Đồng tiền euro: Người trung thành, kẻ quay lưng
Mặc dù cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng tại khu vực đồng euro (Eurozone) đang đe dọa sự tồn tại của đồng tiền này, các nhà kinh tế vẫn phải thừa nhận những lợi ích lâu dài mà đồng euro mang lại.
Trước hết, việc đưa đồng euro vào lưu hành 10 năm qua đã giúp tăng cường sự hội nhập giữa các thị trường thông qua việc thúc đẩy thương mại giữa các nước sử dụng đồng tiền này.
Bên cạnh đó, đồng tiền chung đã giúp làm giảm lạm phát trong khu vực, với mức trung bình được đặt ra là 2%.
Mức giảm là đáng kể với các nước Nam Âu, nơi tỷ lệ lạm phát thường ở các mức cao trong lịch sử. Một ích lợi khác mà đồng euro mang lại là làm cho lãi suất giảm mạnh, thậm chí ở các nước như Tây Ban Nha, lãi suất thực còn ở mức âm.
Ngoài ra, sự tồn tại của đồng tiền chung đã ngăn các nước sử dụng việc phá đồng tiền như một công cụ chính sách để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Thay vì thế, các nước phải tăng năng suất sản xuất thông qua việc tiến hành các cải cách cơ cấu để tự do hóa thị trường lao động.
Trong khi tất cả những lợi ích trên về lý thuyết sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, việc kết quả cuối cùng không được như kỳ vọng chủ yếu là do các chính phủ đã thất bại trong vấn đề hợp tác chính sách kinh tế, trong lúc tập trung quá nhiều vào việc cân bằng ngân sách.
Với những lợi ích có được khi sử dụng đồng euro, nhiều người Hy Lạp vẫn muốn nước họ tiếp tục ở lại Eurozone, khi lo ngại việc quay lại sử dụng đồng drachma sẽ là một điều thê thảm, khi gây ra những hậu quả như sự sụp đổ của hệ thống tài chính, sự phá giá mạnh của đồng tiền và lạm phát phi mã.
Có tới 80% người dân được hỏi trong các cuộc trưng cầu ý kiến ủng hộ việc tiếp tục sử dụng đồng tiền chung, mặc dù nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng và nhiều biện pháp khắc khổ đã được thực thi theo điều kiện của các gói cứu trợ.
Có nhà kinh tế cho rằng, nếu Hy Lạp quay lại với đồng tiền riêng, nước này sẽ bị đẩy vào hàng các nước kém phát triển.
Trong khi đó, khả năng Hy Lạp phải rời khỏi hoặc bị buộc phải rời khỏi Eurozone đã không còn là ý tưởng. Ngay cả cựu Tổng thống Pháp Valery Giscard d'Estaing, người đã ủng hộ việc Hy Lạp gia nhập Liên minh châu Âu, đã cho rằng việc kết nạp nước này vào Eurozone là một sai lầm nghiêm trọng, khi giúp các chính phủ có thể vay mượn với chi phí thấp, điều đã dẫn đến khối nợ khổng lồ hôm nay.
Thêm vào đó, Hy Lạp đã không thể dùng số tiền mà châu Âu cấp cho trong những năm 80 của thế kỷ trước để tăng hiệu quả của nền kinh tế.
Trái ngược với sự "tha thiết" của Hy Lạp đối với đồng tiền chung, hai nước không sử dụng đồng euro là Thụy Điển và Đan Mạch lại đề cao đồng tiền của họ hơn bao giờ hết, khi cuộc khủng hoảng nợ đang lây lan trong Eurozone cũng đang ảnh hưởng tới hai nền kinh tế này.
Lựa chọn của Thụy Điển trong việc đứng ngoài khối đồng tiền chung dường như là sáng suốt trong thời điểm này, khi tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 4,6% trong quý III, so với chỉ 0,2% của Eurozone. Thặng dư thương mại của nước này trong tháng 10 vừa qua tăng 41,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng công nghiệp tăng 4,7%.
Tuy nhiên, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Thụy Điển cũng đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây và tốc độ tăng trưởng có thể giảm xuống 1,3% trong năm 2012, do đơn đặt hàng xuất khẩu giảm.
Trong khi đó, Đan Mạch đang chịu những tác động của khủng hoảng nợ công trong những quý gần đây và hiện đang đứng bên bờ vực suy thoái.
Trong quý III, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 0,8% và có thể tiếp tục giảm trong quý IV. Tăng trưởng kinh tế yếu đã buộc Chính phủ Đan Mạch phải nâng dự báo thâm hụt ngân sách năm 2012 lên 100,7 tỷ kroner (17,7 tỷ USD), tương đương 5,5% GDP.
Trong khi đó, người Anh cũng trở nên ác cảm hơn với đồng euro và không dấu giếm sự hài lòng về sự trung thành với đồng bảng, khi đồng tiền chung châu Âu đang trong một cuộc chiến sinh tử cho sự tồn tại của nó. Trong một cuộc điều tra mới đây, 65% người Anh tin rằng đồng euro sẽ chết, trong khi 20% cho rằng đồng tiền này vẫn tiếp tục tồn tại.
Mặc dù vậy, thực tế là những lợi ích hữu hình mà nước Anh có được khi quyết định đứng ngoài Eurozone là không nhiều. Theo các số liệu của Ủy ban châu Âu, thâm hụt ngân sách của Anh trong năm 2011 sẽ cao hơn Hy Lạp và nợ công xấp xỉ Pháp, mặc dù chính phủ đã thực thi các biện pháp khắc khổ. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao trong 17 năm và tỷ lệ lạm phát gấp đôi so với Eurozone./.
Lê Minh
Vietnam+
|