TS Võ Trí Thành: Dự báo lãi suất giảm vào nửa cuối Q2/2012 không còn xa
(Vietstock) - Sau khi tham gia WTO, kinh tế Việt Nam có 5 cơ hội và 4 thách thức, nhưng hiện nay tất cả đều là thách thức. Kinh tế thế giới và Việt Nam dù có nhiều “mây đen” bao phủ, nhưng bên cạnh đó vẫn có một vài ánh sáng le lói.
* Tin ảnh: Hội thảo nhận diện Cơ hội và Rủi ro năm 2012
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (ảnh bên) chia sẻ cùng các nhà đầu tư tham dự hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro trong năm 2012 - Từ vĩ mô, chính sách đến thị trường chứng khoán” diễn ra sáng ngày 17/12 tại TPHCM, do Vietstock Communications tổ chức.
2012 – Ánh sáng le lói
Đánh giá về kinh tế thế giới, Tiến sĩ Thành chia sẻ, khoảng từ tháng 8 trở lại đây, kinh tế thế giới và khu vực Đông Á ngày càng xấu đi, các mức dự báo tăng trưởng thấp hơn nhiều so với năm 2010. Các kịch bản dự báo kinh tế cũng ngày càng tồi tệ hơn.
Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng thực thương mại xuất khẩu thế giới của năm 2011 là 7-8%, nhưng năm tới chỉ còn khoảng 5-6%. FDI và các dòng tiền cũng suy giảm mạnh. Trong khi Mỹ, EU phải “đánh vật” để giải quyết khủng hoảng nợ, các nước châu Á cũng đang rất khó khăn bởi bất ổn vĩ mô.
“Dù một vài nước như Úc bắt đầu nới lãi suất, Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng rõ ràng bong bóng bất động sản chưa xử lý được. Nếu không xử lý nhanh sẽ tạo thành làn sóng suy thoái kinh tế nặng nề”, Tiến sĩ Thành dự báo.
Đối với Việt Nam, năm 2011 lạm phát đạt đỉnh cao là 23.4%, và giảm dần còn khoảng 18.5% vào cuối năm. Lần đầu tiên cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng nhẹ, kiều hối tăng, và thâm hụt ngân sách có giảm. Đó là một bức tranh tốt hơn, nhưng thực sự kết quả đạt được còn hết sức "mong manh". Tiến sĩ Thành cho rằng, “Trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam dường như đang xấu đi. Vì thế một số quỹ của Việt Nam không huy động được vốn từ nước ngoài”.
Trong bối cảnh ấy, năm 2012, Chính phủ lựa chọn mục tiêu rõ ràng với thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô, kéo lạm phát dưới 10% và tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời có những cải cách quyết liệt mang tính đột phá. Tất nhiên bước đi sẽ còn “khúc khuỷu” nên chỉ tiêu đặt ra khiêm nhường với tăng trưởng kinh tế 6%, xuất khẩu chỉ đạt 12-13% giá trị (năm 2011 xuất khẩu tăng 34-35% về giá trị và 13-14% sản lượng).
Về ngắn hạn, kinh tế chỉ dừng ở mức “le lói ánh sáng” bởi cuộc khủng hoảng thế giới. Nguy cơ suy giảm kinh tế kéo theo giá cả hàng hóa giảm sẽ làm dịu cú sốc từ bên cung đối với sản xuất kinh doanh, điều này sẽ đỡ hơn rất nhiều cho chính sách tiền tệ. Thêm vào đó, dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng nguồn tiền vẫn còn dồi dào và doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn trái phiếu và ODA đang dần khả quan hơn.
Tiến sĩ Thành nhấn mạnh: “2012 là năm của những cải cách rất quyết liệt, nghệ thuật điều hành vĩ mô phải hết sức khôn ngoan. Dùng từ chặt chẽ, thận trọng nhưng thức tế Chính phủ sẽ cố gắng linh hoạt, uyển chuyển nhất đối với chính sách tiền tệ để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp”.
Vấn đề linh hoạt được thể hiện khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được nới rộng lên 15-17% so với mức 13% của năm 2011 như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nói. Cụ thể, NHNN sẽ không áp trần tín dụng như nhau đối với mọi ngân hàng, mà tùy quy mô và độ rủi ro để cấp hạn mức tín dụng hợp lý.
NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu, nông nghiệp, chế biến, đồng thời có những biện pháp kỹ thuật, kể cả hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Về tín dụng bất động sản, NHNN sẽ xem xét lại một số phân khúc và nhìn nhận bất động sản không phải là lĩnh vực phi sản xuất mà là sản xuất kinh doanh nhưng có nhiều phân khúc rủi ro cao phải giám sát tốt.
Ngoài ra, vừa qua Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ký thỏa thuận về mặt kỹ thuật để có sự rõ ràng, minh bạch khi ban hành chính sách của hai bộ.
Về tỷ giá, NHNN đã phát đi thông điệp điều hành theo tín hiệu thị trường, linh hoạt, nhưng sẽ không có những cú sốc trong phá giá 9.5% như tháng 2/2011. Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài dự báo tỷ giá năm 2012 tăng khoảng 4-4.5% và đến nửa cuối quý 2/2012 lãi suất sẽ giảm và có ý nghĩa nếu lạm phát giảm đáng kể. Tiến sĩ Thành cho rằng, dự báo này sẽ không còn xa.
EU có sụp đổ?
Nhiều tổ chức đánh giá trường hợp của EU có 3 kịch bản. Thứ nhất, có thể đã qua, EU giải quyết êm thấm câu chuyện nợ công, khủng hoảng. Kịch bản nữa đang thấy rõ nhất là EU đang cố kiểm soát chặt chẽ các công cụ còn lại mà các quốc gia có thể sử dụng được đó là chính sách tài khóa; có những cơ chế phạt nếu vượt quá thâm hụt ngân sách 3% hoặc không đưa được về mức thâm hụt như vậy trong một khoảng thời gian. Thêm hai kịch bản chung lại là sự đổ vỡ của EU; hoặc là một số nước yếu sẽ rời EU, còn lại nước mạnh sẽ cố gắng giữ đồng Euro. Và xấu nữa là đồng Euro sẽ sụp đổ.
Với tình hình này, có một điều lạ là người bên ngoài khu vực đồng Euro lại hoảng sợ hơn chính người ở trong khu vực. Tiến sĩ đưa ra dẫn chứng, một nhà kinh tế đạt giải thưởng Nobel nói rằng, trong tương lai để ổn định tài chính toàn cầu, ngoài chính sách điều tiết, thay đổi thể chế thì thế giới sẽ phải neo vào tỷ giá đồng Euro và USD. Hai đồng tiền này sẽ có ràng buộc lẫn nhau ở một mức độ linh hoạt nhất định và tương đối ổn định. Và nếu đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền chuyển đổi thì sẽ là 3 đồng tiền mà thế giới neo vào. Như vậy, nghĩa là đồng Euro không sụp đổ. Trong khi đó một ý kiến khác cho rằng vấn đề bây giờ không phải là khu vực đồng Euro có sụp đổ hay không mà là ảnh hưởng, tác động như thế nào đến thế giới.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Thành, xác suất sụp đổ khu vực đồng Euro rất thấp vì bằng mọi cách sẽ phải giải cứu khu vực này.
Xem ảnh Hội thảo >>>
Thanh Nụ ghi
|