Thứ Bảy, 24/12/2011 10:51

Nhìn lại những vụ bê bối chứng khoán năm 2011 (Phần 2)

(Vietstock) – “Chiêu trò” của doanh nghiệp niêm yết, động thái “chém gió” một cách lộ liễu, mong muốn được hủy niêm yết không chỉ vì thị trường, quy định mà còn động cơ khác.

* Nhìn lại những vụ bê bối chứng khoán năm 2011 (Phần 1) 

“Chiêu trò” của doanh nghiệp niêm yết

Đỉnh cao của các “chiêu trò” này là vụ hủy ngày chốt quyền phát hành cổ phiếu với khối lượng khủng vào phút chót của CTCP TCT Xây lắp Dầu khí Nghệ An (HNX: PVA). Với quyết định hủy bất ngờ này mà rất nhiều nhà đầu tư “bỏ chạy” khỏi PVA trước thời điểm công bố thông tin này đã phải “ôm hận”.

* Những sự kiện đình đám trên TTCK năm 2011 (phần 1)

* Những sự kiện đình đám trên TTCK năm 2011 (phần 2)

* 5 sự kiện tài chính - ngân hàng nổi bật trong năm 2011

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn sụt giảm mạnh và tiền mặt khan hiếm thì việc mỗi cổ đông hiện hữu “được” mua thêm 4.45 cổ phiếu mới rõ ràng là thông tin không mấy vui vẻ.

Trong đợt phát hành này, PVA đã thông báo Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) và CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí IDICO (HOSE: PXL) sẽ mua vào số lượng lớn cổ phiếu phát hành thêm.

Tuy vậy, càng trôi dần về thời điểm chốt quyền, cổ phiếu PVA càng bị bán tháo mạnh mẽ, giá cổ phiếu của PVA cũng vì thế lao dốc không phanh về gần mệnh giá.

Diễn biến đáng ngạc nhiên sau đó là ngay sát ngày chốt quyền thì Sở GDCK Hà Nội công bố thông tin PVA xin hủy ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua trên, với lý do công ty phải giải trình một số thông tin liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu với UBCKNN. Giá cổ phiếu PVA đã lập tức tăng trần liên tục 3 phiên sau đó. Cũng cần để ý thêm rằng trước ngày thông tin được công bố thì lực mua của PVA đã “vọt” tăng mạnh mẽ.

Với mức giá biến động nhanh và mạnh, chắc chắn sẽ có người hưởng lợi từ cổ phiếu PVA. Câu hỏi đặt ra là ai đã là người hưởng lợi từ việc công bố thông tin “tréo ngoe” như thế này?

PVA sau đó đã có những giải trình cũng như bổ sung thêm hồ sơ cần thiết cho việc phát hành; nhưng rõ ràng niềm tin của các cổ đông lúc này đã hao hụt đi rất nhiều.

Không bất ngờ khi đợt phát hành được tiến hành sau đó đã thất bại hoàn toàn và chỉ bán được hơn 3.4 triệu cổ phần, tương đương 7.6%. PVX và PVL cũng đã không tham gia mua 20 triệu cổ phiếu như thông tin công bố trước đó.

Trong đợt phát hành tiếp theo, PVA cũng chỉ bán thêm được hơn 8.4 triệu cổ phiếu, trong đó có 5 triệu cổ phiếu được PVX mua vào.

Doanh nghiệp “chém gió”

Trong quá khứ, đã không ít lần xuất hiện hiện tượng cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đăng ký mua lượng lớn để đỡ giá cổ phiếu, nhưng sau đó lại tìm mọi cách để thoái thác việc mua vào. Nếu bình chọn doanh nghiệp có hoạt động “chém gió” tương tự như thế trong năm 2011 thì THV có thể là ứng cử viên sáng giá.

Câu chuyện Quỹ Haverstock Master cam kết mua cổ phiếu THV vẫn chưa đến hồi kết thúc thì cổ đông tiếp tục đón nhận thông tin “khủng” khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc dừng mua 6.1 triệu cổ phiếu như đăng ký, do e ngại thủ tục và rắc rối trong việc chứng minh nguồn vốn. Sau khi thông tin này được đăng tải, cổ phiếu THV ngay lập tức bị bán tháo và quay đầu giảm sàn sau nhiều phiên tăng mạnh liên tục trước đó.

Những giải thích sau đó về thủ tục rắc rối và phải chứng minh nguồn vốn dường như không hợp lý. Bởi với vị trí và cộng với việc đăng ký mua thêm đến 11.1% lượng cổ phiếu lưu hành của công ty, trong khi trước đó vị này đã nắm giữ 41.36%, sẽ là khó hiểu nếu không tìm hiểu trước các quy định về việc chào mua công khai lượng lớn cổ phiếu này.

Việc các cổ đông lớn, chủ chốt đăng ký mua vào số lượng lớn cổ phiếu là điều đáng khích lệ khi nó được thực hiện một cách đầy đủ. Bên cạnh ích lợi trực tiếp là việc đỡ giá cổ phiếu, động thái này cũng giúp cải thiện niềm tin của các cổ đông về giá trị thực sự của doanh nghiệp. Nhưng việc tận dụng điều này một cách “quá đà” như trên thì rõ ràng tác dụng phụ là không thể tránh khỏi.

Có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý cần có những chế tài phù hợp để hạn chế những vụ việc “quá đà” này nhằm lấy lại niềm tin của thị trường.

“Mốt mới”: Hàng loạt doanh nghiệp muốn hủy niêm yết

Xin hủy niêm yết thường có lý do chính được biết đến nhiều nhất là do các doanh nghiệp đã không còn tìm được điểm tích cực để xuất hiện trên TTCK.

Xin hủy niêm yết để “sống còn” là trường hợp của CTCP Hóa – Dược phẩm Mekophar (HOSE: MKP).

Câu chuyện MKP xuất phát từ quy định của Bộ Công thương, “doanh nghiệp sẽ không được thực hiện quyền phân phối đối với một số hàng hóa, trong đó có danh mục hàng hóa dược phẩm khi có vốn đầu tư nước ngoài”.

Và như thế, MKP đành ngậm ngùi xin hủy niêm yết nhằm hạn chế sự mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, MKP cũng phải đau đầu suy nghĩ cách để mua lại 4.28% vốn điều lệ đang được cổ đông nước ngoài nắm giữ, nhằm giữ lại hoạt động chính của mình.

Trong khi đó, trường hợp hủy niêm yết của CTCP Xây dựng Công nghiệp – Descon (HOSE: DCC) lại hoàn toàn khác biệt. HOSE có quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu DCC với lý do công ty này đã vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.

Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều khả năng đây cũng là mong muốn của ban lãnh đạo DCC, sau động thái thâu tóm “ầm ĩ” của Bình Thiên An cuối năm 2010. Và nếu là sự thật thì rõ ràng đây là tiền lệ xấu mà người chịu thiệt là các cổ đông nhỏ lẻ.

Gần đây, TTCK Việt Nam đã choáng váng trước thông tin bà Huỳnh Thị Huyền Như, thành viên HĐQT của CTCP Chứng khoán Phương Đông (HNX: ORS), có liên quan tới vụ án lừa đảo trên thị trường chứng khoán. Số tiền được đề cập lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Sự việc này đã có ảnh hưởng đến giao dịch của cổ phiếu ORS trong một số phiên; nhưng sau khi giải trình không bị thiệt hại tài chính, giao dịch của ORS trở lại bình thường và “tên tuổi” của CTCK này cũng được nhắc đến thường xuyên hơn trên thị trường.

Sau sóng gió, cổ phiếu ORS được các nhà đầu tư chú ý hơn và có mức giao dịch khá trên sàn nhờ vào yếu tố đầu cơ. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh trong quý 3 của ORS tuy không khởi sắc nhưng cũng không phải tệ so với ngành.

Tuy nhiên, cổ đông nhỏ lẻ lại một lần nữa “rụng rời chân tay” khi đề xuất hủy niêm yết khỏi HNX bất ngờ được đưa ra tại ĐHĐCĐ bất thường và nhanh chóng được thông qua với sự đồng thuận cao nhờ các cổ đông lớn.

Một lý do được xem xét đối với trường hợp hủy niêm yết ở ORS là khả năng sợ bị thôn tính khi cổ phiếu này đang giao dịch ở mức giá rất thấp. Đây có thể là hành động của những cổ động lớn nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Một “nghi án” cũng được giới đầu tư đưa ra là cổ đông lớn muốn nhân cơ hội này để gia tăng nắm giữ cổ phiếu với giá rẻ. Và như vậy, lại một lần nữa cổ đông nhỏ lẻ tiếp tục là người đầu tiên bị thiệt hại.

Ngay sau quyết định này, giao dịch cổ phiếu ORS đã nhanh chóng đi vào bế tắc khi các cổ đông nhỏ lẻ đua nhau “bỏ chạy”.

Đức Nguyễn

Các tin tức khác

>   Chứng khoán đối mặt với nguy cơ “sụp đổ” ? (24/12/2011)

>   "Sống chết mặc bay" (23/12/2011)

>   Đôi chân yếu của TTCK Việt Nam (23/12/2011)

>   “Thần dược” cho thị trường chứng khoán? (23/12/2011)

>   Tuần qua, khối ngoại bán ròng mạnh 588 tỷ đồng trên HOSE (23/12/2011)

>   Dòng tiền “kín tiếng” chảy mạnh (23/12/2011)

>   VIC và VPL: Nghịch lý biến động giá và cơ hội kiếm lời? (23/12/2011)

>   Cổ phiếu ngân hàng được hâm nóng (23/12/2011)

>   23/12: Bản tin 20 giờ qua (23/12/2011)

>   Khối ngoại đang làm gì với cổ phiếu VIC? (22/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật