Lạm phát mục tiêu và khả năng áp dụng tại Việt Nam
Chưa thể chuyển đổi ngay sang cơ chế lạm phát mục tiêu toàn phần, song trong điều kiện hiện nay Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng hình thức lạm phát mục tiêu ngầm định ngay từ 2012.
Nhận định này đã được đưa ra tại kết quả nghiên cứu “Lạm phát mục tiêu và hàm ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt Nam” của nhóm tác giả Tô Thị Ánh Dương, Bùi Quang Tuấn, Phạm Sỹ An, Dương Thị Thanh Bình, Trần Thị Kim Chi (Viện Kinh tế Việt Nam).
Được triển khai trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), kết quả của nghiên cứu này đã được công bố sáng nay (19/12), cùng hai nghiên cứu khác về tỷ giá hối đoái và các chỉ tiêu giám sát tài chính.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc dự án, đây là ba vấn đề nóng nhất hiện nay của kinh tế vĩ mô Việt Nam. “Mong rằng kết quả dự án sẽ không nằm trong ngăn kéo mà mà sẽ lan tỏa rộng rãi, có đóng góp tích cực vào hoạt động hoạch định chính sách”, ông Phúc nói.
Ở nghiên cứu về lạm phát mục tiêu, các tác giả cho rằng duy trì lạm phát thấp và ổn định nên trở thành mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời phải gắn liền với nâng cao hiệu quả các chính sách về cơ cấu kinh tế.
Theo TS Tô Thị Ánh Dương, lạm phát mục tiêu có thể được mô tả như một cơ chế điều hành chính sách tiền tệ dựa trên nền tảng sử dụng việc dự báo lạm phát làm chỉ số mục tiêu trung gian. Ngân hàng Trung ương sẽ dự báo xu hướng lạm phát năm tới để đưa chỉ số lạm phát mục tiêu (định hướng bằng một chỉ số hoặc một khoảng biên độ) cho năm kế hoạch mà không có trách nhiệm thực hiện bất cứ chỉ tiêu nào khác. Trong giới hạn của mình, Ngân hàng Trung ương có thể linh hoạt lựa chọn và sử dụng các công cụ để đạt một mục tiêu duy nhất - đó là chỉ số lạm phát mục tiêu.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, đối với Việt Nam việc hướng tới chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu là phù hợp với Chiến lược phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam, theo đó xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại có nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát lạm phát để ổn định tiền tệ và giám sát để đảm bảo hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, để đưa ra áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu thành công tại Việt Nam, cần đáp ứng 8 điều kiện. Trong đó, điều kiện thứ nhất, ổn định giá cả phải là mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ.
Những điều kiện tiếp theo cũng đặt ra không ít thách thức với ngân hàng Trung ương. Nhất là phải có khả năng dự báo lạm phát kỳ vọng thật tốt.
"Tuy nhiên, tại Việt Nam ngay cả việc tính toán CPI cũng còn nhiều hạn chế", nhóm nghiên cứu nhận xét.
Nghiên cứu cũng dẫn kinh nghiệm các nước áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu cho thấy, đa số các nước áp dụng khuôn khổ lạm phát mục tiêu hoàn toàn (full – fledged inflation targeting -FFIT) vào thời điểm kiềm chế lạm phát thành công, chỉ số lạm phát đang giảm xuống.Do đó, việc thực thi chính sách đã tạo niềm tin cho công chúng vào khả năng của Ngân hàng Trung ương trong việc đạt được mục tiêu lạm phát thấp và ổn định.
Trong khi đó, mức lạm phát tại Việt Nam từ năm 2004 tới nay biến động phức tạp, áp lực lạm phát ngày càng tăng. Bởi vậy, trong thời điểm hiện tại Ngân hàng Trung ương chưa thể áp dụng được ngay chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu hoàn toàn. Mà khởi đầu, Việt Nam có thể áp dụng lạm phát mục tiêu ngầm định (ngân hàng Trung ương có thể thảo thuận với Chính phủ về việc thực hiện lạm phát mục tiêu mà không cần công bố cho toàn thể công chúng).
Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, các nghiên cứu nói trên sẽ được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội cùng các cơ quan thụ hưởng dự án, như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Nguyên Vũ
TBKTVN
|