Thứ Hai, 26/12/2011 09:24

Giải mã cổ phiếu lớn mất giá

10 cổ phiếu vốn hóa lớn giảm là nguyên nhân khiến thị trường “tăng tốc” rơi tuần qua. NĐT nước ngoài bán tháo là nguyên nhân và cũng là cơ sở dự báo đà giảm còn tiếp tục.

Theo thống kê của ĐTCK, 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE hiện nay có giá trị vốn hóa là 305.034,38 tỷ đồng, chiếm 64,19% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Trong 50 phiên trở lại đây, 10 cổ phiếu này giảm bình quân 11,74% giá trị (toàn thị trường giảm 13,3%), trong đo, có những cổ phiếu giảm giá mạnh như VNM (-29,5%), CTG (-26,5%), BVH (-23,3%). So với mức đỉnh trong một năm trở lại đây, hầu hết cổ phiếu mất giá tới hơn 30%. Động thái bán ròng của khối NĐT nước ngoài là nguyên nhân chính.

Ghi nhận trong từng phiên giao dịch, tác động của khối NĐT nước ngoài là khá rõ nét trên những cổ phiếu có vốn hóa lớn. Điều này thể hiện ở tổng giá trị mua vào của họ đối với 10 cổ phiếu vốn hóa lớn là 2.989 tỷ đồng, trong khi bán ra tới 3.295 tỷ đồng trong 50 phiên gần đây. Tổng khối lượng bán ra là 73,823 triệu cổ phiếu, gấp gần 1,6 lần khối lượng mua vào là 47,121 triệu cổ phiếu.

Tính chung, khối ngoại đã rút ròng hơn 306 tỷ đồng từ 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường này. Nếu so với con số bán ròng 380,982 tỷ đồng của khối ngoại trên toàn thị trường, thì 10 cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm tới 80,5% lượng giao dịch.

Theo thống kê, "room" của NĐT ngoại tại 10 doanh nghiệp lớn nêu trên là 1,305 triệu cổ phiếu, tương đương 14,67% tổng số lượng cổ phiếu lưu hành. Tuy nhiên, ngoại trừ một số cổ phiếu hiếm hoi như MSN, EIB, VCB được NĐT ngoại quan tâm mua vào, các cổ phiếu khác đều bị bán ra khá mạnh.

Có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đang phải chịu một đợt rút vốn từ các tổ chức nước ngoài, nhất là những quỹ đầu tư ETF. Nếu như TTCK toàn cầu suy giảm chung thì TTCK Việt Nam lại là một trong những nơi chịu sự suy giảm mạnh nhất.

Câu chuyện các quỹ đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam gặp áp lực phải thoái vốn không phải là mới. Ngay từ đầu năm, những thông tin về việc một số quỹ quyết định thoái vốn sau khi họp đại hội NĐT đã dấy lên những lo ngại về tình trạng này.

Theo CTCK Wall Street, thông thường quy luật tháng 12, TTCK Việt Nam thường có sự chờ đợi động thái nâng đỡ các chỉ số Index nhằm làm đẹp NAV trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư tài chính. Tuy nhiên, thị trường tài chính toàn cầu có nhiều bất ổn, khiến giá trị danh mục của các quỹ đầu tư mất giá mạnh.

Làn sóng rút vốn từ các TTCK mới nổi (trong đó có Việt Nam) đã diễn ra đồng loạt ở các quỹ đầu tư nước ngoài để bù đắp cho những khoản đầu tư trong nước của họ. Bên cạnh đó, mô hình các quỹ đầu tư trên TTCK Việt Nam chủ yếu là các quỹ đóng, hiện đang đứng trước áp lực phải giải thể hoặc thoái vốn do kết thúc thời hạn hoạt động và kinh doanh không hiệu quả. Vì vậy, động thái chính của khối NĐT nước ngoài là bán ròng cổ phiếu từ đầu tháng 11 đến nay.

Mới đây, ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, UBCK khẳng định, con số 24.000 - 25.000 tỷ đồng có thể được rút ra khỏi TTCK Việt Nam đăng tải trên một số phương tiện thông tin là không chính xác.

Nhưng thời điểm một loạt quỹ đóng đến thời điểm tất toán danh mục đầu tư khi thời hạn kết thúc hoạt động (2012 - 2013) không còn xa. Việc các quỹ mở được phép ra đời cho phép các quỹ đóng hiện nay chuyển đổi thành quỹ mở, tuy nhiên, liệu TTCK Việt Nam có còn đủ hấp dẫn với NĐT nước ngoài?

Theo ông Fiachra Mac Cana, chuyên gia của CTCK HSC, hiện tại, thị trường giảm điểm trong bối cảnh áp lực bán ra mang tính kỹ thuật vẫn còn rất mạnh. Áp lực bán ra cùng lúc xuất phát từ nhiều nguồn, bao gồm điều chỉnh danh mục đầu tư, nâng tỷ lệ tiền mặt do áp lực từ khả năng rút vốn của các quỹ (một số quỹ đang dần đến ngày phải gia hạn).

Áp lực bán ra còn đến từ các NĐT trong nước trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng và chứng khoán đang diễn ra, dẫn đến việc giải chấp nhiều cổ phiếu đã được mua bằng tiền vay ký quỹ và bán ra các cổ phiếu mua bằng tiền tự có.

Nhiều CTCK nhỏ đang đứng trước áp lực phải nâng tỷ lệ tiền mặt để trả nợ và đảm bảo an toàn tiền gửi khách hàng. Những áp lực bán ra này gồm cả áp lực ngắn hạn (điều chỉnh danh mục đầu tư) và áp lực trung hạn (áp lực rút vốn của các quỹ đầu tư và áp lực giải chấp để nâng tỷ lệ tiền mặt). Trước những áp lực này, nhiều NĐT vẫn có tâm lý đứng ngoài thị trường.

Nguyễn Quang

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đáy chứng khoán phụ thuộc vào… thâu tóm doanh nghiệp? (26/12/2011)

>   CTCK: Chết vì dễ dãi và tùy tiện (26/12/2011)

>   Bi kịch chứng khoán: “Âm mưu và tình yêu” (26/12/2011)

>   Triệu phú chứng khoán Việt giảm một nửa trong năm 2011 (26/12/2011)

>   Bản tin đầu tuần: Những ý kiến trước thềm 2012 (26/12/2011)

>   Năm 2012 sẽ có giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán (25/12/2011)

>   “Tội nghiệp các nhà đầu tư” (25/12/2011)

>   Tết này nhà đầu tư... “ăn” gì? (24/12/2011)

>   Nhìn lại những vụ bê bối chứng khoán năm 2011 (Phần 2) (24/12/2011)

>   Chứng khoán đối mặt với nguy cơ “sụp đổ” ? (24/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật