Tái cấu trúc DNNN: Nói dễ, làm khó!
Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian hơn là dự kiến và rất tốn kém.
Đây là nhận định chung trong buổi toạ đàm có chủ đề “Cơ cấu lại nền kinh tế” do Báo Nhân dân phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay 16/12 tại Hà Nội.
Phải có hơn 50.000 tỉ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói: “Tái cấu trúc doanh nghiệp là cực kỳ khó khăn và phức tạp vì lĩnh vực rộng, quy mô lớn… Hơn nữa, nhận thức chính trị của cả hệ thống cũng không phải dễ dàng”.
Theo ông Huệ, Bộ Tài chính đang xem xét dành hơn 50 ngàn tỉ đồng nhằm tái cấu trúc nợ, cấp thêm vốn điều lệ, … cho các DNNN được tái cơ cấu. “Việc sắp xếp lại doanh nghiệp phải có tiền. Tôi báo cáo với Chính phủ phải có bồi bổ trước, rồi mới dùng kháng sinh, chứ con bệnh đang sốt cao mà chữa ngay là không chịu được,” ông nói.
Ông cho biết, Tập đoàn Sông Đà sẽ đi tiên phong trong tái cơ cấu doanh nghiệp, song chi phí cho họ lên tới 10 triệu đô la Mỹ. Số tiền này vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bộ trưởng Tài chính cho biết thêm, ông sẽ xem xét tăng cường vai trò của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp thuộc Bộ để có thêm nguồn lực cho tái cơ cấu DNNN.
Tỉ suất lợi nhuận trên vốn của DNNN chưa bao giờ qua được 6% trong suốt hơn 10 năm qua.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ |
Theo ông Huệ, tỉ suất lợi nhuận trên vốn của DNNN chưa bao giờ qua được 6% trong suốt hơn 10 năm qua.
Ông Huệ cho biết, Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổng cục quản lý vốn nhà nước tại Bộ Tài chính, và hiện tại Bộ này đang làm đề án. Theo đó, các bộ khác cũng phải có ban quản lý vốn nhà nước trong các DNNN.
Khó nhất là tư duy
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới DNNN Phạm Viết Muôn nói rằng khó khăn lớn nhất trong cải các DNNN là thống nhất tư duy.
Ông Muôn nói: “Chúng ta nói nhiều mà làm chưa được bao nhiêu. Thống nhất tư duy chúng ta khó. Tôi cho khó khăn lớn nhất là chính sách cần để đổi mới thì làm quá lâu, khi có thì không còn phù hợp với thực tế. Đi bắt con thỏ mà huy động nhân lực cả tháng, ra đến nơi thì nó chạy mất rồi.”
Ông Muôn cho biết, còn 102 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có vốn dưới 2 tỉ đồng. Trong khi đó, chỉ vỏn vẹn 30 DNNN được cổ phần hoá trong năm vừa qua, chứng tỏ chương trình cổ phần hoá đang ngày càng khó khăn. Ông giải thích: “Cổ phần hoá chậm là do kinh tế vĩ mô còn yếu. Chúng ta mang hàng ra chợ lại phải mang về. Mà tôi không thấy triển vọng bán nhanh trong năm 2012”.
Doanh nghiệp nước ngoài muốn thôn tính
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, dư luận xã hội đang rất muốn Nhà nước đẩy nhanh chương trình cải cách DNNN.
Ông Lộc cho biết, một cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, 87% ý kiến cho rằng cần phải cổ phần hoá mạnh DNNN; 87% ý kiến nói phải minh bạch hoá hoạt động của khu vực kinh tế này và 83% cho rằng cần quy chế chặt chẽ để quản lý DNNN. Ông Lộc nói: “Điều đầu tiên là phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để DNNN cạnh tranh với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân”.
“Chính phủ cần có chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực quá trình mua bán, sáp nhập để giữ được doanh nghiệp… chứ không lại rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc”.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc |
Ông nhận xét, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng là một xu thế cải cách DNNN. Thị trường M&A đã lên tới 2,7 tỉ đô la Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2011. Tuy nhiên, ông cảnh báo hiện tượng ngày càng nhiều các doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn thôn tính các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính trước mắt của Việt Nam.
Ông đề xuất: “Chính phủ cần có chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực quá trình mua bán, sáp nhập để giữ được doanh nghiệp… chứ không lại rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc”.
Câu hỏi lớn: Nhà nước làm gì trong nền kinh tế thị trường?
Trong khi đó, ông Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng ông “kinh ngạc” về những số liệu thống kê về DNNN. “Năm 2008 báo cáo của Chính phủ cho biết tín dụng DNNN chiếm 40% tổng dư nợ ngân hàng, hôm họp Tập đoàn vừa qua lại tăng lên thành 60% dư nợ. Hôm nay, anh Bình (Nguyễn Văn Bình, Thống đốc) nói 16%. Tôi rất kinh ngạc! Thế là thế nào?” Ông Ánh nhận xét: “Nếu nói là phải cạnh tranh bình đẳng, thì tại sao lại phải duy trì DNNN?”
Ở góc độ lớn hơn liên quan đến chương trình tái cơ cấu kinh tế, theo ông Ánh, vẫn còn tồn tại một luận điểm nền tảng chưa được giải thích. Ông Ánh nói : “Vấn đề là xác định được nhà nước làm gì trong nền kinh tế thị trường? Theo tôi, câu hỏi chưa trả lời này cần được làm rõ”.
Đồng quan điểm với ông Ánh, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói: “Khó khăn là vấn đề ta chọn đều nhạy cảm, liên quan đến dư luận xã hội, tư duy của chúng ta. Cải cách DNNN đến nay tư duy còn đầy tranh cãi”. Ông Thành bổ sung thêm: “Trong quá trình cải cách sẽ có người mất… Nhóm lợi ích đã trở nên rất hùng hậu, mà nay vượt qua không dễ”.
TBKTSG Online
|