Lại đòi nâng hoa hồng đại lý xăng dầu
Thừa nhận quản lý xăng dầu đang có nhiều vấn đề thuộc về trách nhiệm của các bộ ngành, nhưng tại cuộc họp giao ban tháng vào hôm qua 5.12, lãnh đạo Bộ Công thương lại lên tiếng “minh oan” cho Petrolimex, và cho rằng cần tăng chiết khấu hoa hồng đại lý.
Đại lý lấy xăng ở đâu cũng được
Liên quan đến câu chuyện 11 doanh nghiệp (DN) xăng dầu tại TP.HCM vi phạm về chất lượng xăng dầu mới đây, bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Petrolimex khẳng định, việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi hiện nay rất khó bị phát hiện. Theo quy định, xăng A83 không được sử dụng trong các phương tiện giao thông, nhưng hiện không hề có sự kiểm tra thường xuyên các đại lý, cửa hàng bán xăng dầu cũng như các DN sản xuất loại xăng này.
Theo bà Huyền, sau khi vụ việc xảy ra, Petrolimex đã kiểm tra hệ thống cửa hàng tại TP.HCM, phát hiện một đại lý vi phạm. Đại lý này cũng đã thừa nhận lấy hàng bên ngoài về bán. Chưa có thống kê số lượng xăng A83 còn lưu hành trên thị trường, bản thân Petrolimex không kinh doanh xăng này nên cũng không thể nắm rõ để kiểm tra, kiểm soát.
Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết đã yêu cầu các DN kiểm tra lại mạng lưới đại lý. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, mấu chốt vấn đề ở chỗ có quá nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu. Gian lận xăng dầu xuất phát từ việc một cửa hàng có thể lấy xăng từ nhiều nguồn khác nhau. Dù Bộ không cho sản xuất xăng A83, nhưng lượng sản xuất hằng năm vẫn khoảng vài trăm tấn.
Hiện chỉ còn Saigon Petro sử dụng khí ngưng tụ connesat của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) để chưng cất A83, nhưng DN này lại trực thuộc quản lý của TP.HCM. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu Sở Công thương TP.HCM kiến nghị thành phố chuyển sản phẩm này sang lĩnh vực khác phù hợp, hoặc ngừng sản xuất, nhất quyết không đưa xăng A83 ra thị trường.
“Đây là trách nhiệm của Bộ Công thương vì Bộ Khoa học - Công nghệ chỉ xử lý chất lượng, do vậy nếu còn gian lận thương mại kiểu này trong kinh doanh xăng dầu là do lỗi điều hành của chúng ta”, ông Hoàng nói.
Ông Tú cho rằng, theo quy định xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn. Trường hợp đại lý lấy xăng dầu từ đầu nguồn kém chất lượng thì đầu nguồn chịu trách nhiệm. Nếu đại lý lấy xăng từ hai nguồn khác nhau là vi phạm Nghị định 84 và phải bị xử lý.
Mập mờ chiết khấu
Một bất cập khác trong kinh doanh xăng dầu cũng được chỉ ra là những mập mờ trong chiết khấu, hoa hồng cho đại lý. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, các DN xăng dầu hiện còn khó khăn, chi phí kinh doanh, thù lao cho đại lý không còn phù hợp với thực tế. Dù Bộ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính nhưng chưa thay đổi được.
Ông Hoàng dẫn giải, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ yêu cầu bình ổn giá, đảm bảo kinh doanh thì chỉ Petrolimex và PV Oil thực hiện đúng mặc dù lỗ. Còn lại nhiều DN đầu mối, đại lý liên tục đòi ép giá, rất nhiều đại lý ép tăng hoa hồng, dọa và thực tế đã đóng cửa, một số đầu mối thì hạn chế nhập khẩu nhưng Bộ chưa có hình thức xử lý nghiêm. Bộ Công thương sẽ tiếp tục gửi công văn đến Bộ Tài chính đề nghị thay đổi mức chi phí kinh doanh, vì 600 đồng/lít như hiện nay là quá thấp.
Theo bà Huyền, việc Bộ Tài chính thổi còi 516 tỉ đồng vượt chi phí kinh doanh do Petrolimex chiết khấu hoa hồng sai quy định là “oan” cho DN.
Tiếp nối ý kiến này, Thứ trưởng Tú cũng lên tiếng báo động hệ thống xăng dầu cả nước đang hoạt động rất không ổn định, chủ yếu là vấn đề hoa hồng cho đại lý. Đẩy trách nhiệm qua Bộ Tài chính, ông Tú cho rằng, Bộ Công thương chỉ quản lý về nguồn, tham gia về giá nên không thể giải quyết được vấn đề định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí hoa hồng mà phải có Bộ Tài chính cùng giải quyết.
Phải để các DN xăng dầu tự cạnh tranh
Bộ Công thương yêu cầu tăng chi phí hoa hồng đại lý là xuất phát từ quyền lợi các DN kinh doanh xăng dầu. Nếu tăng định mức chiết khấu cho đại lý, đương nhiên giá xăng sẽ phải đội lên, chỉ người tiêu dùng gánh chịu.
Để biết định mức chi phí hiện tại là cao hay thấp phải thẩm định, kiểm toán. Có thể giao cho cơ quan quản lý giá trực thuộc Bộ Tài chính phụ trách. Tuy nhiên, phải để các DN xăng dầu tự cạnh tranh, DN nào không chịu được thì phải rút. Khi đó, các DN để sống được sẽ phải nâng cao khả năng quản trị, tiết giảm các chi phí phát sinh thừa, chiết khấu, hoa hồng đại lý sẽ tự điều chỉnh bằng thị trường, hiện nay vẫn là cơ chế xin cho. (TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội) |
Mai Hà
Thanh Niên
|