Trung Quốc có thể tiếp tục hạ dự trữ bắt buộc trong năm 2012
(Vietstock) – Cựu Phó Thống đốc NHTW Trung Quốc (PboC), Wu Xiaoling, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ dự trữ bắt buộc trong năm 2012 nhằm bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, động thái này không phải là dấu hiệu của việc thay đổi chính sách tiền tệ.
* Toàn cảnh kinh tế Trung Quốc năm 2012 và 2013
Phát biểu tại một diễn đàn hôm 25/12, ông Wu cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc thường xuyên hơn trong việc điều hành kinh tế vĩ mô năm 2012.
Ông nói: “Trung Quốc sẽ cắt giảm dự trữ bắt buộc để bổ sung thanh khoản nếu dự trữ nhân dân tệ dành cho giao dịch ngoại hối chỉ tăng nhẹ hoặc thậm chí giảm trong năm 2012”.
Tính đến cuối tháng 11, dự trữ nhân dân tệ dành cho giao dịch ngoại hối của Trung Quốc đứng ở mức 25.46 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 4 ngàn tỷ USD), giảm 27.9 tỷ Nhân dân tệ so với cuối tháng 10.
Đầu tháng 12, Trung Quốc cắt giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lần đầu tiên trong 3 năm. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng thương mại lớn xuống 21% trong khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng vừa và nhỏ xuống 17.5%.
Ông Wu cho rằng sự giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ trong các ngày gần đây cũng là phản ứng bình thường của thị trường khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và các nhà đầu cơ phương Tây rút tiền về để kích thích nền kinh tế của mình.
Ông nói: “Chúng tôi không lo lắng về sự rớt giá của đồng nội tệ. Trung Quốc sẽ cho phép đồng nội tệ linh hoạt hơn trong năm tới đồng thời đẩy mạnh việc tự do hóa lãi suất để nâng cao vai trò quan trọng của các công cụ thị trường trong việc phân bổ nguồn vốn”.
Liên quan đến triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2012, ông Wu cho rằng Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi sự suy giảm kinh tế, một phần do nhu cầu yếu kém từ bên ngoài trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ - hai đối tác thương mại chính của Trung Quốc – vẫn còn phải vượt qua khủng hoảng nợ.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm đầu tư công và nhu cầu nội địa ảm đạm cũng sẽ cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế. Theo ông, Trung Quốc cần phải nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa để vực dậy tăng trưởng.
Được biết, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại còn 9.1% trong quý 3, thấp hơn so với mức 9.5% trong quý 2 và 9.7% trong quý 1.
Phước Phạm (Theo Tân Hoa Xã)
|