Kinh tế Việt Nam: Trễ pha với thế giới
Nếu với nền kinh tế Âu - Mỹ, năm 2012 có thể được xem như thời gian bắt đầu sự phục hồi chậm chạp, thì với nền kinh tế Việt Nam, khoảng thời gian đó chỉ vừa đủ để lấy lại một phần đã mất mát trong năm nay.
Những cái nhìn mới
Những chuyên gia có tiếng tăm đang bắt đầu thay đổi cách nhìn về nền kinh tế thế giới trong năm 2012.
Gần đây nhất, Mark Mobius, lãnh đạo của quỹ Franklin Templeton đã đưa ra một tuyên bố "Khủng hoảng châu Âu không tồi tệ như người ta tưởng". Ông cũng dự báo cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ kết thúc vào tháng 6/2012.
Nhận định này của Mobius là có ý nghĩa, nếu xét đến những đánh giá khá bi quan của chính ông vào giữa năm 2011.
Sau 8 tháng ngập chìm trong mớ bòng bong với bộn bề lo âu, cuối cùng thì thế giới cũng nhìn ra được một vài tín hiệu phục hồi.
Trong vài tháng qua, một đốm sáng đang được duy trì là thị trường bất động sản của Mỹ. Lượng nhà mới khởi công tăng lên khá đều, trong khi số nhà bị cầm cố lại giảm dần. Tuy giá nhà chưa tăng, nhưng những dấu hiệu của thị trường này cho thấy mặt bằng giá chung khó có thể giảm hơn nữa.
Thị trường nhà đất Mỹ là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của kinh tế Mỹ ít ra trong thời gian trung hạn.
Mặt khác, những dấu hiệu có thể phục hồi của thị trường nhà đất Mỹ cũng có thể mang tính kích thích, ít nhất về mặt tâm lý, cho thị trường nhà đất các quốc gia mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Còn trên bình diện tổng quát, nếu như Hy Lạp, không còn là mối lo quá lớn của Cộng đồng châu Âu, trong khi Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và cả Pháp thực hành chính sách thắt lưng buộc bụng thành công, có hy vọng cho cả nền kinh tế châu Âu sẽ thoát khỏi những khó khăn căn bản trong năm sau.
Đó cũng là một thuận lợi không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Phụ thuộc vào châu Âu và cả Mỹ trong vấn đề xuất khẩu, các ngành thủy sản, dệt may, da giày... của nước ta sẽ khó duy trì được thị trường xuất hàng nếu Tây Âu không tiếp tục mở cửa.
Trong khi đó, Mỹ với tư cách là đầu tàu của kinh tế thế giới, đã nhận được những dự báo khả quan hơn khá nhiều so với hồi giữa năm 2011. Bloomberg, một hãng truyền thông lớn với cuộc thăm dò vào đầu tháng 12/2011, đã phát đi kết quả: 2/5 người được khảo sát (chiếm 41%) nhận định Mỹ là một trong những thị trường sẽ hoạt động tốt nhất vào năm sau. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Bloomberg tiến hành cuộc khảo sát này từ tháng 10/2009. Cùng lúc, khoảng 39% nói nền kinh tế Mỹ đang cải thiện. Con số này tăng gần gấp bốn lần so với cuộc khảo sát cách đây ba tháng.
Cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu Mỹ, là tài sản được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư. Khoảng 2/5 người tham gia khảo sát xem chứng khoán là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất trong năm tới. 43% cho biết sẽ tăng đầu tư vào cổ phiếu trong sáu tháng tới. Con số này cao hơn con số 39% trong cuộc khảo sát tháng 9/2011.
Các nhà đầu tư cũng tin tưởng hơn vào triển vọng kinh tế toàn cầu. Chỉ 33% nhà đầu tư nói kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm sau, giảm 10% so với cuộc khảo sát cách đây ba tháng. 54% cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi. Tỷ lệ nhà đầu tư dự đoán tương tự trong tháng 9 là 68%.
Kinh tế Việt Nam: Trễ pha?
Hiện thời, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đang dao động trong vùng 10.600-12.200 điểm. Một yếu tố rất đáng chú ý là từ tháng 9/2011 đến nay, chỉ số này đã không phá vỡ ngưỡng dưới, trong khi đang thể hiện xu thế đi ngang.
Thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian 4 tháng qua cũng đan xen giữa các thông tin tốt và xấu. Nhưng khác với tháng 8, trong thời gian qua nhà đầu tư chứng khoán không sẵn sàng bán ra nữa. Những phiên giao dịch đầy kịch tính đã cho thấy cứ mỗi khi có thông tin tốt, chỉ số lại lập tức tăng mạnh. Chính điều này cũng tạo ra kích thích rất đáng kể cho sự phục hồi tạm thời của các chỉ số chứng khoán châu Âu.
Rất có thể nhà tỷ phú Warren Buffett đã có lý khi quỹ của ông đã liên tục mua vào đến 15 tỷ USD cổ phiếu từ tháng 4/2011 đến nay. Trong cách nhìn của Buffet, năm 2012 sẽ là thị trường giá lên, vì thế hiện thời vẫn là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.
Ở một thái cực khác, thị trường vàng quốc tế đang có những diễn biến tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán Mỹ. Giá vàng sau khi đạt đỉnh cao 1.920 USD/oz, đã chưa từng một lần vượt qua đỉnh này từ tháng 8/2011 đến nay.
Tính quy luật có thể tạm kết luận trong thời gian 5 tháng qua là giá vàng thế giới biến thiên tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu, nhưng với tỷ lệ tăng ít hơn và giảm lại mạnh hơn. Ngược lại với đà giữ ngang của giá cổ phiếu, vàng lại đang dần bị đánh giá như một thứ tài sản rủi ro. Tỷ lệ nhà phân tích và nhà đầu tư cho rằng trong ngắn hạn vàng có thể tăng đến 2.000 USD/oz đang giảm dần, trong khi số người lo ngại giá vàng sẽ giảm về vùng 1.500 USD/oz, thậm chí dưới cả mức này đang tăng lên.
Với xu hướng bán vàng liên tục của quỹ ủy thác vàng SPDR, có thể nhận ra các tổ chức đầu tư đang tìm cách tái cơ cấu danh mục và thay đổi chiến thuật đầu tư. Sau một thời gian phải bán vàng để bù lỗ cho cổ phiếu bị sụt giá, giờ đây các nhà đầu tư dường như đang nhắm đến việc mua vào cổ phiếu nhiều hơn để chuẩn bị cho một chu tăng điểm mới vào năm 2012.
Nhưng với thị trường chứng khoán Việt Nam, năm 2011 lại hoàn toàn là một nghịch lý so với các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng đình lạm, với tỷ lệ lạm phát kết thúc năm ở mức 18% và nhiều ngành sản xuất, kể cả kinh doanh lâm vào đình đốn, chứng khoán không phải là một ngoại lệ.
Nếu với nền kinh tế Âu - Mỹ, năm 2012 có thể được xem như thời gian bắt đầu sự phục hồi chậm chạp, thì với nền kinh tế Việt Nam, khoảng thời gian đó chỉ vừa đủ để lấy lại một phần đã mất mát trong năm nay.
Nói cách khác, kinh tế Việt Nam đang vận động trễ pha so với kinh tế Mỹ và châu Âu.
Thế nhưng cho tới thời điểm cuối năm 2011, vẫn chưa có bất kỳ một tín hiệu nào cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hưởng ứng với tương lai tăng trưởng của chứng khoán thế giới.
Trong khi đó, tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn là một ẩn số.
Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|