“Tội nghiệp các nhà đầu tư”
(Vietstock) - Đóng cửa phiên cuối tuần trước kỳ lễ Noel, thị trường chứng khoán vẫn nối dài chuỗi rớt thảm đã làm cho nhiều nhà đầu tư càng thêm thất vọng. Thậm chí có nhà đầu tư phải thốt lên rằng thị trường đã lấy đi rất nhiều thứ và không biết lúc nào mới trả lại, chỉ thấy nợ nần chồng chất và trĩu nặng.
Với kinh nghiệm “kinh kha” trên thị TTCK từ năm 2006, nhà đầu tư Tuan chia sẻ đã phải “cắt chân” từ mấy ngày trước vì với tình hình thị trường ảm đạm thì phương châm “bán hôm nay ngày mai sẽ mua rẻ hơn”.
Mặc dù thời gian chinh chiến trên TTCK từ cuối năm 2009, không bằng nhà đầu tư Tuan, nhưng Mr.Chen đã trải nghiệm trọn con sóng giảm kéo dài từ tháng 5/2010 đến nay và chưa bao giờ thấy TTCK thảm khốc như vậy. Dù trước đó, nhà đầu tư này đã bỏ công tìm hiểu về TTCK 2 năm, phân tích cơ bản và PTKT đều am hiểu, nhưng tất cả đều không thể ngờ .
Nhà đầu tư này đặt câu hỏi “Không biết cơ quan quản lý thị trường đang và sẽ làm gì?. Sóng giải chấp đã thê thảm trong tháng 5/2011, nay lại đến sóng giảm của sự khủng hoảng niềm tin do các công ty chứng khoán mất thanh khoản.
Với tâm trạng đó, ThaoNguyen mong thị trường đừng khắc nghiệt thêm nữa. Trong năm có thể chịu đựng được, nhưng cuối năm mỗi NĐT đều nhìn lại, thảng thốt... đón Tết đầy nỗi lòng. Ai cũng dõi theo động thái Chính phủ để ra quyết định cho mình. Nếu chưa được hỗ trợ, thị trường có thể mãi lình xình như thế này.
Nhà đầu tư ChichBong chia sẻ thật lòng rằng nhìn bảng điện tử sáng 22/12 mà muốn bật khóc. Nhà đầu tư này hối hận khi đã tin tưởng và bỏ tiền vào TTCK nhưng giờ thì tiền mất mà niềm tin cũng không còn. “Chẳng còn gì lưu luyến nữa, rời bỏ thôi”.
Một nhà đầu tư khác thất vọng tổng kết năm 2011 với thời kỳ “đồ đá’” được tái hiện đến 2 lần làm nhiều người đã buông xuôi. Bởi “một điều chắc chắn rằng, hàng vạn người đã tan nhà nát cửa và không có cơ hội để lấy lại sau khi bình minh lóe sáng và tôi là một trong những người đó. Tiền mất, nợ nần chồng chất, nguy cơ gia đình tan vỡ khi mọi sự vỡ lở”.
Vo Dai Buu cũng tổng kết một năm đầy thua lỗ của dân chứng. Tuy nhiên nhà đầu tư này vẫn còn lạc quan nhìn nhận “mất tiền thì có kinh nghiệm, hy vọng nó sẽ giúp ta lấy lại những gì đã mất và hơn thế nữa sau này”.
Dù thời gian qua là một chuỗi sắc đỏ bao trùm, nhưng nhà đầu tư TranHa và NDT lại bắt đầu gom hàng vì tin chắc rằng “ra năm sẽ không có giá như thế này”. Nhà đầu tư có nickname BNTT cùng nhận định, với đà xuống của hai chỉ số VNX-Index và HNX-Index thì chỉ vài kỳ nữa sẽ “lộ” đáy 300 và 50. Và đây là dịp tốt để bắt đáy.
Nhà đầu tư Bong bóng xà phòng cho rằng nên “nằm im”, nghiên cứu 2 - 3 cổ phiếu bluechips thuộc những doanh nghiệp không thể phá sản hoặc quá lớn để nhà nước “làm ngơ” khi nó phá sản, rồi đợi về 5,000 “nhắm mắt” mua vào, coi như mua bất động sản khu đô thị mới, để 3-4 năm sau có hai khả năng là “tiêu” 500 triệu đến 1 tỷ, hoặc là tăng gấp 3-4 lần.
“Chuyên gia” Thuỳ Linh cũng nhìn nhận, giá cổ phiếu đang ở vùng rất thấp, việc xác định đầu tư dài hạn thì có thể yên tâm có lãi hơn so với gửi ngân hàng. Tuy nhiên trong ngắn hạn, dòng tiền mạnh (bao gồm cả dòng tiền nhàn rỗi của cá nhân) dường như vẫn đang chờ đợi một cú hích từ nền tảng cơ bản, từ các chính sách vĩ mô. Vì vậy, giá cổ phiếu đã thấp nhưng vẫn còn có thể thấp nữa, thị trường đang kiểm chứng lòng kiên nhẫn của NĐT trước khi có tín hiệu xác định một xu hướng rõ nét hơn.
Minh An
|