Chính sách tốt xin đừng bắt chờ lâu
Bộ chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đây thực sự là một sự kiện lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Tại buổi gặp mặt với cộng đồng doanh nghiệp ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)ngày 17/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn manhj Trong lịch sử 81 năm của Đảng, lần đầu tiên chúng ta có một nghị quyết về phát huy vai trò doanh nhân, Vai trò của doanh nhân đã và đang được đánh giá ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước.
Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 09-NQ/TW, cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á.
Con số thống kê từ VCCI một lần nữa cho thấy sự phát triển nhanh chóng và đóng góp to lớn của doanh nhân và sự phát triển của đất nước. Đến nay, cả nước đã có trên 2 triệu doanh nhân. Cho đến nay, khu vực doanh nghiệp đã đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút được 7,4 triệu lao động, chiếm 81,7% lực lượng lao động phi nông nghiệp, hay 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội.
Tuy phát triển nhanh chóng nhưng điểm yếu lớn nhất của các DN Việt Nam là quy mô nhỏ bé, hiệu quả hoạt độngh thấp, khả năng quản trị yếu và năng lực cạnh tranh quốc tế rất thấp.
Chính vì thế, trong Nghị quyết đã nêu ra các nhiệm vụ cụ thể đế phát triển đội ngũ doanh nhân là tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân. Trong đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư. Khuyến khích tư nhân góp vốn vào các doanh nghiệp nhà nước. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, xoá bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, xã hội hoá đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, nhất là thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế vùng và địa phương.
Đặc biệt, xây dựng các cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh.
Cụ thể hơn, Nghị quyết đã giao Chính phủ xây dựng chương trình hành động; chuẩn bị đề án đào tạo phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2020; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2020.
Tiếp cận với Nghị quyết và đối thoại với Tổng bí nhiều doanh nhân cho rằng, Nghị quyết đã bao quát được những vấn đề lâu nay giới này mong muốn và kiến nghị. Tuy nhiên, đây là những chủ trương và mục tiêu chung, việc cụ thể hóa Nghị quyết thông qua các chương trình, kế hoạch, các chính sách sát sườn với sự sống còn của doanh nghiệp cần được đẩy nhanh hơn. Không nên để doanh nghiệp chờ lâu và đó chính là cách hỗ trợ thiết thực nhất trong cho DN trong giai đoạn khó khăn.
Nói ra vấn đề này, không phải các doanh nhân thiếu niềm tin mà thực tế đã rất nhiều chính sách, kế hoạch hỗ trợ, ưu đãi dành cho doanh nghiệp, doanh nhân cho đến các quy định, thủ tục liên quan đến kinh doanh đề ra nhưng chậm thực hiện. Thậm chí là không được như mục đích ban đầu.
Một trong những trông đợi lớn nhất của các DN Việt Nam là một đề án tổng thể hỗ trợ các DNNVV giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư ban hành đã từ rất lâu... nhưng cho đến nay nó cũng chỉ mới ở giai đoạn cuối của việc soạn thảo. Và sẽ còn một chặng đường dài đề được ban hành, cụ thể hóa các chính sách.
Ngay cả ở cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp và doanh nhân là VCC cũng đã từng đề xuất một đề án đào tạo và phát triển đội ngũ doanh nhân từ nhiều năm trước. Nhưng đến nay xem ra nó gần như đã không còn được nhiều người nhớ đến.
Cụ thể và gần đây nhất là chính sách về ưu đãi phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã không đi được như ý muốn ban đầu. Việc ra đời chính sách này không chỉ kéo dài, quá chậm mà từ một đề án tổng thể khá lớn ban đầu nó đã bị "ngót" dần và được chính sách doanh nghiệp cho rằng với những điều chỉnh co hẹp dần thì sẽ khó tác động để tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực mà Việt Nam rất mong đợi này.
Mới đây nhất, đầu tháng 12/2011, cộng đồng các nhà đầu tư và các nhóm tư vấn cho vấn cho Việt Nam đã lên tiếng khá mạnh mẽ trong việc Việt Nam chậm cải thiện môi trường đầu tư và đang đặt mình vào thế mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Những lĩnh vực chậm cải cách cũng đã được chỉ ra như: đất đai, thủ tục hành chính, bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn lực...
Từ chuyện lớn cho đến những chuyện nhỏ hơn, cho đến hôm nay, sau rất nhiều nỗ lực, cá thủ thuế, hải quan, vay vốn, giấy phép con... vẫn đang là một câu chuyện lớn của doanh nghiệp Việt Nam... Tất cả những điều đó khiến cho những kỳ vọng về một môi trường phát triển của DN và trưởng thành của doanh nhân chưa được như mong muốn.
Trên lộ trình phát triển, doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam đang cho thấy sự nỗ lực lớn để vươn lên cũng như bộc lộ những tiềm năng và khát vọng vươn xa. Những nỗ lực đó đã được ghi nhận và sự ra đời của Nghị quyết lần nay chính là một dấu ấn khẳng định. Đi cùng với sự ghi nhận và khẳng định này, Nghị quyết mới được chính các doanh nhân mong đợi là một động lớn thúc đẩy, tạo ra sự thay đổi trong xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân. Để không còn tình trạng chính sách nhưng phải chờ như thời gian qua.
Lê Khắc
Diễn đàn kinh tế việt nam
|