Thứ Hai, 05/12/2011 14:19

Thị trường liên NH: Bất ổn do đâu?

Cuối tuần qua, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên NH (thị trường 2) bằng VNĐ tiếp tục giảm đối với tất cả kỳ hạn ngắn. Bên cạnh đó, một số NHTM có món nợ lớn trên thị trường 2 đã trả một phần nợ vay sau khi được NHNN hỗ trợ qua hình thức tái cấp vốn. Tuy nhiên, niềm tin trên thị trường 2 vẫn chưa khôi phục khi các NHTM lớn vẫn yêu cầu thế chấp khi vay vốn.

Bất ổn do NHTM?

Trả lời về việc các NH quốc doanh cho vay trên thị trường 2 yêu cầu thế chấp thay vì tín chấp như trước đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng do thông lệ quốc tế quản lý thị trường 2 chặt hơn thị trường 1 (thị trường tín dụng doanh nghiệp, cá nhân).

Vì thị trường 1 mọi thứ đều rõ ràng, mọi tài sản thế chấp như nhà máy, bất động sản, quy mô doanh nghiệp… nằm trong tầm kiểm soát của NH. Nhưng trên thị trường 2 giữa các NH với nhau rất khó kiểm soát thực lực của nhau, nhất là hiện nay việc minh bạch nợ xấu của NH vẫn đang là vấn đề đặt ra.

Vì thế, trước đây các NH cho vay trên thị trường 2 không yêu cầu thế chấp, nhưng giờ yêu cầu này là hợp lý để đưa hoạt động tín dụng ở thị trường này đi vào nề nếp.

NHNN cần can thiệp giúp ổn định thị trường liên NH.

Bình luận về quan điểm này TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng: “Thị trường 2 chỉ để bù đắp cho những thiếu hụt thanh toán tạm thời, chứ không phải để huy động vốn và cho vay ra nền kinh tế. Nếu nói rằng thời gian vừa qua quản lý không chặt thì phải xem lại.

Trước đây, NHNN đã ban hành quy định NHTM huy động vốn trên thị trường 2 không quá 20% vốn huy động trên thị trường dân cư, nhằm hạn chế việc lấy vốn trên liên NH cho vay, đầu tư. Ngoài ra, Thông tư 13 và 19 cũng hạn chế lấy vốn không kỳ hạn để cho vay ra nền kinh tế… Phải chăng thời gian qua NHNN đã buông lỏng lại các quy định này làm vốn tuồn ra nền kinh tế quá nhiều gây nên thiếu vốn, mất thanh khoản?”.

NHNN phải có trách nhiệm

Cũng theo TS. Lê Đạt Chí, các nước phát triển kiểm soát rất chặt dòng vốn ra của hệ thống NHTM và có điều khoản cho NH phá sản. Nếu một NH vay trên thị trường 2 không trả nợ, NH cho vay báo cáo NH trung ương (NHTƯ) và lập tức NHTƯ sẽ thanh tra, giám sát NH này.

Nếu phát hiện có dấu hiệu nguy hiểm như mất khả năng thanh toán, NHTƯ sẽ hạn chế một số nghiệp vụ của NHTM đó, như không được cho vay, hoặc cấm toàn phần tùy theo mức độ. NHTƯ sẽ không trả nợ thay cho NHTM đang mắc nợ, nhưng việc quản lý chặt dòng vốn đầu ra của NHTƯ sẽ giúp NH đang khó khăn có vốn trả nợ NH bạn.

Trong trường hợp cần thiết NHTƯ sẽ là người cho vay cuối cùng trên thị trường, bơm vốn cho NHTM khó khăn hoặc ép cổ đông lớn của NHTM khó khăn phải chuyển nhượng cổ phần cho NHTM khác hoặc cho NHTƯ.

Ở nước ta, điều khoản 59 của Luật NHNN cũng có quy định tương tự là trong một số trường hợp, NHNN có đủ thẩm quyền hạn chế ở một số nghiệp vụ.

Ở cấp độ cao hơn NHNN ép chuyển nhượng một phần vốn của NHTM đang mắc nợ cho người khác và quyền cao nhất, cuối cùng là NHNN được mua lại cổ phần của các NHTM này để sở hữu. Vấn đề là đến nay quy định này dường như đang bị bỏ quên. TS. Lê Đạt Chí cho rằng trong tương lai chắc chắn NHNN sẽ phải vận dụng điều khoản này và các NHTM cũng nên chuẩn bị tinh thần để chủ động đối phó việc này.

Chặn đầu ra, đầu vào sẽ hạ nhiệt

Để hạ lãi suất cho vay ra nền kinh tế, có quan điểm cho rằng phải điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động xuống dưới 14%/năm. Nhưng nhiều ý kiến chuyên gia nhận định giải pháp này chưa giải quyết căn cơ vấn đề lãi suất.

Nếu NHNN quản lý chặt vốn đầu ra của các NHTM, trong đó quản lý chặt chất lượng tín dụng, không để các NHTM tùy tiện bơm vốn ra nền kinh tế, thì theo nguyên tắc “đầu ra” bị chặn “đầu vào” các NHTM không thể chạy đua bằng mọi cách. Vốn bị ứ, lập tức lãi suất trên liên NH sẽ nguội và khi đó các NHTM phải giảm lãi suất cho vay.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động đầu vào nên để các NHTM chủ động, không nên ép như trần. Nếu NHNN điều hành theo trần lãi suất (như đang làm hiện nay), việc giảm trần lãi suất thời điểm này cũng chưa thể đáp ứng giảm lãi suất cho vay như kỳ vọng.

Bởi trước đó giảm lãi suất huy động từ 17-18% xuống 14%/năm, lãi suất cho vay ra nền kinh tế vẫn chẳng rẻ được bao nhiêu. Còn nếu giảm thêm, hệ thống NHTM nói chung sẽ là người được hưởng lợi. Điều đó là không công bằng cho một nền kinh tế.

Hơn nữa, nếu  dùng kỳ vọng lạm phát để nói phải giảm trần lãi suất sẽ càng khiến các NHTM nhỏ khó khăn hơn. Khi đó, niềm tin trên thị trường 2 càng khó khôi phục và đến lúc nào đó gây mất niềm tin cả trên thị trường 1. Một khi người dân đã mất niềm tin, việc lấy lại không dễ.

Thanh Như

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Hợp nhất tăng quy mô ngân hàng, con đường tái cấu trúc (05/12/2011)

>   Nhiều ngân hàng nhỏ có “nội lực” cao (05/12/2011)

>   Tháng 3/2012 sẽ công bố Hệ thống Đường cong lãi suất (05/12/2011)

>   Ông Cao Sĩ Kiêm: Nên sớm giảm lãi suất huy động (05/12/2011)

>   Ngân hàng gỡ khó cho dân đầu tư nhà đất (05/12/2011)

>   Khuyến khích sáp nhập, hợp nhất ngân hàng (05/12/2011)

>   Sáp nhập để mạnh hơn! (04/12/2011)

>   Giá USD tự do giảm mạnh (04/12/2011)

>   Quy chế mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng: Dọn đường? (04/12/2011)

>   Chính sách tiền tệ: Hài hòa và tối ưu hóa lợi ích (04/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật