của EU.

9. Thứ Hai (30/01)

Các nhà lãnh đạo EU sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 30/01. Cuộc họp lần này tập trung giải quyết vấn nạn thất nghiệp cao trên khắp Eurozone.

Gần đây nhất, Đức tỏ ra ủng hộ việc thành lập một quỹ mới nhằm kích thích tăng trưởng tại Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp vì thế nhà đầu tư có thể nhận được thêm các thông tin về kế hoạch mới trước thềm cuộc họp này.

Tuy nhiên, các sự kiện kinh tế trong tháng tới có thể thay đổi tâm điểm của cuộc họp.

10. Thứ Ba (31/01)

31/01 là ngày đánh dấu thời hạn cuối cùng để các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp đồng ý về thỏa thuận hoán đối trái phiếu với Chính phủ nước này.

Dù phần lớn các cuộc đàm phán về vấn đề này được tiến hành kín đáo nhưng dự báo về khả năng thành công của thỏa thuận tỏ ra khá bi quan. Các trái chủ tư nhân không sốt sắng lắm với việc chịu mất tới 50% giá trị của tổng số trái phiếu đang nắm giữ và điều này đe dọa đến tỷ lệ tham gia cần thiết để tránh xảy ra nguy cơ vỡ nợ.

Phước Phạm (Theo Business Insider)

Các tin tức khác

>   Đồng euro thấp nhất 10 năm so đồng yen (29/12/2011)

>   Trung Quốc sẽ để tỷ giá đồng NDT "linh hoạt" hơn (29/12/2011)

>   Ngân hàng châu Âu vẫn căng thẳng thanh khoản (29/12/2011)

>   Nga cắt giảm lãi suất lần đầu sau hơn 18 tháng (29/12/2011)

>   Năm xu hướng kinh tế cần chú ý trong năm 2012 (29/12/2011)

>   8 kênh đầu tư tốt nhất năm 2011 (29/12/2011)

>   Nhân dân tệ tỉ thí đôla Mỹ (29/12/2011)

>   15 sự kiện kinh tế tài chính được quan tâm nhất năm 2011 (28/12/2011)

>   Đồng tiền euro: Người trung thành, kẻ quay lưng (28/12/2011)

>   Malaysia lọt vào tốp 10 điểm đến thu hút FDI (28/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật