Nhật Bản và làn sóng đầu tư không nhà máy
Doanh nghiệp Nhật Bản đang mở nhiều cuộc xúc tiến đầu tư sang Việt Nam trong áp lực chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài, khi mà đất nước này vừa trải qua những rủi ro về thiên tai...
Những năm trước đây, hầu như chỉ có doanh nghiệp sản xuất phần cứng đầu tư vào Việt Nam như Canon, Toshiba hay Fujitsu, thì nay các công ty hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, thương mại điện tử, bán lẻ hàng điện tử cũng theo chân doanh nghiệp phần cứng tìm đến thị trường này, tạo nên làn sóng đầu tư vào lĩnh vực “không nhà máy” tại Việt Nam.
Mở rộng thị trường
Từ đầu năm đến nay, thị trường dịch vụ nội dung số và thương mại điện tử đã luôn nhắc đến cái tên NTT, một tập đoàn đầu tư lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và thanh toán điện tử.
Hồi tháng 8 vừa qua, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất của Nhật, NTT Docomo thuộc Tập đoàn viễn thông NTT, công bố đầu tư 1,4 tỉ yen (tương đương 370 tỉ đồng) vào Công ty cổ phần truyền thông VMG – một nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động. Với nguồn vốn này, NTT Docomo sở hữu 25% VMG, trong khi Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) từ mức sở hữu 36% giảm xuống còn 29% và các cổ đông sáng lập khác từ 64% còn 46%.
NTT Docomo cho biết thương vụ mua một phần VMG được xem là bàn đạp để tập đoàn này mở rộng hoạt động trên thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Trong năm tới, NTT Docomo và VMG sẽ tập trung vào việc phát triển các giải pháp thanh toán và thương mại điện tử, dịch vụ chăm sóc khách hàng và các dịch vụ mới trên nền mạng 3G.
Cùng với NTT Docomo, một công ty con khác của tập đoàn NTT là NTT Data công bố đầu tư vào Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) nhằm nhảy vào thị trường thanh toán điện tử Việt Nam khi mà thị trường này đang có nhiều cơ hội phát triển. Theo đó, NTT Data sẽ nắm 40% cổ phần trong VietUnion và trở thành nhà đầu tư góp vốn lớn thứ hai sau Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. NTT Data góp vốn và công nghệ nhằm giúp VietUnion từng bước chiếm lĩnh thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam. Sau khi NTT góp vốn, vốn điều lệ của VietUnion tăng từ 60 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng. VietUnion sẽ dựa vào công nghệ của tập đoàn này để phát triển hệ thống thanh toán POS và mô hình thanh toán trung gian kết nối ngân hàng và các nhà dịch vụ, đồng thời, mở rộng đối tượng khách hàng là những người chưa có tài khoản ngân hàng.
Không dừng bước ở lĩnh vực thanh toán, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang tìm kiếm kênh đầu tư mới ở lĩnh vực nội dung số. Hồi giữa tháng 11, Công ty DeNA bắt tay với Công ty cổ phần VNG để xuất khẩu trò chơi mạng xã hội sang thị trường Nhật Bản trên một trang web trò chơi mạng xã hội của Nhật Bản được phối hợp vận hành bởi DeNA và Tập đoàn Yahoo! Nhật Bản. Trước mắt, hai trò chơi Ủn ỉn (Pig Farm) và Khu vườn trên mây do VNG phát triển cho máy tính cá nhân được DeNA giới thiệu tại Nhật Bản cho dịch vụ Yahoo! Mobage.
Cũng trong khoảng thời gian này, hãng TD Mobile (Nhật Bản) đã mua lại 30% cổ phần của nhà bán lẻ thiết bị di động Viễn Thông A, đồng thời, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu và đưa ra thị trường Việt Nam những ứng dụng phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng dành cho điện thoại di động, phù hợp với văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.
TD Mobile được thành lập năm 2009, khi hai hệ thống bán lẻ của Toyota và Denso của Nhật Bản sáp nhập với nhau. Hiện TD Mobile có hơn 300 cửa hàng bán lẻ điện thoại và nội dung số ở Nhật Bản.
Đầu tư dài hạn
Trong một cuộc hội thảo về dòng vốn đầu tư của Nhật Bản diễn ra tại TPHCM hồi tháng 11, Cơ quan Xúc tiến thương mại của Nhật Bản (JETRO) nói rằng dòng vốn FDI của Nhật Bản đang dịch chuyển dần về phía Việt Nam. Trước đây doanh nghiệp Nhật Bản chọn Trung Quốc làm điểm đến, tuy nhiên, chi phí sản xuất tại Trung Quốc hiện đã trở nên đắt đỏ hơn. Ở trong nước thì doanh nghiệp Nhật đối mặt với việc đồng yen lên giá, chi phí lao động tăng cao, cộng với thiên tai xảy ra gần đây. Do đó, Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư đang được ưa chuộng.
Theo các chuyên gia kinh tế thì các công ty sản xuất hàng công nghệ một khi đã vào Việt Nam sẽ kéo theo các công ty phần mềm, viễn thông và nội dung số, tạo ra một xu hướng cộng sinh tại đây.
Nói về quyết định đầu tư tại Việt Nam, ông Tetsuya Mori, Giám đốc điều hành DeNA châu Á, cho biết thị trường nội dung số Việt Nam thực sự hấp dẫn DeNa bởi yếu tố nhân lực và sự tương đồng về văn hóa. Nhân lực kỹ sư Việt Nam ngày càng có tay nghề cao và họ hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản để đưa ra các sản phẩm phong phú về nội dung và phù hợp về văn hóa.
“VNG và DeNA gặp nhau trong tháng 7 năm nay, một tháng sau quyết định hợp tác. Gần cuối tháng 11, chúng tôi giới thiệu sản phẩm ra thị trường Nhật Bản. Giai đoạn tìm hiểu giữa hai bên quá ngắn nhưng DeNA chọn sản phẩm của VNG là do chất lượng sản phẩm cũng như những yếu tố như văn hóa, thói quen... phù hợp với khách hàng Nhật Bản”, ông Mori khẳng định.
DeNA cũng cho hay ngoài việc hợp tác với VNG, họ cũng đã mua lại Công ty TNHH Giải trí Punch tại Hà Nội như là một bước khởi đầu trong việc mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và cam kết đầu tư lâu dài. Thông qua tổ chức DeNA châu Á-Thái Bình Dương, hệ thống công ty con tại Singapore, DeNA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới với các sản phẩm sáng tạo.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, nói rằng dòng vốn từ Nhật vào Việt Nam đang gặp thuận lợi và vẫn luôn đi tìm nơi đầu tư tốt, vấn đề là trong nước đáp ứng như thế nào. Trong chiến lược hợp tác với DeNA, VNG phải giải quyết được những thách thức về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và đội ngũ phát triển sản phẩm.
Theo ông Minh, chất lượng sản phẩm tốt sẽ là yếu tố quyết định sự thành công trong sự hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Minh không giấu sự kỳ vọng rằng trong năm 2012 VNG sẽ cung cấp cho DeNA tám trò chơi mới và các trò chơi sẽ đem lại doanh thu khoảng 10 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Mori, thị trường trò chơi của Nhật Bản có doanh thu cao và đặc thù của thị trường này là rất khó tính, đào thải nhanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu trò chơi sang thị trường này cũng phải qua sự chọn lọc hết sức khắt khe và yếu tố cuối cùng vẫn là sản phẩm.
Hiện nay, trò chơi trên nền tảng mạng xã hội tại Nhật có doanh thu hơn 3 tỉ đô la Mỹ. Năm 2010, trò chơi trên nền tảng mạng xã hội cho thiết bị di động và máy tính cá nhân đạt doanh thu 139 tỉ yen (1,8 tỉ đô la Mỹ). Theo ước tính, thị trường này sẽ tăng trưởng nhanh trong năm nay và những năm tới.
Trong cuộc trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn về việc hợp tác giữa VietUnion và NTT Data, ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc VietUnion, nói rằng thị trường thanh toán điện tử Việt Nam dù chưa phát triển như Nhật Bản nhưng trong tương lai sẽ là một kênh kinh doanh quan trọng khi Việt Nam triển khai các đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt, sẽ là cơ sở để xây dựng và phát triển mạng lưới thanh toán điện tử trong tương lai gần.
Theo ông Ly, thông qua mạng lưới khách hàng và đối tác của VietUnion, NTT Data sẽ phát triển các dịch vụ trung gian thanh toán để mở rộng hệ thống kinh doanh dịch vụ thanh toán hóa đơn, xử lý giao dịch thanh toán. Hiện loại hình dịch vụ ví điện tử đến nay dù chưa mang lại lợi nhuận ngay cho các nhà đầu tư nhưng được các công ty nước ngoài như Nhật Bản chăm sóc kỹ lưỡng, đặt chân vào để chờ cộng đồng thanh toán phát triển, căn cứ vào sự phát triển của cộng đồng sử dụng điện thoại di động, Internet và ATM ở Việt Nam. Và theo lộ trình trong năm năm tới, các nhà đầu tư như NTT Data sẽ có lợi nhuận, đó là thời điểm cộng đồng thanh toán đã phát triển.
Trong khi đó ở thương vụ TD Mobile mua cổ phần của Viễn Thông A, đại diện Viễn Thông A khá lạc quan về sự cam kết đầu tư lâu dài của nhà đầu tư Nhật Bản. Bà Hoàng Ngọc Vy, Giám đốc Viễn Thông A, cho rằng việc TD Mobile mua lại 30% cổ phần của Viễn Thông A thể hiện sự cam kết đầu tư lâu dài. Hiện nay, TD Mobile chưa đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nói đến những giải pháp phát triển bền vững trong tương lai, từ những giải pháp nội dung cho đến con người, xây dựng niềm tin nơi khách hàng để tạo ra nhóm khách hàng trung thành. Còn về phần mình, Viễn Thông A sẽ được lợi từ kinh nghiệm tổ chức khách hàng trung thành, phát triển nội dung số cho chiếc điện thoại di động từ phía TD Mobile.
Thu Hiền
tbktsg
|