Thứ Ba, 27/12/2011 07:23

Cuộc chiến với các hãng đánh giá tín dụng

Các hãng đánh giá tín nhiệm tín dụng bị cho là tận dụng khủng hoảng kinh tế - tài chính để “làm mưa làm gió.”.

Một công ty, ngân hàng hay quốc gia khi lâm cảnh nợ nần sẽ thuê các hãng đánh giá tín dụng chấm điểm để nhà đầu tư an tâm. Số điểm được đưa ra phản ảnh ý kiến của các nhà phân tích về độ tín nhiệm cũng như khả năng chi trả của bên vay nợ. Trên nguyên tắc, những hãng đánh giá tín dụng ra đời đơn thuần vì mục tiêu kinh tế nhưng thực tế cho thấy quyền hạn của 3 “đại gia” trong lĩnh vực này là Standard & Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch không dừng lại ở đó.

Vừa đối đầu vừa bắt tay?

Mới đây, Fitch lại vừa tuyên bố xem xét hạ bậc tín nhiệm của Mỹ nếu nước này không nỗ lực ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách, theo tờ Le Figaro. Hồi tháng 8, hãng S&P đã lần đầu tiên trong lịch sử đánh tụt hạng Mỹ từ AAA xuống còn AA+. Mới đây, ngay trước kỳ họp Hội đồng châu Âu hồi đầu tháng 12, S&P xếp 15 nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), bao gồm cả Đức và Pháp, vào danh sách cảnh báo xấu. Tuần trước, theo tờ Le Parisien, đến lượt Fitch đe dọa hạ bậc tín nhiệm tín dụng của 6 nước eurozone.

Giới quan sát đánh giá những quyết định trên có thể không đơn thuần là do lý do chuyên môn. Sau khủng hoảng tài chính 2008 và trong bối cảnh khủng hoảng nợ hiện nay ở châu Âu, chính quyền các nước quy kết trách nhiệm liên đới của các công ty xếp hạng tín dụng quốc tế, chủ trương siết chặt điều kiện hành nghề, hạn chế tác động của các công ty này tới tâm lý nhà đầu tư, doanh nhân và người dân. Vì thế, dường như đang có một cuộc chiến chưa phân định thắng thua giữa Mỹ - EU với các hãng xếp hạng.

Việc các hãng đánh giá tín dụng liên tiếp gây sức ép khiến chính trị gia của những nước liên quan bất bình. Trả lời tờ Le Télégramme, ông Pascal Canfin, thành viên Nghị viện châu Âu đặt vấn đề: “S&P, Moody’s và Fitch dựa vào quyền hạn nào để đánh giá khả năng cải cách hay tăng thuế của một quốc gia?”.

Về việc các “đại gia” đánh giá tín dụng không ngừng gây áp lực lên eurozone, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble nhận định trên tờ Kölner Stadt Anzeiger: “Các hãng này cần phải khẳng định vị trí của mình trên thị trường để thu được nhiều lợi nhuận”. Theo ông Schäuble, hạ bậc tín nhiệm hay cảnh báo một quốc gia có thể xem là cách gây tiếng vang và tự quảng cáo rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng các động thái hạ bậc và đe dọa hạ bậc thực chất là một “kế hoạch đánh lừa” người dân. Tâm lý chung của dân chúng luôn phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính quyền, thể hiện qua những cuộc biểu tình rầm rộ tại nhiều nước. Do đó, chính phủ một số nước bắt tay với các hãng đánh giá vẽ ra một bức tranh cực kỳ ảm đạm để đánh đòn tâm lý, buộc người dân nuốt trôi các kế hoạch cắt giảm ngân sách hà khắc.

Còn nhiều thiếu sót

Được xem là giá trị tham khảo không thể thiếu trên thị trường tài chính nhưng đến nay, cách tính điểm của các hãng đánh giá tín dụng vẫn gây nhiều tranh cãi. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer, trong khi Pháp bị đe dọa hạ bậc tín nhiệm thì Anh với tình trạng “thâm hụt nhiều hơn, nợ tương đương, lạm phát nặng nề hơn, tăng trưởng kinh tế ít hơn” lại bình yên vô sự. Trước đó, khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1997-1998 tại châu Á, bộ ba S&P, Moody’s, Fitch đã không đưa ra được dự báo nào có trọng lượng. Tương tự, trong khủng hoảng toàn cầu năm 2008, các hãng đánh giá tín dụng đã xem nhẹ các yếu tố nguy cơ, để rồi chỉ phản ứng bằng việc hạ bậc hàng loạt, theo tờ L’Express. Nhiều chuyên gia nhận định những hãng này đã tạo thêm một đợt “khủng hoảng tín nhiệm tín dụng” vào khủng hoảng nợ sẵn có.

Cơ quan Quản lý thị trường tài chính châu Âu (AEMF) cho biết đang điều tra S&P, Moody’s, Fitch và các hãng đánh giá tín dụng nhỏ. Reuters dẫn lời phát ngôn viên của AEMF cho biết các thanh tra đã thu thập tài liệu để xem xét các tiêu chí đánh giá của những hãng này có đảm bảo tính minh bạch hay không. Trong trường hợp vi phạm, AEMF có thể đình chỉ hoạt động, thậm chí rút giấy phép. Kết quả sẽ được công bố trễ nhất vào tháng 4.2012.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Đồng EUR và bài học quý giá (27/12/2011)

>   M&A toàn cầu giảm mạnh trong quý 4 do khủng hoảng nợ (26/12/2011)

>   Tổng giám đốc IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn nguy hiểm (26/12/2011)

>   Trung Quốc có thể tiếp tục hạ dự trữ bắt buộc trong năm 2012 (26/12/2011)

>   Trung Quốc, Thái Lan thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (25/12/2011)

>   Nhật sẽ bán kỷ lục 1.9 ngàn tỷ USD trái phiếu năm tài khóa 2012 (24/12/2011)

>   IMF giữ mức lãi suất siêu thấp đối với nước nghèo (24/12/2011)

>   Morgan Stanley: Toàn cảnh kinh tế Hàn Quốc 2012 và 2013 (24/12/2011)

>   7 vấn đề lo ngại của Mỹ Latinh trong năm 2012 (24/12/2011)

>   Tỷ phú giàu thứ ba nước Mỹ mất 4 tỷ USD trong một ngày (24/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật