Thứ Năm, 22/12/2011 16:21

Thủ tướng: Năm 2012 không thể chủ quan

Phát biểu trước phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 22/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, "năm 2012 không thể chủ quan. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Vẫn còn khả năng lạm phát cao sẽ quay trở lại".

* Năm 2012, giám sát chặt DN kinh doanh xăng dầu và điện

* Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ

Chủ trì hội nghị triển khai công việc với các tỉnh và bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp nêu các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung năm tới.

Bội chi đã giảm so với nhiều năm

Thủ tướng khẳng định, phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn trong nước và quốc tế sẽ tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của năm 2012.

Theo đó, trên thế giới, tình hình đang diễn biến rất khó lường và cũng rất khó để dự báo chính xác. Như dự báo chung của các tổ chức tài chính quốc tế, kinh tế thế giới 2012 sẽ khó khăn hơn, tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn năm 2011. Trong khi đó, vẫn chưa thể biết tác động của khủng hoảng nợ công như thế nào và ảnh hưởng đến đâu.

Thủ tướng: Vẫn còn khả năng lạm phát cao sẽ quay trở lại

Thủ tướng lưu ý, tình hình kinh tế thế giới tăng chậm lại như vậy sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đều sẽ gặp khó.

Tình hình trong nước cũng có nhiều diễn biến khác nhau.

Theo Thủ tướng, năm 2011 Chính phủ đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ, chẳng hạn kiềm chế lạm phát. CPI tháng 12 tăng 0,53%. Như vậy, tính chung cả năm, chỉ số lạm phát được kiềm chế ở mức 18%. Chỉ số giá như vậy cũng cho thấy, trong sáu tháng liên tục, Chính phủ đã kiềm chế được lạm phát như mục tiêu đề ra và đây sẽ là đà để tiếp tục kiểm soát lạm phát năm tới. Chỉ số nhập siêu năm nay ở mức 10%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Bội chi ngân sách cũng giảm so với nhiều năm, ở mức 4,9% GDP. Tỷ giá cơ bản đã giữ được ổn định. Lãi suất cũng theo chiều hướng giảm. Tăng trưởng kinh tế cũng xấp xỉ khoảng 6%, như dự báo. An sinh và phúc lợi xã hội cũng được đảm bảo. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm. Chính phủ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, đảm  bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Kéo lạm phát xuống 9%

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo bộ ngành, địa phương nghiêm túc nhìn nhận các hạn chế, yếu kém và những thách thức mới. Nên phân tích kỹ bối cảnh trong nước và quốc tế để đưa ra mục tiêu phù hợp.

Hiện, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, đe dọa mất ổn định và rất phức tạp. Vẫn còn khả năng lạm phát cao sẽ quay trở lại. Sản xuất đang gặp khó khăn do Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát. Sản xuất công nghiệp có chiều hướng chậm lại.

Năm 2012 phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. "Bây giờ là lúc không thể chủ quan được. Không phải cứ thấy 6 tháng chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm xuống mà bằng mọi cách đưa tiền ra để thúc đẩy tăng trưởng là không được", Thủ tướng nói. Ưu tiên hàng đầu vẫn là giảm lạm phát theo hướng phải kéo xuống dưới 10%. Chính phủ tính toán các mặt và phấn đấu lạm phát năm tới giảm xuống còn khoảng 9%.

Ngoài ra, phải kiểm soát bằng được nhập siêu ở mức 10% như năm nay. Giữ cho tỷ giá ổn định cũng là một việc làm rất có ý nghĩa.

Khó khăn thứ hai phải đối mặt là giảm bội chi ngân sách. Đầu năm 2011, Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi xuống còn 5,3% GDP. Nhưng thực tế, tỷ lệ này đã được kiểm soát ở mức 4,9%. Do đó, nhiệm vụ năm tới là đưa mục tiêu xuống 4,8%. Để giảm bội chi, Chính phủ sẽ phải tiếp tục cắt giảm đầu tư công. Ngân sách dành cho đầu tư công năm tới là 180 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, tranh thủ thêm các nguồn khác.

Phương án tăng trưởng mà Chính phủ lựa chọn là chỉ tăng khoảng 6% GDP, nếu điều kiện thuận lợi có thể nhích lên 6,5%. Theo Thủ tướng, cần tháo gỡ khó khăn đề duy trì và tạo mới công ăn việc làm cho người lao động.

Nhiệm vụ cuối cùng là tập trung tái cấu trúc.

Theo Thủ tướng, "gần đây, trên báo và các hội nghị ai cũng thuộc lòng câu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có năng suất và sức cạnh tranh cao hơn. Nhưng bắt đầu từ đâu, ai làm và làm thế nào? Chính phủ đã thảo luận và trình Trung ương, Quốc hội, và xác định sẽ phải làm toàn diện, lâu dài, là quá trình vận hành liên tục của sự phát triển".

Trọng tâm của tiến trình tái cấu trúc là tái cơ cấu đầu tư công, sao cho đầu tư công đạt hiệu quả và giảm dần bội chi. Đi kèm là nâng cao hiệu quả đầu tư công, phải có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực khác để nền kinh tế đạt hiệu quả cao hơn. Thứ hai, tập trung tái cơ cấu DNNN để DNNN làm tốt vai trò định hướng thị trường, làm tốt hơn nhiệm vụ so với nguồn lực được đầu tư, đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định mục tiêu cải cách hành chính, chống tham nhũng và đảm bảo an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ hy vọng sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương cho mục tiêu chung, để Nghị quyết kinh tế xã hội 2012 được thông qua tại hội nghị và nhanh chóng được triển khai vào đầu năm tới.

Lê Nhung

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Năm 2012, giám sát chặt DN kinh doanh xăng dầu và điện (22/12/2011)

>   CPI tháng 12 tăng 0,53%, cả năm tăng 18,12% (22/12/2011)

>   Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ (22/12/2011)

>   Kinh tế 2012: Sáng sủa hơn hoặc bằng 2011 (22/12/2011)

>   Dân văn phòng 'đua' buôn đất cuối năm (22/12/2011)

>   Bình Định cân nhắc kỹ dự án nhiệt điện (21/12/2011)

>   Thực phẩm đẩy CPI của TPHCM tháng 12 tăng 0,73% (21/12/2011)

>   “Công thức” độc quyền (21/12/2011)

>   Nhật đầu tư 1.636 dự án tại Việt Nam (20/12/2011)

>   WB công bố kế hoạch hợp tác 5 năm tới với Việt Nam (20/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật