Thứ Sáu, 02/12/2011 14:49

Chọn “mặt” CTCK gửi... tài khoản

Có rất nhiều lý do để NĐT chọn mở tài khoản ở CTCK này, thay vì CTCK khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, NĐT chủ yếu lựa chọn CTCK lớn, có tên tuổi, nhằm đảm bảo an toàn tiền, chứng khoán.

Lựa chọn một địa chỉ an toàn để gửi gắm tài sản là mong muốn của tẩt cả các NĐT

Hầu hết NĐT khi trao đổi với chúng tôi đều cho rằng, tiêu chí hàng đầu họ đặt ra khi lựa chọn CTCK là công ty lớn, có uy tín để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chí về uy tín, tùy vào hoàn cảnh cụ thể, mỗi NĐT lại có một số tiêu chí phụ, nhưng không kém phần quan trọng.

Chị Phạm Thị Loan, một nhân viên hành chính làm việc trong Tòa nhà Oceanpark ở số 1 Đào Duy Anh (Hà Nội) đã lựa chọn CTCK Thủ đô để mở tài khoản. Lý do đơn giản là vì công ty này có trụ sở ngay tại tầng 3 tòa nhà nơi chị làm việc. Chị có thể tranh thủ giờ làm để chạy xuống sàn nghe ngóng hoặc đặt lệnh. Đây cũng là lý do chọn CTCK của nhiều NĐT kiêm nhân viên công sở. Tương tự như vậy, nhiều NĐT tự do lại muốn chọn CTCK có trụ sở hoặc chi nhánh gần nhà để tiện việc giao dịch, liên hệ.

Có anh bạn thân làm môi giới cho CTCK B., anh Trần Văn Long (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) đã lựa chọn mở tài khoản ở công ty này vì kỳ vọng có mã nào "ngon" sẽ được anh bạn "phím" cho. Có quan hệ với nhân viên trong CTCK cũng là lý do để nhiều NĐT lựa chọn mở tài khoản.

Chị Minh, một cổ đông của Vinaplast cho biết, chị lựa chọn CTCK có thái độ phục vụ ân cần, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ khách hàng. Đồng thời, đó cũng phải là công ty lớn, có khả năng tài chính để đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng. Chị đã mở tài khoản ở CTCK Bảo Việt 6 năm nay và đến nay chưa từng thay đổi CTCK. Trong khi đó, những người thân trong gia đình chị lại mở tài khoản ở SBS, HSC. Theo chị Minh, những CTCK lớn thường tuyển chọn nhân viên kỹ lưỡng, nên NĐT phần nào yên tâm rằng, nhân viên công ty sẽ không xâm hại đến tài khoản của mình.

Với anh Lê Văn Hùng, một nhân viên làm việc cách trung tâm Hà Nội 30 km, tiêu chí về sự nhanh chóng, thuận tiện trong giao dịch trực tuyến là quan trọng nhất để chọn mặt gửi vàng. Cũng vì làm việc xa Hà Nội, anh Hùng lựa chọn CTCK nào cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng như đòn bẩy tài chính, báo cáo phân tích… để thuận tiện cho việc giao dịch, cũng như hỗ trợ anh trong việc ra quyết định đầu tư.

Thời gian gần đây, khi nguy cơ mất thanh khoản của một số CTCK xuất hiện, NĐT đã quan tâm hơn đến tình hình tài chính của khối CTCK khi mở tài khoản. Anh Nguyễn Văn Đức (Mai Động, Hà Nội), đã từng chuyển tài khoản qua 4 CTCK, cho biết, trước đây, việc lựa chọn CTCK tùy thuộc vào nhu cầu đầu tư. Chẳng hạn, vào thời điểm có nhu cầu đòn bẩy tài chính, anh lựa chọn công ty nào cung cấp đòn bẩy tỷ lệ lớn, thuận tiện và có nhiều mã được sử dụng đòn bẩy. Nhưng hiện nay, ưu tiên hàng đầu của anh là CTCK có tên tuổi, tình hình tài chính tốt. Tình hình tài chính tốt, theo anh, là những công ty có vốn khả dụng lớn, tự doanh ít, chủ yếu làm môi giới. Những công ty vốn lớn có thể hỗ trợ khách hàng tốt hơn, có công nghệ tốt và thái độ phục vụ khách hàng chu đáo. Tự doanh ít cũng hạn chế rủi ro.

Khảo sát của ĐTCK cho thấy, các tiêu chí lựa chọn CTCK của NĐT rất khó lượng hóa, phần nào cảm tính, phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của chính NĐT. Chẳng hạn, với tiêu chí CTCK tự doanh ít, bản thân NĐT Nguyễn Văn Đức cũng không đưa ra được tự doanh bao nhiêu là ít? Bởi vậy, một số NĐT cho rằng, một sự xếp hạng định mức tín nhiệm các CTCK là cần thiết, khi đó NĐT sẽ có căn cứ lựa chọn CTCK sao cho phù hợp và đảm bảo an toàn tài sản.

"Đây là điều đã được nhắc đến từ lâu, song đến nay vẫn chưa làm được. Ai sẽ đứng ra đánh giá, đánh giá trên tiêu chí nào, thang điểm ra sao để đảm bảo NĐT sẽ tin cậy và sử dụng kết quả đó là thách thức không nhỏ", chị Minh nhận xét.

Bên cạnh đó, một số NĐT cho rằng, CTCK cần nghiêm túc thực hiện quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Khi có bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ là nơi chi trả những khoản thiệt hại do sơ sót của CTCK và nhân viên CTCK gây ra cho khách hàng. Như vậy, NĐT sẽ yên tâm hơn khi mở tài khoản.

Ngoài ra, bản thân NĐT cũng phải nâng cao ý thức bảo vệ tài sản. Thực tế, với tình hình thị trường hiện nay, nhiều NĐT đã bỏ mặc tài khoản và chưa quan tâm thích đáng đến tình hình hoạt động của CTCK nơi mình gửi gắm một phần tài sản. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn tài sản của chính mình, NĐT cũng cần giành thời gian xem xét BCTC của CTCK, thường xuyên kiểm tra tình trạng tài khoản, nếu có thiếu hụt tiều hay chứng khoán thì ngay lập tức phải yêu cầu CTCK giải thích, khắc phục.

Bùi Trang

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Hội thảo: Nhận diện Cơ hội và Rủi ro trong năm 2012 (12/12/2011)

>   Chứng khoán và những cú sốc ngầm (01/12/2011)

>   Niêu cơm họ Thạch (30/11/2011)

>   Lời kêu gọi… (29/11/2011)

>   Khi “cá lớn” quẫy đuôi (29/11/2011)

>   Quỹ mở: Năm 2012 cũng chưa chắc thành lập được (29/11/2011)

>   KDC giảm room nhà đầu tư nước ngoài từ 49% xuống 34.66% (28/11/2011)

>   Công ty chứng khoán đua nhau cắt giảm nhân sự (28/11/2011)

>   60 cổ phiếu của Việt Nam được giới thiệu ra ASEAN (28/11/2011)

>   Khảo sát Top 5 DNNY có hoạt động IR tốt nhất 2011 (08/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật