Hợp nhất tăng quy mô ngân hàng, con đường tái cấu trúc
Chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được phát đi từ NHNN và Chính phủ đã trở thành sự kiện nóng thời gian gần đây. Một trong những phương án là hợp nhất các ngân hàng nhỏ nhằm tăng quy mô, nâng cao năng lực quản trị.
Lãi suất trần huy động về 12%, tốt hay xấu?
Sau khi NHNN quyết liệt đưa trần lãi suất huy động về 14% và tuyên bố sẽ kéo lãi suất cho vay về 17%-19%/năm, những yếu kém và nguy cơ khó khăn về thanh khoản bộc lộ rõ rệt và dường như thường trực với một số ngân hàng. Căn bệnh thiếu thanh khoản này được thể hiện đỉnh điểm khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn ngày có lúc bị đẩy lên 30% thậm chí có thời điểm 40%, bất chấp nhiều ý kiến cho rằng mức lãi suất này chỉ là vài trường hợp đặc biệt.
Đến nay, theo NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng giảm và ổn định hơn. Tuy nhiên, các thông tin gần đây lại cho rằng lãi suất cho vay có khả năng sẽ được đưa về dưới 14% và ở mức khoảng 12%/năm. Điều này dấy lên lo ngại căn bệnh cũ về thanh khoản sẽ có dịp tái phát khi mà người dân thờ ơ với việc gửi tiền và tìm kiếm cơ hội sang các kênh khác như vàng hoặc ngoại tệ… nhất là khi thời điểm cuối năm đang đến gần và nhu cầu rút tiền càng cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm trực diện nhìn vào việc giảm lãi suất xuống 12% sẽ khiến huy động vốn khó khăn thì có một số góc nhìn khác về “ngụ ý” phía sau của thông tin này. Có ý kiến cho rằng việc áp cơ chế trần lãi suất thấp là một trong những liệu pháp để NHNN đưa các ngân hàng đến gần hơn với chủ trương tái cấu trúc, mà điểm đến là phải tự nguyện sáp nhập hoặc hợp nhất ngân hàng, tạo nên những ngân hàng lớn hơn, bền vững hơn.
Tái cơ cấu ngân hàng, mục tiêu trọng điểm
Tại các phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nêu rõ quan điểm và lộ trình chi tiết về việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại. Chủ trương này cũng được Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI xác định trước đó. Theo đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được xem một trong 3 nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế.
Đến nay, cụm từ “tái cấu trúc ngân hàng” vẫn luôn là chủ đề nóng được mổ xẻ không chỉ trong nghị trường quốc hội mà cò có sự tham gia của các chuyên gia trong ngành. Nhiều quan điểm cho rằng nên cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các đơn vị nhỏ để có một chủ thể mới với quy mô lớn, uy tín hơn, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.
Số lượng các ngân hàng Việt Nam đã lên đến 62, trong đó có 38 ngân hàng thương mại cổ phần và chưa kể hàng chục tổ chức tài chính khác. Nhiều ý kiến cho rằng với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam thì số lượng như vậy là quá nhiều. Theo quy định, đến cuối năm 2011 thì các ngân hàng phải đảm bảo vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHNN cũng có dự thảo sẽ buộc các ngân hàng có vốn tối thiểu 5.000 tỷ vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015. Điều này sẽ gây áp lực lớn đối với các ngân hàng nhỏ nếu duy trì như hiện nay.
Hợp nhất ngân hàng, con đường tái cấu trúc
Mục tiêu lớn mạnh và phát triển an toàn, hiệu quả là định hướng của nhiều ngân hàng từ khi ra đời. Để đạt được mục tiêu đó trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì phải chọn con đường tái cấu trúc toàn diện, từ bên trong mỗi ngân hàng đến tái cấu trúc toàn hệ thống. Ông Đặng Thành Tâm – đại biểu quốc hội và cũng tham gia hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng ủng hộ chủ trương này đồng thời cho rằng, theo mô hình phát triển bền vững, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng là chủ trương hết sức cần thiết và đúng đắn.
Theo nhiều chuyên gia, tái cấu trúc ngân hàng theo con đường hợp nhất, sáp nhập lại với nhau là khó tránh khỏi và không có gì quá nặng nề. Nhận định đây là hoạt động nhạy cảm nhưng hết sức quan trọng, Thống đốc NHNN khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội đã nêu rõ: “Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là việc làm bình thường, không phải do quá yếu kém nên phải tái cơ cấu”. Có thể hiểu rằng tái cơ cấu ngân hàng do nước ta đang sang giai đoạn phát triển mới và hệ thống tài chính cần phát triển mạnh hơn, đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho nền kinh tế.
Rõ ràng, NHNN hay Chính phủ đều rất quyết tâm trước chủ trương này và không loại trừ việc sẽ có những ngân hàng nhỏ, quy mô tổ chức ít phức tạp được cho phép thí điểm hợp nhất trước nhằm “kiểm tra” mức ảnh hưởng khi tái cấu trúc các ngân hàng. Một bước đi đúng đắn nhưng vẫn cần thận trọng, con đường tái cấu trúc toàn hệ thống vẫn còn gian nan phía trước.
Xuân Anh - Tường Châu
Vietpress
|