“Thần dược” cho thị trường chứng khoán?
Việc ban hành Thông tư về quỹ mở được nhiều thành viên coi là “thần dược” để vực dậy TTCK, nhưng một số khác cho rằng, một công cụ tài chính không thể khiến TTCK đảo chiều đi lên.
Huy động quỹ đang khó
Khi Thông tư số 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở được ban hành, nhiều luồng dư luận cho rằng điều này sẽ giúp TTCK có thêm một kênh huy động vốn. Đây sẽ là cơ hội giúp huy động quỹ có thêm lối ra trong bối cảnh nhiều quỹ đóng sắp hết thời hạn trong thời gian tới.
Nhìn một cách dài hạn, các quỹ mở sẽ là một công cụ hữu hiệu để ngành quản lý quỹ của Việt Nam tiếp cận thêm các nguồn vốn mới, vốn ưa thích sự đa dạng, linh hoạt thay đổi theo từng diễn biến thị trường. Đây cũng là cách để hạn chế phần nào nhược điểm hiện tại của quỹ đóng là mức chiết khấu giá trên giá trị tài sản ròng của chứng chỉ quỹ khá lớn.
Nhưng đó là dài hạn. Trong ngắn hạn, để có thể huy động quỹ thành công hoặc giữ chân các quỹ đóng sắp hết hạn, điều quan trọng nhất vẫn là thị trường, chứ không phải là một công cụ mới.
Giám đốc một công ty quản lý quỹ cho biết, công ty ông đang thực hiện huy động quỹ ở nước ngoài đầu tư nhóm DN xây dựng, bất động sản. Dù đã ký được hợp đồng nguyên tắc, nhưng đến thời điểm này, huy động quỹ đầu tư đang khó khăn hơn.
Theo đó, cách đây khoảng gần 6 tháng, định giá tương đối của nhóm DN ngành bất động sản tại Việt Nam rẻ hơn so với tại TTCK mà quỹ huy động khoảng 30%. Tuy nhiên đó là trên cơ sở dự báo năm 2012, tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn.
Nay, các dự báo đều cho rằng, kinh tế năm sau thậm chí còn xấu hơn, chủ trương của Chính phủ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2012, định giá cổ phiếu nhiều DN tiếp tục bị sụt giảm mạnh. Vì thế, theo vị này, dù giá cổ phiếu nhóm này thời gian qua giảm mạnh, nhưng so sánh tương quan với TTCK nơi công ty huy động vốn thì lại đang đắt hơn tới 20%.
Bình luận về tác động của việc đưa quỹ mở vào thực tế đối với TTCK, vị này cho hay: "Một công cụ tài chính không thể khiến TTCK đảo chiều đi lên. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng cổ phiếu. Dài hạn, quỹ mở sẽ thu hút đa dạng hơn các dòng vốn đầu tư, nhưng trong bối cảnh này, quỹ mở không thể là ‘thần dược’ để vực dậy TTCK".
Quỹ mở chỉ thực sự giúp ngành quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được "mở" hơn nếu các điều kiện căn bản của thị trường được cải thiện - Ảnh: Lê Toàn
Quỹ đóng chuyển thành quỹ mở: có dễ?
Về hướng ra cho các quỹ đóng sắp tới hạn, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK cho rằng, Thông tư 183 cho phép quỹ đóng có thể chuyển thành quỹ mở sẽ là một hướng đi. Nhưng...
Hiện tại, các quỹ đang giao dịch trên TTCK đang có mức chiết khấu giá lớn. Quỹ VFMVFA có giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi chứng chỉ quỹ (CCQ) tính theo kỳ báo cáo ngày 15/12 là 7.216 đồng, trong khi đó, giá giao dịch ngày 22/12 là 4.000 đồng/CCQ, tương đương mức chiết khấu 44,56%.
Điều đáng nói là, theo báo cáo tài chính tháng 11/2011, VFMVFA hiện có xấp xỉ 110 tỷ đồng tiền mặt, tương đương lượng tiền mặt trên mỗi CCQ là hơn 4.570 đồng. Trong khi đó, tài sản khác chủ yếu là cổ phiếu niêm yết, tức là dễ chuyển đổi.
Như vậy, liệu NĐT sẽ lựa chọn phương án giải thể quỹ để rút tiền hay chấp nhận chuyển đổi quỹ từ dạng đóng sang mở? Trưởng ban đại diện một quỹ đầu tư cho hay, nếu lấy ý kiến NĐT xin chuyển đổi hình thức hoạt động của quỹ, rất có thể NĐT sẽ xin… giải thể quỹ luôn!
Với mức chiết khấu cao như vậy, việc thuyết phục NĐT chuyển sang quỹ mở đã khó, việc đáp ứng được các điều kiện khác để chuyển đổi cũng khá khắt khe. Muốn chuyển sang quỹ mở, quỹ đóng phải được sự đồng ý của ít nhất 75% NĐT sở hữu CCQ đang lưu hành, có danh mục đầu tư chỉ gồm cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch tại các sở, tiền và tương đương tiền đáp ứng các tỷ lệ hạn chế đầu tư… Trong khi đó, các quỹ hiện tại đều có một lượng trái phiếu, cổ phiếu chưa niêm yết… Muốn chuyển đổi thành quỹ mở, xem ra các quỹ đầu tư sẽ phải chuyển mình khá nhiều.
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|