Thứ Ba, 27/12/2011 10:05

Nhìn lại một năm biến động của kinh tế thế giới

2011 là một năm nhiều biến động với kinh tế thế giới. Trên khắp các châu lục, đâu đâu cũng có những sự kiện nóng xảy ra nối tiếp nhau như một “vành đai lửa”.

Trong đó, nhiều vấn đề cho tới nay vẫn chưa được giải quyết và có thể sẽ tiếp tục đe dọa kinh tế toàn cầu trong năm tiếp theo.

Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2011 do VnEconomy bình chọn và giới thiệu. Thứ tự trước sau của các sự kiện không phản ánh mức độ quan trọng hơn kém.

1. “Tính mạng” đồng Euro bị đe dọa

Cuộc khủng hoảng nợ bắt nguồn từ các nước Ireland, Hy Lạp đã nhanh chóng lan sang các nền kinh tế khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nhiều quốc gia đã rơi vào vòng xoáy nợ nần khó vãn hồi và biến khu vực này trở thành một “hố đen” tài chính, mà nhất cử nhất động của nó đều tác động sâu sắc tới các thị trường.

Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả là cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng này đang đe dọa tới sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu, khiến cho chính trường nhiều nước châu Âu chao đảo, buộc nhiều chính phủ phải giải tán và tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã mong manh và trì trệ.

Nổi lên trong cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng này là vai trò đầu tàu của Đức và Pháp trong việc cố gắng dẫn dắt liên minh vượt khủng hoảng. Bên cạnh đó, khủng hoảng nợ công cũng cho thấy sự chia rẽ giữa các nước thành viên Khu vực đồng Euro, giữa các nước trong và ngoài Liên minh châu Âu. Hàng loạt hội nghị thượng đỉnh gắn mác “cuối cùng”, “quyết định số phận” đã diễn ra, nhưng không đạt được mấy hiệu quả.

2. Nước Mỹ bị hạ bậc tín dụng

Hôm 5/8, tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế Standard & Poor's (S&P) đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống còn AA+ kèm theo đánh giá triển vọng tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Mỹ bị mất xếp hạng AAA. S&P cho biết, nguyên nhân hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ chủ yếu do thỏa thuận nâng mức trần nợ của Chính phủ và Quốc hội Mỹ khó duy trì được ổn định nợ trong trung hạn.

Ngoài ra, S&P cũng nói rằng, mặc dù Mỹ đã tăng mức trần nợ nhưng tình trạng gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ là đáng lo ngại. Đồng thời, khi đối mặt với những thách thức đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, hiệu quả xử lý vấn đề kinh tế của cơ quan quyết sách Mỹ cũng đáng lo.

S&P nhấn mạnh, nếu Chính phủ Mỹ không thể đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong hai năm hoặc xuất hiện cuộc khủng hoảng tài chính mới, Mỹ không loại trừ khả năng sẽ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng lần nữa. Các phương tiện truyền thông cho biết, việc S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ đã làm xói mòn hơn niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào nền kinh tế đầu tàu thế giới.

3. Từ cuộc chiến tiền tệ tới ngăn lạm phát

Khái niệm "chiến tranh tiền tệ" được nhắc đến lần đầu tiên trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, tại Sao Paulo hôm 27/9/2010. "Thực sự chúng ta đang rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ thế giới, nơi mà các bên tham chiến đua nhau làm yếu đồng tiền của mình. Điều này đe dọa chúng tôi, bởi nó tước đi năng lực cạnh tranh của chúng tôi", ông nói.

Tuy nhiên, "cuộc chiến tiền tệ" mà ông Mantega nói tới đã bị lãng quên, hoặc bị hạn chế nói tới, khi đầu năm nay, chính phủ các nước tập trung vào việc giải quyết bài toán lạm phát. Hàng loạt nền kinh tế mới nổi trên thế giới đã lần lượt tiếp bước nhau tăng lãi suất, từ bỏ những chính sách nhằm ngăn chặn các loại tiền tệ của họ tăng giá để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu.

Không phải do họ đã giảm bớt tầm quan trọng của khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu mà bởi họ cần phải chống lại mối nguy hiểm mà cả thế giới đang lo lắng. Đó chính là lạm phát. Với tình trạng giá cả hàng hóa gia tăng, đặc biệt là lương thực và dầu mỏ, các quan chức quyết định cho phép đồng tiền quốc gia tăng giá để giảm áp lực lạm phát. Không chỉ các quốc gia mới nổi tăng lãi suất, hàng loạt nước phát triển cũng thực hiện hành động này.

