“Khó nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước”
Bà Sri Muliani Indrawati, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) - người từng làm Bộ trưởng tài chính Indonesia những năm khủng hoảng 1990 - đã nhận định như thế tại cuộc họp báo ngày 3-12-2011 ở Hà Nội, khi nói về tái cơ cấu kinh tế với ba trọng tâm là đầu tư công, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đó là một nhận định rất đáng suy ngẫm.
Chưa tái cơ cấu tư duy trong thực tế
“Tái cơ cấu” có nghĩa là sửa cơ cấu hiện có, bao giờ cũng khó hơn tạo cơ cấu mới, nên lĩnh vực nào cũng đều không dễ. Nhưng tại sao tái cơ cấu DNNN là khó nhất?
Cải cách (hay đổi mới) DNNN ở ta bắt đầu từ đầu thập niên 1990. Qua 20 năm, đã áp dụng nhiều biện pháp (cổ phần hóa, bán, khoán, giao, lập ra các tổng công ty 90-91, rồi đến các tập đoàn kinh tế…); đã sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm nhiều lần; đã sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp quy liên quan, kể cả Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp nhà nước. Vậy mà DNNN bây giờ vẫn còn có mặt trong danh mục “tái cơ cấu”, tức vẫn ở trong trạng thái phải tiếp tục cải cách, tiếp tục đổi mới. Thực tế đó cho thấy, nếu cứ loay hoay mãi về cách làm, về biện pháp, thì không thể xoay chuyển được tình thế, mà phải quay lại từ nhận thức chiến lược, từ tư duy chỉ đạo.
Văn kiện các đại hội Đảng trước Đại hội XI đã định hướng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nước ta là kinh tế thị trường nhiều thành phần, các thành phần đều quan trọng, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, cũng trong văn kiện các đại hội Đảng này, cụm từ “DNNN giữ vai trò chủ đạo” luôn được nhấn mạnh (thực tế là được ưu ái). Vì thế biện pháp cải cách DNNN, dù chỉnh đi sửa lại, vẫn chỉ xoay quanh tư duy là tạo điều kiện cho DNNN đóng được vai trò chủ đạo. Thế là câu chữ “các thành phần đều quan trọng, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh” thực tế bị vô hiệu hóa.
Nhiều nhà kinh tế đã coi đó là “sự nuông chiều làm hư DNNN”. Cải cách DNNN bao năm cũng không vượt nổi sự bảo trợ này. Phải tới Đại hội XI, Đảng mới mở rộng và xác định lại “vai trò chủ đạo” này, tức là bắt đầu đột phá vào điểm khó nhất. Song cần nhớ rằng đó mới chỉ đột phá trên văn bản. Để biến tư duy mới này thành chính sách, biện pháp đủ sức biến cải hiện thực, còn có rất nhiều việc phải làm.
Doanh nghiệp nhà nước là công cụ phát triển
Hơn nữa, xét theo trình độ kinh tế và mức độ hội nhập đã khá phát triển sâu rộng hiện nay, mục tiêu tái cơ cấu DNNN không phải chỉ là DNNN “bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh” với doanh nghiệp ngoài nhà nước, mà DNNN phải là động lực, là chỗ dựa của toàn bộ nền kinh tế.
Nghĩa là, những lĩnh vực nào bức thiết cho phát triển kinh tế và xã hội mà doanh nghiệp ngoài nhà nước không đủ sức làm hoặc không muốn làm thì DNNN phải ghé vai gánh vác. Những lĩnh vực nào mà doanh nghiệp ngoài nhà nước đủ sức làm, muốn làm và làm tốt, thì phải sẵn sàng nhường sân, bởi còn rất nhiều “nút cổ chai” như thế. Tính chất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cần được hiểu là mọi doanh nghiệp đều có lợi trong phát triển kinh tế. Với vai trò động lực, Nhà nước không ưu ái DNNN, mà sử dụng DNNN như một công cụ phát triển, coi đó là bản chất của Nhà nước và của kinh tế nhà nước.
Thế nhưng hội nghị tổng kết cải cách DNNN vừa qua vẫn tập trung thảo luận về mặt biện pháp (như mở rộng cổ phần hóa, hoàn thiện các tổng công ty, tập đoàn…), trong khi những vấn đề thuộc tầm tư duy, những nhận thức cơ bản (như nội hàm khái niệm “tái cơ cấu”, những giống nhau và khác nhau giữa tái cơ cấu hiện nay với cải cách DNNN trước đây, mục tiêu và nội dung tái cơ cấu kinh tế với ba trọng tâm của nó…) hầu như chưa được đề cập.
Cần minh định các nội dung tái cơ cấu
Khó nhất của tái cơ cấu DNNN còn bắt nguồn từ tính tổng hợp, đan xen của nó với tái cơ cấu các lãnh vực khác. Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, Quốc hội và Chính phủ mới khẳng định ba trọng tâm tái cơ cấu là đầu tư công, ngân hàng, và DNNN. Lý thuyết chỉ rõ ba mặt của cơ cấu kinh tế: cơ cấu ngành nghề (sản phẩm), cơ cấu thành phần kinh tế (sở hữu), cơ cấu vùng kinh tế (địa lý kinh tế).
Về mặt cơ cấu ngành nghề, vấn đề phải đặt ra là định hướng mở rộng (hay thu hẹp) ngành nào. Vậy là tái cơ cấu DNNN trùng lắp, đan xen với tái cơ cấu đầu tư công, trong đó có vấn đề giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về chống lạm phát. Về mặt tái cơ cấu sở hữu, chắc không đơn giản là thu hẹp khu vực nhà nước. Một khi nền kinh tế đã chuyển thành kinh tế thị trường, với sự xuất hiện của kinh tế dân doanh, kinh tế nhà nước tất thu hẹp tương đối, nhưng chưa chắc đã thu hẹp tuyệt đối. Bởi bên cạnh những DNNN được cổ phần hóa, sẽ có những DNNN mới, những công ty cổ phần có vốn nhà nước mới được thành lập.
Ở đây lại xuất hiện mối tương quan giữa tái cơ cấu sở hữu với tái cơ cấu ngành nghề. Trong tái cơ cấu DNNN, vấn đề cổ phần hóa có vị trí rất quan trọng và gần đây lại được nói đến nhiều. Ấy vậy mà khái niệm cổ phần hóa đến nay cũng chưa thật sự minh định. Vẫn có quan chức còn nói rằng nước ta có cổ phần hóa, nhưng không có tư nhân hóa, hoặc coi công ty cổ phần có vốn nhà nước từ 51% trở lên là DNNN. Những nhận thức như vậy không khỏi ghi dấu tiêu cực trong cơ chế quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Những điều nêu trên chỉ là những thí dụ cho thấy vấn đề nhận thức và tư duy về tái cơ cấu kinh tế chưa được quan tâm, mà đó mới là những vấn đề khó nhất, không nên né tránh.
tbktsg
|