Nợ công làm 6 triệu người châu Âu mất việc làm
Ủy ban châu Âu vừa công bố báo cáo tình hình việc làm và phát triển xã hội năm 2011, theo đó, cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã làm 6 triệu người châu Âu mất việc làm.
|
Người dân xếp hàng dài trước một trung tâm giới thiệu việc tại Madrid. (Ảnh: Getty Images) |
Trong số những người không có việc làm, đối tượng bị thất nghiệp dài hạn chiếm đến 40% và sẽ còn tiếp tục tăng. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chiếm đến 25% trong 10/27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó tại Tây Ban Nha lên đến 50%.
Tình trạng thất nghiệp đối với vị trí có mức lương trung bình trong ngành công nghiệp chế biến, xây dựng và công trình công cộng là nghiêm trọng nhất. Tình trạng mất việc làm của nhóm này làm gia tăng khoảng cách tiền lương giữa những người lao động, khiến tình trạng bất bình đẳng thêm trầm trọng.
Thêm vào đó, trong tình hình việc làm khó khăn, người lao động phải có trình độ đào tạo nghiệp vụ thật sự cao để có thể tiếp cận được những loại việc làm mới được trả lương cao. Hậu quả, người lao động nghèo tăng lên nhanh chóng.
Cũng theo báo cáo trên, số người châu Âu có nguy cơ lâm cảnh nghèo và bị đẩy ra bên lề xã hội hiện lên đến 114 triệu người, tức chiếm 1/4 dân số của châu lục. Trong số đó, 40% người đã trên tuổi lao động, nghiêm trọng nhất là đối với người trên 75 tuổi. Đối với người trong độ tuổi lao động, có đến 8% có nguy cơ chìm sâu trong cảnh túng quẫn. Nguy cơ lâm cảnh nghèo đối với các gia đình có con cao hơn gấp hai lần so với gia đình không con.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến hiện tượng di cư và cho rằng, hiện tượng này đã góp phần quan trọng trong việc tái cấu trúc thị trường lao động châu Âu. Dù bị hạn chế từ năm 2004, nhưng lượng lao động di cư vẫn tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện tình hình đã bớt căng thẳng do lượng di cư chững lại bởi khủng hoảng, nhất là di cư đến những nước bị khủng hoảng nặng nề nhất.
Ủy ban châu Âu cho rằng các nước khu vực cần phải có cách tiếp cận chính trị mới trước sự bấp bênh nghiêm trọng này của thị trường lao động châu Âu. Để làm được điều đó, cần phải xem xét lại tận gốc rễ hệ thống phúc lợi xã hội và thuế khóa./.
Vietnam+
|