4. Phát sốt với thị trường vàng

Trong một năm khá nhiều bất ổn xảy ra trên phạm vi toàn cầu như 2011, việc giá các loại hàng hóa thăng giảm chóng mặt cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt là những tài sản được xem là “vịnh tránh bão”, nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư. Mặc dù, chứng khoán, tiền tệ đều đã tạo nên những con sóng lớn, nhưng nóng sốt nhất trên thị trường hàng hóa toàn cầu năm 2011 vẫn là vàng.

“Bão vàng”, “Cơn cuồng loạn của vàng”, “Thị trường vàng sôi sục”… là những cụm từ được nhắc tới nhiều và với tần suất lớn trong năm 2011. Trên thực tế, ngay từ cuối năm 2010, giá vàng quốc tế đã nhiều lần lập rồi lại phá kỷ lục. Đà tăng mạnh của kim loại quý này tiếp tục diễn ra trong các tháng đầu năm 2011 và đạt tới đỉnh cao lên trên 1.923 USD/ounce trong tháng 9.

Hiện tại giá vàng đã có xu hướng đi xuống khi nhà đầu tư bắt đầu quay lưng lại với “thiên đường” này và chuyển dần trở lại với kênh truyền thống USD. “Nhà đầu tư không còn xem vàng như là tài sản an toàn thực sự nữa, và đó là một trong những lý do khiến diễn biến giá vàng không mấy sáng sủa”, Eugen Weinberg, chuyên gia phân tích của Commerzbank nói. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế vẫn tin rằng, giá vàng vẫn còn tăng nữa trong năm 2012 và rất khó đoán mức đỉnh của nó.

5. Mùa xuân Arab và khủng hoảng năng lượng

Cái chết của nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi, vẫn chưa phải là hồi kết cho những bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi. Những cuộc chiến khác vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi, thậm chí ngay trong chính nội tại của quốc gia nhiều dầu lửa này. Và từ những bất ổn ở đây, thế giới đã nhiều phen tưởng chứng lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng, do thiếu hụt nguồn cung.

“Chảo lửa” bắt nguồn từ vụ tự thiêu trên đường phố của một người bán rong tên là Bouazizi trên đường phố Tunisia. 17/12/2010 là một ngày định mệnh đối với anh và cũng là một dấu ấn quan trọng đối với Tunisia. Hôm đó, anh đang bán rau trên đường phố thì một số nhân viên công lực tới. Họ ném rau của anh xuống đường và sỉ nhục người cha đã quá cố của anh. Bouazizi đã tẩm xăng vào người và tự thiêu để phản đối.

Tiếng than đau đớn của Bouazizi đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối của dân chúng Tunisia trên khắp đất nước. Và tới ngày 14/1/2011, Tổng thống Tusinia Zine El Abidine Ben Ali đã buộc phải từ chức. Tuy nhiên, ngọn lửa không hề bị dập tắt mà đã kịp lan rộng sang các nước khác trong khu vực, dẫn tới những cuộc binh biến kéo dài cho tới tận hôm nay và điểm dừng của nó vẫn chưa biết là lúc nào.

6. “Chiếm Phố Wall” lan rộng khắp nơi

Khởi sự ngay ở nền kinh tế lớn nhất thế giới với lý do ban đầu là những thất vọng trước một nền kinh tế trì trệ, nhưng sau đó phong trào "Chiếm Phố Wall" đã mở rộng thành cuộc phản kháng của người dân đối với mọi bất bình trong xã hội Mỹ. Những người biểu tình cho rằng, Phố Wall là nơi điển hình của sự bất công xã hội và "đại diện cho 99% người dân Mỹ không thể tiếp tục tha thứ cho sự tham lam và vô trách nhiệm của 1% đang độc chiếm quyền lực và tài sản của nước Mỹ".

