Thứ Ba, 06/12/2011 15:24

147 công ty đang kiểm soát thế giới

Một khảo sát của các nhà khoa học Thụy Sĩ đã lật tẩy sơ đồ quyền lực của các tập đoàn tài chính thuộc nhóm chóp bu đang kiểm soát toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Các nhà khoa học đã khẳng định những lo ngại tồi tệ nhất của những người “Chiếm lấy Phố Wall” khi họ xuống đường chống lại quyền lực tài chính. Thật vậy, kết quả khảo sát của các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ ở Zurich (EHTZ) về các quan hệ của 43.000 tập đoàn xuyên quốc gia đã cho thấy kinh tế toàn cầu đang nằm trong tay một nhóm nhỏ 147 công ty, chủ yếu là các ngân hàng.

Ý tưởng về một nhóm nhỏ ngân hàng đang kiểm soát kinh tế thế giới là không có gì mới mẻ đối với những nhà hoạt động “Chiếm lấy Phố Wall”. Thế nhưng, nghiên cứu của EHTZ là cuộc khảo sát thực tế đầu tiên cho thấy một mạng lưới quyền lực như thế. James Glattfelder, một trong ba nhà nghiên cứu Thụy Sĩ, nhấn mạnh: “Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên thực tế”.

147 công ty kiểm soát 40% giá trị kinh tế

Khai thác cơ sở dữ liệu Orbis 2007, trong đó thống kê 37 triệu công ty và nhà đầu tư khắp thế giới, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ này đã lọc ra 43.000 công ty đa quốc gia cùng những hoạt động đầu tư vốn lẫn nhau.

Trong báo cáo, EHTZ mô tả “các tập đoàn xuyên quốc gia hình thành nên một cấu trúc hình chiếc nơ, trong đó phần lớn sự kiểm soát thuộc về một nhóm nhỏ các tập đoàn tài chính nằm ở nút thắt trung tâm”. Các nhà nghiên cứu lại lọc ra hơn 1.300 công ty thuộc nhóm trung tâm, trong đó mỗi công ty có trung bình 20 mối quan hệ sở hữu với ít nhất hai công ty khác. Họ nhận thấy càng đi vào trung tâm của mạng lưới, sự tập trung quyền lực càng lớn.

Theo đó, 737 tập đoàn của nhóm này, thông qua mạng lưới sở hữu cổ phần lẫn nhau, đang kiểm soát đến 80% doanh thu của các công ty xuyên quốc gia toàn cầu. Vào sâu hơn, 40% giá trị kinh tế của tất cả các công ty đang bị một một nhóm nhỏ gồm 147 công ty nắm giữ. 3/4 các công ty thuộc nhóm trung tâm là các tập đoàn tài chính, gồm các ông lớn như Barclays Bank, JPMorgan Chase hay Goldman Sachs.

Về nguyên tắc, sự chênh lệch quyền lực thường tương đồng với sự khác biệt thu nhập giữa các công ty. Báo cáo của EHTZ lại cho thấy một nghịch lý: một nhóm nhỏ các siêu tập đoàn đang nắm giữ gấp 10 lần quyền lực so với số tài sản mà họ có. “Phần lõi này có thể được coi như một siêu thực thể kinh tế, đang đặt ra những vấn đề lớn cho cả những người nghiên cứu và các chính trị gia” - báo cáo viết.

Nguy cơ của quyền lực tập trung

Các chuyên gia kêu gọi cần tiếp tục nghiên cứu cấu trúc này để tìm hiểu những nguy cơ mà nó có thể gây ra đối với sự ổn định tài chính và sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Một số ý kiến cho rằng việc ước định quyền lực dựa trên số tài sản mà các công ty nắm giữ không hẳn là chính xác bởi nhiều công ty thuộc nhóm trung tâm là các tập đoàn đầu tư và không thật sự sở hữu số tiền họ quản lý. Nhưng chuyên gia kinh tế vĩ mô John Driffill thuộc Đại học London (Anh) nhấn mạnh giá trị của báo cáo nằm ở việc nó cung cấp một cái nhìn sâu hơn về sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Về sự ổn định tài chính, các mối quan hệ sở hữu chằng chịt dù giúp các công ty đa dạng hóa các rủi ro nhưng cũng tạo ra nguy cơ sụp đổ dây chuyền khi một tập đoàn gặp trục trặc. EHTZ cho biết các mối quan hệ sở hữu thường đi kèm với quan hệ tài chính. Như thế giới đã từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng năm 2008, “nếu một công ty gặp rắc rối, nó sẽ lây lan sang các công ty khác” - ông Glattfelder nhận định.

Ngoài ra, sự liên kết giữa các công ty trung tâm nắm giữ quyền lực có thể đe dọa đến sự cạnh tranh trên thị trường. Chuyên gia Dan Braha thuộc Viện Hệ thống phức New England lo ngại các tập đoàn này sẽ không cạnh tranh với nhau mà liên kết vì lợi ích chung. Một số nghiên cứu trước đó cũng cho thấy một hệ thống liên kết nhỏ ở tầm quốc gia đã có thể gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực như hàng không, xe hơi hay thép. Thậm chí, EHTZ cho biết quyền lực của các tập đoàn tài chính còn có thể gây ảnh hưởng lên chính trị, chẳng hạn mức độ tham nhũng của một nước hay các chính sách về thuế...

Trần Phương (Theo New Scientist, Forbes, PlosOne)

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   10 CEO có tài khuynh đảo cục diện doanh nghiệp (04/12/2011)

>   Nguồn gốc ngày thứ sáu đen tối ở Mỹ (27/11/2011)

>   CEO mới của UBS: Chưa thuyết phục nhà đầu tư (23/11/2011)

>   Địa ốc làm tỷ phú giàu nhất Ireland 2008 phá sản (15/11/2011)

>   Nokia bị chính quyền Romania tịch thu tài sản (13/11/2011)

>   Số phận tài sản của những tỷ phú già (12/11/2011)

>   Tổng Giám đốc mỹ phẩm Avon "lâm nạn" (09/11/2011)

>   Mỹ: Người già giàu gấp 47 lần người trẻ (08/11/2011)

>   10 CEO Mỹ được tăng thù lao nhiều nhất (07/11/2011)

>   G20: Giải pháp nào để giải quyết khủng hoảng nợ? (03/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật