CEO mới của UBS: Chưa thuyết phục nhà đầu tư
Sau khi thông tin Sergio Ermotti được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc UBS, giá cổ phiếu UBS đã giảm tới 2,9% trên sàn giao dịch Zurich vào ngày 15.11.
|
Ngày 15.11, Hội đồng Quản trị UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đã chính thức bổ nhiệm Sergio Ermotti vào vị trí Tổng Giám đốc (CEO). |
Ngày 15.11, Hội đồng Quản trị UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đã chính thức bổ nhiệm Sergio Ermotti vào vị trí Tổng Giám đốc (CEO). Ông Kaspar Villiger, Chủ tịch Hội đồng Quản trị UBS, đánh giá Ermotti là “nhà lãnh đạo bẩm sinh” và đã giành được sự tín nhiệm của Hội đồng Quản trị và nhân viên trong 2 tháng tạm thời thay Oswald Grübel, người đã từ chức vào ngày 24.9. Và ông tin rằng Ermotti sẽ thực hiện thành công kế hoạch tái cấu trúc, đưa ngân hàng này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Tuy nhiên, giới phân tích lại nghĩ khác. Theo chuyên gia phân tích Christopher Wheeler, thuộc Mediobanca SpA, sau 2 tháng tạm thời thay Grübel, Ermotti vẫn chưa thuyết phục được nhà đầu tư rằng ông là người phù hợp cho vị trí CEO. Thực tế cho thấy, sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu UBS đã giảm tới 2,9% trên sàn giao dịch Zurich vào ngày 15.11.
Thừa hưởng một ngân hàng khó khăn
Ermotti thừa hưởng một ngân hàng vẫn chưa qua khỏi khó khăn. Cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến những vụ đặt cược của UBS vào các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp Mỹ bị phản pháo, đưa ngân hàng này đối mặt với mức lỗ nặng nề nhất trong lịch sử doanh nghiệp Thụy Sĩ (Từ giữa năm 2007 đến 2009, UBS đã lỗ 28 tỉ franc Thụy Sĩ (CHF) sau khi ghi giảm hơn 50 tỉ CHF giá trị tài sản các chứng khoán thế chấp dưới chuẩn). Tháng 2.2009, UBS đã mời Oswald Grübel - người đưa Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, lội ngược dòng năm 2006 - về giữ vị trí Tổng Giám đốc để vực dậy UBS. Và chỉ sau 6 tháng tại nhiệm, UBS đã bắt đầu sinh lãi trở lại và Grübel đã ngăn được làn sóng rút vốn của các khách hàng cá nhân giàu có trước việc Chính phủ Mỹ cáo buộc UBS giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế.
Ông cũng tiến hành cắt giảm việc làm và giảm mức độ chấp nhận rủi ro trong các vụ đặt cược của UBS. Năm 2009, ông đã đặt mục tiêu đạt 15 tỉ CHF lợi nhuận trước thuế vào năm 2014. Để đạt được mục tiêu này, ông đã bành trướng mảng thu nhập cố định, tăng thêm số nhân viên tại bộ phận ngân hàng đầu tư và chấp nhận nhiều rủi ro hơn.
Nhưng những đặt cược lớn của Ngân hàng vẫn không đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho bộ phận ngân hàng đầu tư. Lợi nhuận trước thuế của bộ phận này đã giảm còn 375 triệu CHF trong quý II/2011, từ mức 1,31 tỉ CHF cùng kỳ năm trước, trong khi tỉ lệ chi phí/thu nhập cũng đã tăng lên mức 86% trong quý.
Chưa hết, tháng 9.2011, Kwedu Adoboli, chuyên viên giao dịch của UBS tại London, đã bị bắt do giao dịch trái phép. Vụ bê bối khiến bộ phận ngân hàng đầu tư lỗ 2,3 tỉ USD. Kết thúc quý III/2011, bộ phận này đã bị lỗ 650 triệu CHF. Kết quả là Grübel buộc phải từ chức vào cuối tháng 9 vừa qua. Giới phân tích và nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi năng lực kiểm soát nội bộ của UBS. Trong khi đó, Ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi bóng ma của các khoản lỗ dưới chuẩn và những tai tiếng từ các cáo buộc trốn thuế của Mỹ.
“Ngân hàng này đang trong tình trạng hỗn loạn”, Wheeler, thuộc Mediobanca Securities, nhận định. Và thách thức của Ermotti cũng nằm ở đó.
Thách thức từ ngân hàng cá nhân
Ông Ermotti cho biết sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tái cấu trúc còn dở dang của Grübel. Một phần của kế hoạch là giảm quy mô của bộ phận ngân hàng đầu tư để thích ứng với các thị trường tài chính đang biến động (do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu) và cũng là để đáp ứng các quy định mới về hoạt động rủi ro trong Hiệp ước Basel III. Điều này là sự quay đầu 180 độ đối với UBS, vốn đã bỏ ra hàng tỉ USD vào các thương vụ M&A và các khoản đầu tư lớn để xây dựng một bộ phận ngân hàng đầu tư có thể cạnh tranh với các tổ chức tài chính lớn nhất Phố Wall. “Mảng ngân hàng đầu tư sẽ đi theo hướng tập trung, ít tốn kém hơn”, Ermotti nói. UBS dự kiến sẽ cắt giảm thêm nhiều việc làm ở mảng ngân hàng đầu tư. UBS dự kiến sẽ cắt giảm 145 tỉ CHF (158 tỉ USD) các tài sản có rủi ro cao thuộc bộ phận ngân hàng đầu tư vào năm 2016 nhằm đáp ứng quy định Basel III.
Đối với Ermotti, việc giảm quy mô ngân hàng đầu tư không có gì xa lạ. Sau khi gia nhập UniCredit (Ý) với vai trò là người đứng đầu mảng ngân hàng đầu tư năm 2005, ông đã nỗ lực bành trướng bộ phận mình phụ trách để cạnh tranh với các tổ chức chứng khoán đứng đầu thế giới. Thế nhưng, sự sụp đổ của thị trường nợ dưới chuẩn và cuộc khủng hoảng tín dụng đã buộc Ermotti phải thu hẹp quy mô và quay trở lại tập trung vào các thị trường truyền thống của UniCredit gồm Đức, Ý, Phần Lan và Áo.
Dưới sự lãnh đạo của Ermotti, UniCredit đã thiết lập được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay doanh nghiệp, mặc dù vẫn chật vật trong mảng tư vấn sáp nhập. Theo số liệu của Bloomberg, năm 2010, UniCredit không hề nằm trong nhóm 20 nhà tư vấn sáp nhập hàng đầu tại các thị trường truyền thống của mình.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất và trước mắt của Ermotti không phải nằm ở bộ phận ngân hàng đầu tư. Kế hoạch tái cấu trúc của UBS còn có một nội dụng quan trọng: đó là tái tập trung vào mảng ngân hàng cá nhân, chiếm tới khoảng 41% doanh thu của Ngân hàng.
Trong suốt giai đoạn khủng hoảng tín dụng, trong khi UBS đang lo giải quyết mớ bòng bong pháp lý với phía Mỹ về các vụ trốn thuế cùng với khoản lỗ dưới chuẩn khổng lồ thì các đối thủ như Bank of America và Morgan Stanley đã nhanh chóng qua mặt trong mảng ngân hàng cá nhân. Những đối thủ này không ngừng bành trướng về quy mô thông qua các thương vụ M&A. Và nay với vụ bê bối mang tên Adoboli, UBS đã và đang hứng chịu sự dè chừng, hoài nghi của nhóm khách hàng giàu có đối với năng lực kiểm soát nội bộ của Ngân hàng.
Tuy nhiên, theo Villiger, Chủ tịch UBS, ưu thế của Ermotti là “ông ấy rất được lòng khách hàng và là người có sức hút mạnh mẽ”. Ông tin rằng, Ermotti sẽ lấy lại được niềm tin của các khách hàng giàu có đối với dịch vụ ngân hàng cá nhân của UBS.
Thế nhưng, có sức hấp dẫn vẫn chưa đủ. Theo giới phân tích, cái mà Ermotti thiếu chính là kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Theo Dirk Becker, chuyên gia phân tích tại Kepler Capital Markets, khi UBS đặt mục tiêu tập trung phát triển bộ phận ngân hàng cá nhân thì việc chỉ định một nhà điều hành chỉ có kinh nghiệm trong mảng ngân hàng đầu tư vào vị trí CEO không phải là lựa chọn lý tưởng. Ông cho rằng, phẩm chất ở Ermotti khiến cho Hội đồng Quản trị quyết định bổ nhiệm ông chỉ vì ông có quốc tịch Thụy Sĩ và có kinh nghiệm trong mảng ngân hàng toàn cầu tại UniCredit cũng như 16 năm làm việc tại Merrill Lynch & Co.
Thực ra, Ermotti cũng có phụ trách mảng ngân hàng cá nhân tại UniCredit, vốn quản lý 139,7 tỉ euro (190,7 tỉ USD) tài sản khách hàng tính đến cuối năm 2010. Tuy nhiên, bộ phận này chưa bằng 1/8 của UBS trong cùng thời gian trên. Trước đó, ông đã đặt mục tiêu tăng tài sản quản lý của khách hàng lên 198 tỉ euro trong năm 2010, nhưng đã không đạt được.
Sắp tới, Ermotti sẽ phải chứng tỏ rất nhiều để thuyết phục mình là người xứng đáng.
Ngô Ngọc Châu (Theo BW và WSJ)
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|