Mỹ công bố giá bán lẻ xăng năm 2012
Hôm qua (6/12), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, tổ chức này dự đoán giá bán lẻ xăng tại Mỹ vẫn duy trì ở các mức hiện nay hoặc thấp hơn cho tới đầu mùa xuân năm 2012 thì mới có chiều hướng đi lên.
Cụ thể, theo nội dung báo cáo về triển vọng giá dầu trong ngắn hạn của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, giá xăng bán lẻ năm 2012 ở Mỹ trung bình ở mức 3,45 USD cho mỗi gallon. Một gallon tương đương với 3,78 lít.
Phiên giao dịch đêm qua, giá các mặt hàng năng lượng chốt ở mức cao. Giá xăng hợp đồng tháng 1/2012 tăng 3 xu, lên 2,65 USD/gallon. Dầu sưởi giao cùng kỳ hạn cũng tăng được 3 xu, tương ứng 1% lên 3,02 USD/gallon.
Trên phân khúc dầu thô, phần lớn thời gian giao dịch trong ngày, giá mặt hàng này tăng giảm với các bước sóng nhỏ, nhưng nhờ sự đi lên của chứng khoán và USD giảm nhiệt, nên chốt phiên, giá dầu theo chiều hướng tăng.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 6/12, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 tăng 29 xu, tương ứng 0,3%, lên 101,28 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York.
Hôm qua, các tin tức từ châu Âu vẫn theo chiều hướng bất lợi, tác động mạnh tới tâm lý của giới đầu tư trên các thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng hy vọng cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần sẽ xoay chuyển “càn khôn”.
Trước đó, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s cho biết đã đặt mức xếp hạng của 15 nền kinh tế Khu vực đồng Euro vào tầm ngắm. Điều này cũng có tác động tới thị trường năng lượng, nhưng sức ảnh hưởng không quá lớn.
Tom Bentz, quan chức của BNP Paribas ở New York cho biết, thị trường đang dao động giữa xu hướng tích cực và tiêu cực, không biết đi về đâu. “Chúng tôi đang mắc kẹt giữa một loạt tin tức xung đột nhau về tình hình đồng Euro”.
Tuy nhiên, hôm qua, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã giảm nhẹ xuống mức 78,579 điểm, từ mức 78,654 điểm trong phiên liền trước. USD giảm giá đã giảm bớt sức ép lên giá dầu.
Cũng liên quan tới thị trường năng lượng, phát biểu tại hội nghị dầu mỏ thế giới hôm 5/12, Qatar tái khẳng định rằng, phong trào "Mùa xuân Arập" sẽ không làm gián đoạn các nguồn cung năng lượng từ các quốc gia Vùng Vịnh.
Làn sóng nổi dậy tại một số nước Arab đã làm giảm mạnh sản lượng của Libya, gián đoạn xuất khẩu khí đốt của Yemen và dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ đối với Syria. Tuy nhiên, sản lượng của cả khu vực không bị tác động.
Cùng ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali Naimi cho biết sản lượng dầu thô của nước này hiện vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày, đồng thời cam kết Saudi Arabia sẵn sàng bù đắp mọi sự thiếu hụt nguồn dầu trên thị trường.
Diệp Anh
tbktvn
|