Vẫn sản xuất hàng trăm ngàn tấn xăng A83/năm
Dù không có cây xăng nào bán xăng A83 nhiều năm nay, song mỗi năm vẫn có đến vài trăm ngàn tấn xăng này được Sài Gòn Petro sản xuất.
Tại buổi giao ban tháng 11 của bộ Công thương sáng 5.12, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) báo cáo xung quanh vụ việc "treo biển xăng A92 nhưng bán xăng A83".
Dù không có cây xăng nào bán xăng A83 nhiều năm nay, song hiện mỗi năm vẫn có đến vài trăm ngàn tấn xăng này được sản xuất, chủ yếu tại phía Nam.
Theo bà Đàm Thu Huyền, phó tổng giám đốc Petrolimex, chuyến kiểm tra 55 cửa hàng, đại lí bán lẻ của Petrolimex mà bà vừa thực hiện thì không có cửa hàng Petrolimex vi phạm, vì các cửa hàng Petrolimex không kinh doanh xăng A83. “Tuy nhiên, có một cửa hàng tư nhân lấy xăng từ đầu mối Petrolimex vi phạm, nhưng doanh nghiệp này thừa nhận số xăng kém chất lượng lại được lấy hàng bên ngoài vào chứ không phải từ đại lí của Petrolimex”, bà Huyền nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: hiện tượng các cây xăng treo biển xăng A92 song lại pha xăng A83 thì phải kiên quyết rút giấy phép kinh doanh tại mặt bằng đó, và đây là trách nhiệm của bộ Công thương. Ông Hoàng cũng giao trách nhiệm cho cục Quản lí thị trường phối hợp các doanh nghiệp đầu mối tăng cường kiểm tra, doanh nghiệp đầu mối kiểm tra hệ thống đại lí của mình chặt hơn nữa.
Phó giám đốc sở Công thương TP.HCM Huỳnh Khánh Hiệp cho hay, sở đã mời tổng đại lý, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu họp và đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kiểm tra nghiêm ngặt các đại lí của mình. “Đối với doanh nghiệp vi phạm về chất lượng, sở đã tập hợp kiến nghị báo cáo bộ Công thương và Tài chính, sẽ rút giấy phép 6 tháng các đơn vị vi phạm”, ông Hiệp thông tin.
Bà Đàm Thu Huyền nhìn nhận, hiện vẫn tồn tại xăng A83 mà không có kiểm tra thường xuyên. Bà dẫn chứng, sáu tháng trước, Petrolimex nắm được thông tin tại Thanh Hóa và Nghệ An có phát hiện xăng kém chất lượng nhưng do không phải đại lí của Petrolimex nên không có căn cứ để xử lí. Cũng theo bà, do chênh lệch mỗi lít xăng A83 và A92 là 500 đồng/lít - là không đủ bù chi phí vận tải nên loại xăng này chủ yếu xuất hiện tại phía Nam, chứ chưa thấy xuất hiện tại khu vực phía Bắc.
Còn theo thứ trưởng Tú, dù không có cây xăng nào bán xăng A83 nhiều năm nay, song hiện mỗi năm vẫn có đến vài trăm ngàn tấn xăng này được sản xuất, chủ yếu tại phía Nam. “Bộ Công thương đã nhiều lần kiến nghị không cho sản xuất xăng A83 nhưng các bộ không đồng ý”, ông Tú nói.
Điều này, theo bộ trưởng Hoàng, là điều kiện để các doanh nghiệp lợi dụng, dẫn đến tình trạng gian lận, treo biển xăng A92 nhưng pha chế xăng A83 như thời gian qua tại TP.HCM. Bộ trưởng chỉ đạo thứ trưởng Tú, vụ Thị trường trong nước tiếp tục đề nghị các bộ thống nhất ngừng sản xuất xăng A83.
Tuy vậy, ông Hoàng cũng lưu ý, do nhà máy của Sài Gòn Petro được đầu tư tốn kém để chưng cất khí ngưng tụ của tập đoàn Dầu khí nhằm sản xuất xăng A83 nên cần báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh (đơn vị chủ quản của Sài Gòn Petro) để có phương án xử lí phù hợp.
Chí Hiếu (ghi)
sài gòn tiếp thị
|