Bi kịch chứng khoán: “Âm mưu và tình yêu”
Ai cũng biết thị trường càng lao dốc mạnh thì càng ẩn chứa động cơ và âm mưu. Liệu đó có phải tình huống như là vở bi kịch “Âm mưu và tình yêu” của nhà soạn kịch Đức Schiller hay còn mang một tên gọi nào khác?
Không còn là "nghiệt ngã", mà phải dùng từ "dã man" cho cái thị trường chưa hé ra một chút tương lai này.
Chỉ sau vài ba phiên được tăng "cho có", nhóm lũng đoạn thị trường lại lập túc đánh xuống không thương tiếc tất cả những gì chưa xuống và cần phải xuống.
Động thái trên xảy ra ngược lại với kỳ vọng ngắn ngủi của chúng tôi trong ngắn hạn. Trước đó, đã chớm thấy hy vọng về một đợt tăng với biên độ khoảng 10% từ giữa tháng 12/2011 đến Tết âm lịch. Xét ra, sự mong chờ vớt vát này này cũng không có gì là quá đáng khi suốt năm 2011 đã trở nên thảm thiết với mọi nhà đầu tư. Hơn nữa, vào giai đoạn sát Tết của các năm 2009 và 2010, thị trường cũng luôn "được" ưu ái.
Kết thúc tuần qua, có một cái gì đấy rất bất thường khi đã xảy ra động tác đánh xuống quyết liệt. Gần như mọi cổ phiếu, từ lớn đến nhỏ, đều chịu chung số phận nằm sàn. Hiện tượng này lại diễn ra trong bối cảnh mà sự hứa hẹn "giải cứu chứng khoán" một lần nữa được nêu ra. Nhưng tuyên bố lần này có hơi đặc biệt hơn - xuất phát từ phía Ngân hàng nhà nước.
Điều đáng thất vọng nhất là HNX đang biến động giảm không khác gì xu thế của chỉ số chứng khoán Hy Lạp - như một dự báo của chúng tôi cách đây không lâu.
Giá trị bán ròng của khối ngoại lên đến gần 600 tỷ đồng trong tuần qua phải chăng là kịch bản lặp lại của xu thế bán ròng từ khối này suốt từ quý 1 cho đến nay?
Và từ quý 1 đến nay, thị trường lên hay xuống?
Xu thế lao dốc của hai chỉ số chứng khoán là hiện hữu một cách không cần bàn cãi. Nhưng vấn đề là HNX sẽ bị đánh xuống đến mức nào trong ngắn hạn. Trước mắt, mốc 55 điểm chỉ còn được nhìn vào như một chốt chặn về tâm lý.
Dưới 55 điểm là mốc 50 điểm. Nhưng dù 55 điểm hay 50 điểm thì HNX cũng đã mất mát quá nhiều so với đỉnh phục hồi 218 điểm của nó sau thời khủng hoảng 2008.
Còn nếu so với đỉnh 460 điểm mà sàn Hà Nội lập vào tháng 3/2007, đến nay HNX đã mất đến gần 90% giá trị - một tỷ lệ chỉ có thể so sánh với cuộc đại phẫu của chỉ số Dow Jones của nước Mỹ vào những năm đại khủng hoảng 1929-1931.
Vào thời kỳ đen tối trên, thậm chí chính phủ Mỹ phải đặt ra cả một thiết chế: Bank Holiday. Sự ngừng nghỉ bắt buộc của một bộ phận trong hệ thống ngân hàng đã phản ánh làn sóng vỡ nợ trên các thị trường chứng khoán dâng cao đến mức nào.
Hiện thời, tất nhiên nền kinh tế Việt Nam chưa đến nỗi bĩ cực như thế. 2011 vẫn là năm mà hầu hết các ngân hàng báo lãi, còn thời điểm cuối năm vẫn là lúc mà ngân hàng hào phóng chi thưởng Tết từ 6-12 tháng lương cho nhân viên.
Trong khi đó, rất nhiều công ty chứng khoán đang mắc nợ ngân hàng và nợ cả cổ đông của mình. Không một giá trị thặng dư nào được phát hiện để bù đắp cho loạt triệu chứng trầm cảm trong suốt năm qua.
Phía sau đã trôi qua, mọi thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Hiện tại hầu như chỉ có tin tức xấu về những công ty chứng khoán nối tiếp nhau mất thanh khoản, đóng cửa văn phòng giao dịch và cho nghỉ việc nhân viên. Còn phía trước chỉ thấy một màn trời u ám của việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nếu nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn như ngồi trên đống lửa khi không thể thanh toán dù một phần lãi vay ngắn hạn cho ngân hàng vào thời điểm cuối năm, thì nhà đầu tư chứng khoán và các quỹ nước ngoài cũng không khác gì hội chứng "chết lâm sàng".
Những lời hứa hẹn bay bổng của Ủy ban chứng khoán nhà nước đã đều bay biến.
Hy vọng duy nhất còn sót lại chỉ là tương lai hạ lãi suất. Tương lai này đã được Ngân hàng nhà nước hứa hẹn từ khá lâu trong quá khứ nhưng lại chưa hề được tiệm cận trong thời gian tới.
Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, đến lúc này, bất kể là lãi suất huy động hay lãi suất cho vay, lãi suất nào cũng được, miễn là có giảm. Mong mỏi này xét ra còn chất chứa hơn cả mong đợi của các doanh nghiệp sản xuất.
Vì đó có thể là cứu cánh duy nhất cho nền chứng khoán nước nhà. Cứu cánh ấy cũng hầu mong có thể xuất phát từ một sự "nghĩ lại" nào đó, của một số ai đó, trong đó có những nhà tạo lập thị trường.
Chỉ có như thế, thị trường mới có được hy vọng không tiếp tục rơi, hoặc tốt hơn thế là phục hồi nhẹ.
Chứ thật khó tưởng tượng ra tương lai phục hồi mạnh.
Khác hẳn với năm 2009 khi Nhà nước còn tương đối dồi dào về tiền mặt và đã sẵn lòng chi ra gói kích cầu 8 tỷ USD, năm 2012 không có đến vài phần trăm xác suất cho sự việc này lặp lại. Trong bối cảnh mà hầu hết các ngân hàng và doanh nghiệp đều bị siết chặt về dòng tiền, nguồn nào sẽ kích động cho thị trường chứng khoán bật lên?
Một tuần lễ chìm trong lao dốc lại là một cận cảnh đang đe dọa các nhà đầu tư. Trong tuần này, khả năng hồi phục của thị trường là rất khó. Thậm chí cũng khó có được những phiên nảy lại đủ mạnh.
Chúng ta, những nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn ý thức được thân phận bèo bọt của mình, chỉ còn biết nhắm mắt cầu nguyện. Để sự dã man nào cũng có giới hạn của nó, sự lũng đoạn đến đâu vẫn còn giữ được chút nhân tính.
Nếu không phải như thế thì Tết sẽ trở nên một trong những thời đoạn khủng khiếp nhất của đời người.
Ai cũng biết thị trường càng lao dốc mạnh thì càng ẩn chứa động cơ và âm mưu. Liệu đó có phải là vở bi kịch "Âm mưu và tình yêu" của nhà soạn kịch Đức Schiller hay còn mang một tên gọi nào khác?
Việt Thắng
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|