M&A toàn cầu giảm mạnh trong quý 4 do khủng hoảng nợ
(Vietstock) – Khủng hoảng nợ công và sự biến động của thị trường đã tác động nặng nề đến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), đẩy mức phí của các ngân hàng đầu tư châu Âu xuống thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
* Dự báo của chuyên gia về thị trường M&A thế giới năm 2012
Tổng giá trị các thương vụ M&A giảm 32% so với quý 3 xuống 375.3 tỷ USD trong quý 4, dẫn đầu là châu Âu với mức giảm mạnh 41%. Sự sụt giảm này cùng với việc rút lại kế hoạch phát hành cổ phiếu do bất ổn của thị trường đã khiến mức phí của các ngân hàng đầu tư giảm 8% so với năm 2010 xuống 72.6 tỷ USD trong năm 2011.
Tại châu Âu, tổng mức phí thu được từ tất cả các sản phẩm chỉ ở vào khoảng 2.57 tỷ USD trong quý 4, đánh dấu quý tồi tệ nhất kể từ khi Thomson Reuters bắt đầu thu thập số liệu này vào năm 2000.
Với tình trạng đóng băng tại các thị trường châu Âu trong khi những bất ổn về tương lai của Eurozone vẫn còn kéo dài, hoạt động M&A toàn cầu chỉ tăng 3.3% so với năm 2010.
Ông Paul Parker, Trưởng bộ phận M&A toàn cầu của Barclays Capital nhận định: “Triển vọng năm 2012 khá nhập nhằng. Có thể tình hình tại châu Âu sẽ ổn định và M&A sẽ cải thiện hoặc khủng hoảng tiếp diễn và M&A tiếp tục sụt giảm. Tại thời điểm này, nhà đầu tư càng tránh xa châu Âu thì càng cảm thấy dễ chịu nhưng các thị trường vẫn còn rất rối bời”.
Trong năm 2011, tổng lượng cổ phiếu phát hành giảm 27%. Trên thị trường nợ, các công ty có mức xếp hạng đầu tư có thể tự tài trợ vốn cho mình với mức lãi suất thấp nhưng nhu cầu của nhà đầu tư đối với các trái phiếu “rác” biến động trong suốt năm.
“Trong năm 2012, khối lượng phát hành trên các thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu cũng như hoạt động M&A có thể gặp nhiều khó khăn nhưng cuộc khủng hoảng cũng có thể đem lại cơ hội”, nhận định của ông Manuel Falco, đồng trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư khu vực châu Âu của Citigroup.
Ông nói: “Sẽ có cơ hội rất lớn để lĩnh vực công mua lại tài sản quốc doanh và các doanh nghiệp cần phải phát hành cổ phiếu cho mục đích dự phòng. Khủng hoảng là cơ hội tốt nhất để mua lại các doanh nghiệp châu Âu”.
Theo số liệu của Mergermarket, bất chấp sự thất bại của thương vụ AT&T mua lại T-Mobile với giá 39 tỷ USD trong năm nay, hoạt động M&A tại Mỹ vẫn tăng 12% so với năm ngoái, chiếm gần 40% hoạt động M&A toàn cầu.
Hoạt động M&A trong năm qua tại châu Âu không thay đổi nhiều so với năm 2010 trong khi tại châu Á (trừ Nhật Bản), giá trị M&A giảm 11%. Còn tại thị trường mới nổi, tổng giá trị của các vụ M&A giảm khoảng 10% sau đà tăng trưởng mạnh trong năm 2010.
Tuy nhiên, ông Simon Warshaw - trưởng nhóm ngân hàng đầu tư toàn cầu tại UBS - cho rằng M&A giữa thế giới phát triển và mới nổi chỉ mới bắt đầu. Ông nói: “Chúng ta đang và sẽ tiếp tục chứng kiến mối quan tâm ngày càng cao của châu Á đối với tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên đối với hoạt động M&A, năm nay không phải là thời điểm để các doanh nghiệp tiến hành mua bán hoặc sáp nhập.
Cho đến nay, năng lượng, tiện ích và khai khoáng là 3 lĩnh vực nhộn nhịp nhất tại tất cả các khu vực. Ông Paul Parker, Trưởng bộ phận M&A toàn cầu của Barclays Capital cho rằng: “Sự giới hạn của nguồn tài nguyên thiên nhiên so với kỳ vọng tăng trưởng dài hạn trên toàn cầu có nghĩa là nhu cầu đối với các tài sản hiếm có này luôn duy trì ở mức cao và sẽ tiếp tục gia tăng”. Ông cho biết thêm: “Ai cũng thừa nhận rằng giai đoạn suy thoái là thời điểm tốt để mua các tài sản này trước khi phục hồi trở lại”.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|