Không chỉ gây ấn tượng ở Mỹ, “Chiếm Phố Wall” còn truyền cảm hứng cho hàng loạt cuộc biểu tình tương tự ở nhiều nơi trên thế giới. Và đỉnh điểm là vào giữa tháng 10 vừa qua, phong trào này đã diễn ra ở 951 thành phố thuộc 82 quốc gia trên thế giới, với mục tiêu “bắt đầu sự thay đổi toàn cầu mà chúng ta muốn,” và “đoàn kết trong cùng một tiếng nói, chúng ta sẽ cho các chính trị gia, và các nhà tài phiệt mà họ phục vụ, biết rằng chính chúng ta, nhân dân, quyết định tương lai của chúng ta”.

Nhiều học giả, chuyên gia đã có những cái nhìn khác nhau về phong trào này. Nhiều người cho rằng, phong trào này sẽ không kéo dài và rất khó tác động đến hệ thống hiện tại. Tuy nhiên, cũng có không ít người tin rằng, những người biểu tình sẽ tạo ra một ảnh hưởng lâu dài với những người hoạch định chính sách và thậm chí buộc họ phải tiến hành những bước cải tiến đúng đắn. Hiện tại, “Chiếm Phố Wall” vẫn đang tiếp diễn.

7. Thế giới ngày càng chật chội và bộn bề

Đêm 30/10, công dân thứ 7 tỷ của thế giới đã chào đời. Sự kiện này là một niềm hạnh phúc của nhân loại nói chung và gia đình công dân thứ 7 tỷ nói riêng. Nhưng xét trên nhiều khía cạnh từ kinh tế cho tới chính trị xã hội, thế giới đang đứng trước nhiều mối lo, hơn là đáng mừng. Trước tiên là về khía cạnh lương thực thực phẩm, sự kiện công dân 7 tỷ đã nhắc thế giới nhớ rằng, cuộc chiến chống đói trên toàn cầu đang khó khăn hơn.

Nhật báo La Croix ước tính, mỗi ngày trái đất có thêm 200.000 thành viên mới, tức mỗi giây có thêm 2,3 người. Việc dân số ngày càng đông, trong khi quả đất không hề tăng diện tích, đặt ra nhiều thách thức to lớn. Theo La Croix, nếu dân số thế giới là 7 tỷ người, thì sẽ có gần 1 tỷ chịu cảnh đói kém. Như vậy, nếu dân số là 9 tỷ vào năm 2050, thì đói kém càng trầm trọng hơn.

Ngoài thách thức hàng đầu về thực phẩm, tình trạng dân số tăng nhanh còn là nguyên nhân dẫn tới nạn thất nghiệp cao, chênh lệch giàu nghèo, chất lượng đời sống thấp và đặc biệt là xu hướng mất cân bằng giới tính, trong đó nam nhiều hơn nữ. Các chuyên gia dân số học ước tính hiện thế giới thiếu tới hơn 160 triệu phụ nữ. Điều này cho thấy trong hàng chục năm tới, vấn đề lập gia đình sẽ là hóc búa đối với nam giới ở nhiều nước.

8. Somalia khô hạn, đói và héo mòn

Hôm 20/7, Liên hiệp quốc đã công bố tình trạng nạn đói tại hai khu vực ở miền Nam Somalia và yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp cho hàng triệu người đang gặp khó khăn ở hai khu vực này. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp của trẻ em vượt mức 30%, mỗi ngày trong 10.000 dân có từ 2 người trở lên chết và người dân không thể tiếp cận lương thực và các loại nhu yếu phẩm khác.

Mark Bowden, điều phối viên nhân đạo cho Somalia của Liên hiệp quốc, thông báo tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Somalia hiện đang đứng ở mức cao nhất thế giới. Tỷ lệ này tại một số khu vực ở miền Nam Somalia đã lên đến 50%. Do đó, việc trì hoãn cứu trợ mỗi ngày là "vấn đề sống còn đối với trẻ em và các gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi nạn đói" và "nếu chúng ta không hành động ngay, chỉ trong vòng 2 tháng, nạn đói sẽ lan rộng đến tất cả 8 khu vực ở miền Nam Somalia do mùa màng thất bát và việc bùng nổ các bệnh truyền nhiễm."

Theo Liên hiệp quốc, hạn hạn đã liên tục xảy ra ở Somalia trong những năm qua, cộng với đó tình hình xung đột đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc hoạt động và tiếp cận các cộng đồng ở miền Nam Somalia. Ước tính gần một nửa trong tổng số 3,7 triệu dân Somalia, trong đó khoảng 2,8 triệu sinh sống ở miền Nam, đang trong cuộc khủng hoảng đói.

9. Động đất, sóng thần và điện hạt nhân

Hôm 11/3, thế giới bàng hoàng khi chứng kiến những tàn phá kinh hoàng do động đất, sóng thần gây ra dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản. Chỉ trong vài tích tắc, thảm họa kép đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và của. Hàng chục nghìn người thương vong, vô số nhà cửa, công trình giao thông bị phá hủy, nhiều vùng dân cư bị xóa sạch.

Thảm họa còn dẫn tới một cuộc khủng hoảng phóng xạ khi làm hư hại các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Chưa bao giờ, câu chuyện phóng xạ lại trở thành mối lo lắng trên toàn cầu lớn tới như lần này, thậm chí còn vượt xa cả thảm họa kinh hoàng ở Chernobyl năm 1986. Những cuộc tranh luận về điện hạt nhân diễn ra liên tục, ở khắp nơi và nhiều nước như Đức đã quyết định bỏ cuộc chơi năng lượng này để đổi lấy an toàn.

Tuy nhiên, cũng từ thảm họa khủng khiếp này, thế giới thấy được một nước Nhật ngoan cường vượt khó khăn. Không cướp bóc, hôi của, không giành giật nguồn cứu trợ là những gì đã khiến thế giới cảm phục người Nhật. Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã không ngần ngại gọi đó là “đẳng cấp”.

10. Lũ ở Thái Lan và bài toán mang tên HDD

Hôm 8/12, phát biểu tại trường Đại học Quân sự Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết, lũ lụt đã gây thiệt hại 1.300 tỷ Baht, tương đương hơn 43,3 tỷ USD, cho nền kinh tế Thái Lan. Không đánh úp chớp nhoáng như thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản, trận lũ này kéo dài từ cuối tháng 7 cho tới đầu tháng 12, đã làm hơn 700 người chết và mất tích. Hàng triệu người dân phải đi sơ tán. Hơn 60 trong tổng số 77 tỉnh thành của Thái Lan bị ngập lụt, trong đó có thủ đô Bangkok, cố đô Aytthaya.

Không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế Thái Lan, trận lụt khủng khiếp và dai dẳng này còn đe dọa tới cả một ngành công nghiệp máy tính thế giới, khi làm thiếu hụt nguồn cung ổ cứng (HDD). Theo dự báo của hãng nghiên cứu IDC, lũ lụt tại Thái Lan đã làm hơn 12 nhà máy sản xuất ổ cứng gián đoạn hoạt động, tác động trực tiếp đến số lượng máy tính toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2012.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, Thái Lan đã cung cấp khoảng 45% lượng ổ cứng trên toàn thế giới. Nhưng đến đầu tháng 11, sản lượng bị giảm phân nửa do tình hình lũ lụt. Chuyên gia IDC nhận định khó có thể đưa ra con số chính xác về tình hình thiệt hại cho các nhà máy ổ cứng. Tuy nhiên, điều chắc chắn là nguồn cung HDD sẽ thiếu hụt vào quý 1/2012. Và dù IDC tin rằng ngành công nghiệp ổ cứng sẽ sớm khôi phục sản xuất, song nguồn cung HDD sẽ vẫn bị hạn chế trong một thời gian nhất định.

Vinh Nguyễn

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Cuộc chiến với các hãng đánh giá tín dụng (27/12/2011)

>   Đồng EUR và bài học quý giá (27/12/2011)

>   M&A toàn cầu giảm mạnh trong quý 4 do khủng hoảng nợ (26/12/2011)

>   Tổng giám đốc IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn nguy hiểm (26/12/2011)

>   Trung Quốc có thể tiếp tục hạ dự trữ bắt buộc trong năm 2012 (26/12/2011)

>   Trung Quốc, Thái Lan thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (25/12/2011)

>   Nhật sẽ bán kỷ lục 1.9 ngàn tỷ USD trái phiếu năm tài khóa 2012 (24/12/2011)

>   IMF giữ mức lãi suất siêu thấp đối với nước nghèo (24/12/2011)

>   Morgan Stanley: Toàn cảnh kinh tế Hàn Quốc 2012 và 2013 (24/12/2011)

>   7 vấn đề lo ngại của Mỹ Latinh trong năm 2012 (24/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật