Năm 2012, giám sát chặt DN kinh doanh xăng dầu và điện
Trong năm 2012, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá như xăng dầu, điện, than… để xác định đúng lãi lỗ, thúc đẩy công khai, minh bạch.
Đây là một trong những giải pháp Chính phủ nêu trong dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Tài liệu này vừa được cung cấp cho các đại biểu dự Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai các nhiệm vụ KTXH năm tới theo nghị quyết của Quốc hội (QH).
Dự thảo Nghị quyết nêu 7 nhóm giải pháp chủ yếu sẽ phải thực hiện trong năm 2012 để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu QH đã quyết nghị tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, trong đó có nhóm nhiệm vụ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Giảm tỷ lệ nợ xấu
Để thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ xác định 4 nhóm giải pháp chính như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; và khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển KTXH năm tới được Chính phủ nêu trong dự thảo Nghị quyết, như GDP tăng khoảng 6 - 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, tỷ lệ nhập siêu khoảng 11 - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. |
Trong điều hành tiền tệ, sẽ thực hiện giảm mặt bằng lãi suất và tỷ lệ nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng ở mức 15 - 17%; tăng cường quản lý ngoại hối; thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát thị trường ngoại tệ và vàng…
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch thông tin của thị trường ngoại tệ và vàng; có giải pháp phù hợp để quản lý, kiểm soát được luân chuyển vốn, tín dụng giữa các thị trường này.
Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than, nước sạch…; dự báo tác động do biến động giá của các mặt hàng này đối với chỉ số giá tiêu dùng để có giải pháp kiểm soát phù hợp.
Thí điểm tái cơ cấu tài chính một số tập đoàn nhà nước
Trong dự thảo, Chính phủ nêu rõ các giải pháp cụ thể thực hiện tái cơ cấu kinh tế và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan chủ trì thực hiện.
Đơn cử, trong thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì tăng cường kiểm soát, giám sát thực hiện các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tỷ lệ về an toàn hoạt động ngân hàng; bảo đảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn; giảm tỷ lệ nợ xấu, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro; bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết là trong cơ quan nhà nước, thu thuế, phí dịch vụ điện, điện thoại, nước.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước. Thí điểm lựa chọn tái cơ cấu tài chính một số tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước.
Đáng chú ý, Bộ này sẽ phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của các tập đoàn, TCT nhà nước, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá như xăng, dầu, điện, than… để xác định đúng lãi lỗ, thúc đẩy công khai, minh bạch.
Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay nợ, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, phá sản do không trả được nợ. “Kiên quyết thực hiện việc giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả, mất vốn nhà nước”, dự thảo Nghị quyết nêu rõ.
Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các tập đoàn, TCT nhà nước được giao tiết giảm 5 - 10% chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, TCT nhà nước.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 22 - 23.12.2011 tại Hà Nội với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bảo Cầm
THANH NIÊN
|